Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 20/09/2013, 10:06 (GMT+7)
Tuyên bố chung Việt Nam - Ðan Mạch

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11-1971, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam - Ðan Mạch đã phát triển mạnh mẽ. Quan hệ Việt Nam - Ðan Mạch phát triển nhanh chóng kể từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh tháng 11-2011 với điểm nhấn là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ðan Mạch tháng 11-2012.

Nhằm mở rộng khuôn khổ hợp tác trên tinh thần của Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện ký giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Việt Nam ngày 27-6-2012, nhân chuyến thăm Ðan Mạch cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ ngày 18 đến 20-9, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác toàn diện, tạo khuôn khổ chung cho việc mở rộng và củng cố quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực cùng quan tâm như sau:

1. Hợp tác chính trị và ngoại giao:

Hai bên sẽ tiếp tục tăng cường các cuộc tiếp xúc và đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước, bao gồm các chuyến thăm chính thức giữa các lãnh đạo và bộ trưởng hai nước, cũng như trao đổi đoàn và tiếp xúc bên lề tại các diễn đàn quốc tế và khu vực khi cần thiết.

Việt Nam và Ðan Mạch cùng ủng hộ một hệ thống dựa trên các nguyên tắc công bằng, bình đẳng và đa phương, trong đó Liên hợp quốc (LHQ) đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực, đưa ra giải pháp chính trị và hòa bình cho các tranh chấp quốc tế thông qua tham vấn, đối thoại và đàm phán phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Hai bên sẽ tăng cường đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm tại các diễn đàn đa phương và khu vực, đặc biệt là tại LHQ, WTO, EU-ASEAN và ASEM.

Ðan Mạch cam kết ủng hộ các nỗ lực trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN - EU từ 2012 - 2015, Việt Nam tái khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ ASEAN - EU nói chung và ASEAN - Ðan Mạch nói riêng.

Nhằm tăng cường chia sẻ quan điểm tại các diễn đàn đa phương liên quan và các diễn đàn khác, hai bên sẽ tăng cường trao đổi về các vấn đề như luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền con người, biến đổi khí hậu, tình hình khu vực và toàn cầu, phát triển bền vững, không phổ biến vũ khí hạt nhân, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh, an toàn hàng hải và các vấn đề phù hợp khác. Hai bên khẳng định sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến LHQ và các hoạt động gìn giữ hòa bình của tổ chức này khi cần thiết.

Hai bên bày tỏ hài lòng về mối quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước và hoan nghênh việc tiếp tục triển khai các sáng kiến và hợp tác, bao gồm giữa các cơ quan tư pháp và luật pháp liên quan, nhằm tăng cường quản trị tốt trong các lĩnh vực như cải cách hành chính công, cải cách tư pháp, giáo dục và nghiên cứu về quyền con người, các sáng kiến chống tham nhũng, nâng cao năng lực của Quốc hội và các cơ quan phi chính phủ.

Hai bên cam kết tiến hành cơ chế tham vấn chính trị hàng năm ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Các phiên tham vấn này sẽ được tổ chức luân phiên tại Việt Nam và Ðan Mạch và sẽ kiểm điểm quá trình triển khai thực hiện Tuyên bố chung này.

Hai bên tiếp tục nghiên cứu khả năng tăng cường các hình thức hợp tác chính trị giữa các thể chế liên quan của Việt Nam và Ðan Mạch.

2. Hợp tác thương mại và đầu tư:

Hai bên tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương và hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm tăng kim ngạch thương mại và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam và Ðan Mạch. Hai bên ghi nhận việc Ðan Mạch đã thông qua Chiến lược tăng trưởng thị trường đối với Việt Nam vào năm 2012 nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước.

Hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ thương mại trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, như sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, quản lý nước và chất thải, nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp thực phẩm, y tế và giáo dục. Hai bên ủng hộ việc xây dựng quan hệ đối tác giữa các công ty, viện nghiên cứu hai nước nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển và ứng dụng công nghệ xanh trong lĩnh vực thương mại. Hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp Ðan Mạch và Việt Nam tại thị trường hai nước, cũng như thúc đẩy Chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).

Hai bên tiếp tục nghiên cứu khả năng tăng cường quan hệ thương mại trong lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, dịch vụ vận tải biển và kết nối giao thông biển của Việt Nam.

