Thứ Ba, 17/09/2024, 09:02 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự
1. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Việt Nam và Ô-xtrây-li-a đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và thực chất trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và các lợi ích chung. Sự tương đồng về lợi ích an ninh, kinh tế cũng như giao lưu nhân dân ngày càng sâu sắc là cơ sở giúp hai nước tăng cường quan hệ và hợp tác.
2. Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Ô-xtrây-li-a, thiết lập năm 2009 và được tăng cường năm 2015, là minh chứng cho những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân hai nước cùng chung tay vun đắp quan hệ song phương.
3. Năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a, hai nước quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Ô-xtrây-li-a của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
4. Với việc thiết lập đối tác chiến lược, Việt Nam và Ô-xtrây-li-a khẳng định cam kết làm sâu sắc quan hệ hai nước trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cũng như hệ thống chính trị của nhau. Hai bên sẽ tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau nhằm làm sâu sắc quan hệ song phương, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực. Đặc biệt, hai bên cam kết cùng nỗ lực hợp tác nhằm duy trì một khu vực hòa bình, tự cường và bảo đảm các quy tắc, chuẩn mực đã tồn tại nhiều thập kỷ qua.
5. Chương trình Hành động Việt Nam - Ô-xtrây-li-a giai đoạn 2016 - 2019 tiếp tục có hiệu lực và được gia hạn khi Tuyên bố chung này được ký kết.
Hợp tác song phương
Hợp tác chính trị
6. Hai bên cam kết làm sâu sắc hợp tác chính trị song phương, kể cả thông qua trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên giữa Đảng Cộng sản, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam và các chính đảng, Chính phủ và Quốc hội Ô-xtrây-li-a.
7. Để phù hợp với mối quan hệ hiện đại và năng động, hai bên sẽ tăng cường giao thiệp chính trị thông qua các hội nghị thường niên cấp Bộ trưởng nhằm tranh thủ tối đa các cơ hội trao đổi quan điểm, ý tưởng và sáng kiến về các vấn đề chiến lược. Hỗ trợ cho các trao đổi, tiếp xúc thường xuyên và cấp cao này là các cơ chế hợp tác song phương hiện có, bao gồm Đối thoại Chiến lược 2+2, Đối thoại Việt Nam - Ô-xtrây-li-a về quyền con người, Tham vấn lãnh sự Việt Nam - Ô-xtrây-li-a và Diễn đàn nông nghiệp Việt Nam - Ô-xtrây-li-a.
8. Hai bên cam kết tăng cường trao đổi chính trị về các vấn đề quốc tế và khu vực thông qua việc thiết lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao thường niên.
9. Hai bên cam kết tăng cường tiếp xúc giữa các quan chức cấp cao nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, pháp luật và tư pháp, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, sáng tạo, giáo dục và các lĩnh vực khác như lao động và du lịch.
Hợp tác kinh tế và phát triển
10. Hai bên cam kết làm sâu sắc quan hệ thương mại và đầu tư song phương, đồng thời tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư thông thoáng hơn thông qua hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.
11. Trên cơ sở bổ trợ lẫn nhau của hai nền kinh tế, hai bên sẽ xúc tiến các biện pháp tiếp cận thị trường và thuận lợi hóa thương mại cho hàng hóa của nhau, bao gồm cả nông sản và hải sản.
12. Hai bên hoan nghênh việc thiết lập cơ chế Hội nghị đối tác kinh tế thường niên cấp Bộ trưởng để xác định các cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển và cải cách kinh tế bền vững. Diễn đàn kinh tế mới này sẽ thay thế Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại và kinh tế, giúp tăng cường đối thoại giữa các bộ trưởng chủ chốt phụ trách thương mại, đầu tư, phát triển và quy hoạch, đồng thời tạo sự đồng bộ giữa các khía cạnh khác nhau của liên kết kinh tế giữa hai nước.
13. Hai bên nhận thức rõ tầm quan trọng của mối liên kết mạnh mẽ và trực tiếp giữa các doanh nghiệp đối với quan hệ thương mại và đầu tư song phương. Hai bên khuyến khích doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối và nâng cao hiểu biết về tính bổ trợ lẫn nhau của hai nền kinh tế, kể cả thông qua các đoàn doanh nghiệp và xúc tiến thương mại hai chiều.