Hai bên sẽ phát huy hiệu quả cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Ðan Mạch, bao gồm các tiểu ban về tăng trưởng xanh, nhằm tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Hai bên hoan nghênh việc khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam vào tháng 6-2012 trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Ðan Mạch và ủng hộ việc sớm hoàn tất một hiệp định FTA cân bằng và cùng có lợi. Trong khuôn khổ PCA và tuân thủ các thủ tục liên quan, hai bên sẽ tăng cường hợp tác hướng tới việc công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể.

3. Khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh:

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh tháng 11-2011 và cam kết tiến hành các bước cần thiết nhằm triển khai hiệu quả Tuyên bố chung trên, phù hợp với kế hoạch hành động.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ký thỏa thuận hợp tác ba bên về tăng trưởng xanh giữa Việt Nam, Hàn Quốc và Ðan Mạch năm 2012 nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Ngoài ra, hai bên sẽ xúc tiến nghiên cứu khả năng thành lập "Trung tâm đổi mới công nghệ xanh".

Trong điều kiện cho phép, hai bên sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập quan hệ đối tác công - tư về tăng trưởng xanh, trong đó có sự tham gia của các công ty, cơ quan Ðan Mạch và Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và xử lý chất thải và nước. Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF), có vai trò thúc đẩy tăng trưởng xanh trên toàn thế giới thông qua mô hình đối tác công - tư, sẽ được cân nhắc khi triển khai hoạt động này.

Hai bên nhất trí tăng cường đối thoại chính sách, thúc đẩy các hoạt động và sáng kiến cụ thể về khí hậu, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước và tăng trưởng xanh tại các diễn đàn song phương và đa phương liên quan, bao gồm 3GF và ASEM. Theo đó, danh mục hàng hóa thân thiện với môi trường của APEC có thể là một ví dụ tốt về hợp tác đa phương nhằm củng cố tăng trưởng xanh toàn cầu.

4. Giáo dục và nghiên cứu:

Hai bên sẽ hỗ trợ các hoạt động hợp tác giữa các cơ sở giáo dục - nghiên cứu của Việt Nam và Ðan Mạch thông qua việc cung cấp thông tin, kết nối, bảo đảm xử lý nhanh những thủ tục phê chuẩn cần thiết, và hỗ trợ các cơ sở giáo dục - đào tạo, các quan hệ đối tác mới được hình thành từ hình thức hợp tác này.

Hai bên sẽ tiếp tục tích cực hợp tác về giáo dục và nghiên cứu ở các cấp độ song phương và đa phương, đặc biệt là thông qua ASEM.

Hai bên sẽ đặc biệt ưu tiên hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cùng có lợi như hợp tác giáo dục đại học, đào tạo nghề, cơ khí chế tạo, học tập suốt đời và giáo dục vì phát triển bền vững.

Hai bên sẽ nghiên cứu khả năng xây dựng cơ chế hợp tác song phương về nghiên cứu và phát triển công nghệ.

5. Hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân:

Hai bên sẽ đẩy mạnh hơn nữa giao lưu và hợp tác văn hóa nghệ thuật, khuyến khích hình thức hợp tác trực tiếp giữa các cơ sở văn hóa Ðan Mạch và Việt Nam trên cơ sở các mối quan tâm về nghề nghiệp, có đi có lại và lâu dài.

Hai bên ghi nhận mối quan hệ giao lưu giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Ðan Mạch ngày càng phát triển thông qua hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan phi chính phủ và các đối tác xã hội hai nước, đồng thời cam kết đẩy mạnh những mối liên kết này thông qua việc tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

6. Ðiều khoản cuối cùng:

Hai bên chỉ định Bộ Ngoại giao mỗi nước làm đầu mối triển khai Tuyên bố chung này.

Nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả Tuyên bố chung này, Bộ Ngoại giao hai nước sẽ xây dựng kế hoạch hành động chung với thời hạn hai năm một lần.

Tuyên bố chung này có thể được sửa đổi trên cơ sở hai bên đồng ý bằng văn bản và có hiệu lực kể từ ngày ký kết cho đến khi một trong hai bên tuyên bố hủy bỏ bằng văn bản chính thức trước 06 tháng.

Nguồn: TTXVN/nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.