14. Ô-xtrây-li-a đánh giá cao những thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế của Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh hỗ trợ phát triển chính thức song phương và khu vực nhiều năm qua của Ô-xtrây-li-a. Hai bên cam kết xây dựng quan hệ đối tác kinh tế nhằm giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội và phát triển, với trọng tâm là cải cách kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, kết nối khu vực tư nhân, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và sáng tạo.
15. Hai bên sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác cùng có lợi trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm các dự án nghiên cứu chung và hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam, thúc đẩy thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế và chuỗi cung ứng tin cậy.
16. Hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực cùng có lợi như năng lượng, tài nguyên, kinh tế biển, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hợp tác quốc phòng, pháp luật và tư pháp, tình báo và an ninh
17. Hai bên khẳng định quan hệ chiến lược và các lợi ích chung ở khu vực của hai bên ngày càng gia tăng, đồng thời tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa về quốc phòng, pháp luật và tư pháp, tình báo và an ninh nhằm đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
18. Hai bên tái khẳng định cam kết tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng thường niên nhằm thúc đẩy đối thoại ở cấp cao về các vấn đề quốc phòng trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng đã ký năm 2010. Đây là cơ hội tìm kiếm thêm các hình thức hợp tác quốc phòng, kể cả trong lĩnh vực đào tạo và huấn luyện, an ninh hàng hải và hàng không, đào tạo và hỗ trợ các hoạt động gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, giải quyết hậu quả chiến tranh và các lĩnh vực khác.
19. Hai bên hoan nghênh hợp tác giữa cảnh sát, các cơ quan chức năng về quản lý biển và biên giới của hai nước, nhất trí cùng đẩy mạnh hợp tác về an ninh và thực thi pháp luật, kể cả thông qua Đối thoại an ninh thường niên cấp Thứ trưởng, tăng cường trao đổi thông tin tình báo và hỗ trợ nâng cao năng lực.
20. Hai bên cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác song phương và tham gia các nỗ lực khu vực nhằm giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm buôn bán người và đưa người di cư trái phép, buôn lậu ma túy, rửa tiền, khủng bố, tội phạm mạng, cũng như thu hồi tài sản thất thoát từ các tội phạm này.
21. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác song phương và khu vực giữa các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý và thực thi pháp luật biển thông qua đối thoại, phối hợp, hợp tác thiết thực và các hoạt động nâng cao năng lực.
Hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ, lao động, xã hội, văn hóa và giao lưu nhân dân
22. Hai bên nhấn mạnh cần tăng cường giao lưu nhân dân, đặc biệt thông qua trao đổi thanh niên và sinh viên. Hai bên ủng hộ mạnh mẽ sinh viên Ô-xtrây-li-a sang Việt Nam và sinh viên Việt Nam sang Ô-xtrây-li-a học tập, thông qua Kế hoạch Cô-lôm-bô Mới và các chương trình học bổng của Ô-xtrây-li-a và Việt Nam.
23. Hai bên tái khẳng định ý nghĩa của hợp tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu cũng như vai trò của mạng lưới rộng lớn các cựu sinh viên Việt Nam từng theo học tại Ô-xtrây-li-a. Hai bên nhất trí ủng hộ mở rộng đối thoại về chính sách giáo dục nhằm tăng cường liên kết giữa các cơ sở và cung cấp dịch vụ giáo dục xuyên quốc gia, trong đó có việc áp dụng công nghệ truyền thông tiên tiến, tạo thuận lợi về đi lại cho học sinh, học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia.
24. Hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực dạy nghề và các vấn đề xã hội, trong đó có thúc đẩy bình đẳng giới và ghi nhận những cơ hội về di chuyển lao động thông qua chương trình nhập cư dành cho lao động có tay nghề của Ô-xtrây-li-a.
25. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy mở rộng hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và sáng tạo; tăng cường kết nối giữa các viện nghiên cứu; khuyến khích chuyển giao công nghệ, trao đổi chuyên gia và chia sẻ thông tin về khoa học, công nghệ và sáng tạo.
26. Hai bên đánh giá cao vai trò của các tổ chức nhân dân và xã hội hai nước trong việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp, tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và Ô-xtrây-li-a.
27. Hai bên đánh giá cao thành công của cộng đồng người Việt Nam tại Ô-xtrây-li-a cũng như những đóng góp của họ cho quan hệ song phương. Hai bên đề cao vai trò của thanh niên trong việc xây dựng mạng lưới các nhà lãnh đạo tương lai và doanh nhân hai nước, đem lại nhiều lợi ích chung.
28. Hai bên cam kết triển khai hiệu quả Chương trình lao động kỳ nghỉ giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a.
29. Hai bên hoan nghênh sự gia tăng nhanh chóng số lượng du khách hai chiều cũng như sự phát triển có tính gắn kết giữa hàng không và du lịch, và sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này.
30. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác văn hóa trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và cam kết gia tăng hợp tác Việt Nam - Ô-xtrây-li-a trong lĩnh vực này.
Hợp tác khu vực và quốc tế
31. Hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì một trật tự khu vực mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, coi đây là nền tảng của hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Hai bên chia sẻ mục tiêu củng cố và phát triển các thể chế khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy các lợi ích chung về chính trị, kinh tế và an ninh.
32. Hai bên ủng hộ Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), tổ chức đã mang lại sự hài hòa và gắn kết cho khu vực. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ô-xtrây-li-a và đánh giá cao Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Ô-xtrây-li-a mang tính lịch sử, với nhiều sáng kiến thực chất về tăng cường hợp tác.
33. Hai bên nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình và cam kết tăng cường hợp tác để củng cố các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), trong đó ASEAN đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy. Trên cơ sở đó, hai bên khẳng định tầm quan trọng của EAS là diễn đàn khu vực hàng đầu do các nhà lãnh đạo dẫn dắt nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chiến lược, chính trị và kinh tế cùng quan tâm và có chung lợi ích.
34. Hai bên cam kết sẽ tiếp tục hợp tác giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu đang nổi lên, bao gồm khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng, buôn bán người và đưa người di cư trái phép, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), an ninh năng lượng, an toàn và an ninh hàng hải, an ninh lương thực và nguồn nước, bệnh truyền nhiễm, cơ sở hạ tầng chất lượng, thu hẹp khoảng cách phát triển, kinh tế số cũng như ủng hộ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, và tăng cường kết nối vùng, tiểu vùng và phát triển bền vững tại khu vực.
35. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về phát triển bền vững, bảo vệ và quản lý môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu thiên tai trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, Chương trình khung Sen-đai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu.
36. Hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy an ninh và an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, bao gồm tuân thủ và thực thi nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý quốc tế; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và thông qua các cơ chế thích hợp do ASEAN dẫn dắt. Theo đó, hai bên tiếp tục quan ngại về tình hình Biển Đông và khẳng định tiếp tục phối hợp tích cực nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và ràng buộc giữa ASEAN và Trung Quốc, phù hợp với luật pháp quốc tế.
37. Trên cơ sở các kết quả quan trọng của Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam, hai bên cam kết tăng cường hợp tác thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, thương mại và đầu tư tự do và cởi mở thông qua Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực cũng như APEC, đồng thời ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật pháp.
Nguồn: nhandan.com.vn
Tuyên bố chung,đối tác chiến lược,Việt Nam,Ô-xtrây-li-a
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo 16/09/2024
Không chùn bước trước gian khó 16/09/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sáu điểm tựa để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian nan, thử thách 16/09/2024
Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh 15/09/2024
Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia phát triển tích cực 14/09/2024
Sửa đổi Luật Sĩ quan: Hạn tuổi phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là bao nhiêu? 14/09/2024
Tuyên bố chung Việt Nam - Lào 13/09/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Cần tư duy mới, cách làm mới cho tương lai thế giới 13/09/2024
Thi đua Quyết thắng – Động lực to lớn để Binh đoàn 15 hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sản xuất, kinh doanh 13/09/2024
Khai mạc Hội nghị trao đổi ý kiến giữa Tạp chí Quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên trên địa bàn Quân khu 5 13/09/2024
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại tướng Phan Văn Giang kiểm tra, chúc mừng Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 12
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì Hội nghị giao ban Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tháng 8/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Bộ trưởng Phan Văn Giang làm việc với Bộ Tổng Tham mưu về một số nội dung quy hoạch
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến vào các văn kiện
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất năng lực, uy tín, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính