Thứ Bảy, 23/11/2024, 22:24 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Ðại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran Hát-xan Ru-ha-ni thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.
* Chiều 6-10, tại Trụ sở Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran Hát-xan Ru-ha-ni đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.
Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni bày tỏ vui mừng đến thăm Việt Nam; chân thành cảm ơn sự tiếp đón trọng thị và những tình cảm thân thiết của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước Việt Nam; chúc mừng kết quả thành công của Ðại hội XII Ðảng Cộng sản Việt Nam, bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp; đánh giá cao những thành tựu đổi mới, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và vai trò tích cực của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế; chúc nhân dân Việt Nam tiếp tục giành nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ngài Tổng thống thông báo với Tổng Bí thư một số nét về tình hình I-ran hiện nay, kết quả cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Ðại Quang và hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ðánh giá cao những bước phát triển trong quan hệ hai nước thời gian qua, Tổng thống H.Ru-ha-ni bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, cũng như thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác giữa I-ran và Việt Nam trong thời gian tới, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, phát triển của khu vực và trên thế giới; khẳng định quyết tâm triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác mà hai bên đạt được trong chuyến thăm, trước mắt tích cực chuẩn bị cho kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ lần thứ chín sắp tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh Tổng thống H.Ru-ha-ni thăm Việt Nam; chúc mừng những thành tựu mà nhân dân I-ran đã đạt được trong việc phá thế bao vây cấm vận, góp phần vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế và tăng cường vị thế của I-ran trong khu vực và trên thế giới. Tổng Bí thư thông báo với Tổng thống I-ran kết quả của Ðại hội XII Ðảng Cộng sản Việt Nam; bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển của quan hệ Việt Nam - I-ran trong thời gian gần đây; khẳng định Ðảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước bạn bè truyền thống ở khu vực Trung Ðông, trong đó có I-ran. Ðể phát huy những thành tựu hợp tác mà hai nước đã đạt được trong hơn 40 năm qua, tương xứng quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng to lớn của mỗi nước, Tổng Bí thư đề nghị trong thời gian tới, hai nước cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, ngành và doanh nghiệp để tìm các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư; đồng thời thúc đẩy tiếp xúc, trao đổi qua kênh Ðảng, ngoại giao nhân dân và các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, du lịch, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và củng cố, phát huy hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống Việt Nam - I-ran.
* Trước đó, sáng 6-10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang đã chủ trì lễ đón trọng thể Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni theo nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia. Cùng dự lễ đón có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Ðào Việt Trung; Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng; Ðại sứ Việt Nam tại I-ran Nguyễn Hồng Thạch.
* Sau lễ đón, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang đã hội đàm với Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni. Cùng dự hội đàm, về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Ðào Việt Trung; Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng; Ðại sứ Việt Nam tại I-ran Nguyễn Hồng Thạch và lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về phía I-ran có: Bộ trưởng Ngoại giao M.G.Da-ríp; Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống M.Na-ha-van-đi-an; Bộ trưởng Công nghiệp, Mỏ và Thương mại M.R.Nê-mát-da-đê; Bộ trưởng Nông nghiệp M.Hô-gia-ti; Thống đốc Ngân hàng Trung ương V.Xê-íp; Cố vấn Văn hóa của Tổng thống H.A-sê-na; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống H.A-bu-ta-le-bi; Ðại sứ I-ran tại Việt Nam X.A-đi-bi và một số quan chức cấp cao khác.
Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang nhiệt liệt hoan nghênh Tổng thống H.Ru-ha-ni cùng Ðoàn đại biểu cấp cao I-ran tới thăm Việt Nam, nhấn mạnh chuyến thăm thể hiện sự coi trọng và quyết tâm của các nhà lãnh đạo I-ran trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Trong bối cảnh cả hai nước đều đang bước vào giai đoạn mới của công cuộc hội nhập và phát triển với những kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của Tổng thống I-ran tới Việt Nam sẽ tiếp tục tạo động lực mới nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương, tối đa hóa lợi thế của hai nước, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước, vì lợi ích hai dân tộc.
Tổng thống H.Ru-ha-ni bày tỏ vui mừng lần đầu thăm Việt Nam, cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt và trọng thị của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam dành cho cá nhân Tổng thống và đoàn. Tổng thống bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp; khâm phục ý chí của người dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây cũng như công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Tổng thống chúc mừng những thành tựu Việt Nam đã đạt được trên nhiều lĩnh vực, duy trì an ninh xã hội và tăng trưởng bền vững, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Trong không khí thân mật và cởi mở, hai nhà lãnh đạo đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, bày tỏ hài lòng về những tiến triển trong quan hệ song phương kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây hơn 40 năm, nhất là những phát triển tích cực sau chuyến thăm I-ran của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3-2016. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận và nhất trí về những phương hướng, biện pháp nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ chính trị, ưu tiên mở rộng hợp tác kinh tế để làm cơ sở thúc đẩy quan hệ song phương đi vào thực chất và chiều sâu.
Về chính trị, hai bên nhất trí tiếp tục truyền thống ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau nhằm phục vụ mục tiêu phát triển vì sự phồn thịnh của hai quốc gia, vì hòa bình ở khu vực và trên thế giới; khẳng định sự cần thiết tăng cường trao đổi đoàn các cấp qua các kênh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, địa phương, nhân dân, doanh nghiệp; tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như Ủy ban liên Chính phủ, tham vấn chính trị.
Chia sẻ quan điểm chung về những thay đổi sâu sắc và phức tạp của tình hình quốc tế hiện nay, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, các quốc gia đang phát triển cần tăng cường hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định ở Ðông-Nam Á và Tây Á, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế; thống nhất sẽ đẩy mạnh tham vấn về các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời nhấn mạnh mọi tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc phổ quát được quốc tế thừa nhận. Tổng thống I-ran khẳng định, I-ran coi trọng quan hệ với Việt Nam và các nước Ðông-Nam Á. Phía I-ran cảm ơn Việt Nam ủng hộ I-ran tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ASEAN (TAC).
Hợp tác kinh tế là lĩnh vực trọng tâm trong trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo tại hội đàm. Trên cơ sở đó, hai bên cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp cận thị trường của nhau để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi cụ thể các biện pháp để sớm đạt mức kim ngạch thương mại hai tỷ USD trong thời gian tới, trong đó có việc tháo gỡ các cơ chế về thanh toán, thiết lập các cơ chế hợp tác thanh toán giữa các ngân hàng hai nước, thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực hai nước có tiềm năng như dầu khí, sản phẩm hóa dầu, vật liệu xây dựng... Phía I-ran bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Việt Nam trong các ngành lọc hóa dầu, nhiệt điện, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất dược phẩm, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản... Tổng thống H.Ru-ha-ni đề xuất hai bên tìm kiếm khả năng hợp tác trồng giống lúa của I-ran ở Việt Nam rồi xuất khẩu sang I-ran. Hai bên cũng trao đổi nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường I-ran. Tổng thống I-ran khẳng định thỏa thuận viễn thông sẽ là cơ sở quan trọng để hai nước hợp tác trên lĩnh vực này.
Chủ tịch nước Trần Ðại Quang nhất trí với đề xuất của Tổng thống I-ran và cho rằng hai nước cần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hai bên có thế mạnh như công nghệ thông tin, viễn thông và dầu khí, cho rằng đây là những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác lớn. Chủ tịch nước đề nghị phía I-ran tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT... có thể triển khai các dự án đầu tư kinh doanh tại thị trường I-ran và hoan nghênh các doanh nghiệp I-ran đầu tư vào Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi sâu sắc các biện pháp định hướng hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ cao, văn hóa, du lịch... cũng như hợp tác giữa các địa phương của hai nước; cam kết sẽ đôn đốc, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai kết quả chuyến thăm lần này để tiếp tục duy trì đà phát triển trong quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sớm tổ chức kỳ họp lần thứ chín Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – I-ran tại I-ran nhằm triển khai các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm của Tổng thống H.Ru-ha-ni.
Nhân dịp này, Tổng thống I-ran trân trọng mời Chủ tịch nước Trần Ðại Quang thăm I-ran vào thời gian thích hợp. Chủ tịch nước Trần Ðại Quang đã vui vẻ nhận lời.
* Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang và Tổng thống H.Ru-ha-ni đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu công vụ.
* Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang và Tổng thống H.Ru-ha-ni có cuộc gặp các phóng viên Việt Nam và quốc tế, thông báo kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm. Chủ tịch nước Trần Ðại Quang nhấn mạnh, cuộc hội đàm diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn; lãnh đạo hai nước đã nhất trí coi hợp tác kinh tế là cơ sở thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác song phương phát triển thực chất, đi vào chiều sâu. Tổng thống H.Ru-ha-ni cho biết, lãnh đạo hai nước đã đi đến những thống nhất quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
* Sáng 6-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni. Nhắc lại ấn tượng trong chuyến thăm I-ran tháng 10-2014, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn tấm lòng hiếu khách và những tình cảm tốt đẹp mà các nhà lãnh đạo và nhân dân I-ran dành cho Việt Nam. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chân thành chúc mừng Ngài Tổng thống và nhân dân I-ran về việc I-ran được dỡ bỏ lệnh cấm vận quốc tế sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Nhóm P5+1, mở ra triển vọng hợp tác to lớn giữa I-ran và Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống cùng có lợi với I-ran; tin tưởng chuyến thăm Việt Nam lần này của Ngài Tổng thống sẽ tiếp tục mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước.
Vui mừng với kết quả hội đàm giữa Ngài Tổng thống với Chủ tịch nước Trần Ðại Quang cũng như những thỏa thuận hai bên đã đạt được trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam phối hợp chặt chẽ với phía I-ran triển khai các cam kết, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương hai nước lên hai tỷ USD trong thời gian tới. Thủ tướng đề nghị hai bên tập trung tăng cường thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo điều kiện và giới thiệu các đối tác tương ứng cho các doanh nghiệp hai bên để trao đổi các sản phẩm có thế mạnh như chè, thủy sản, gạo, hạt điều, cà-phê, hạt tiêu, dệt may, cao-su của Việt Nam và chất dẻo nguyên liệu, kim loại, hóa chất, quặng, máy móc thiết bị, dược phẩm, hoa quả khô, thảm của I-ran. Nhấn mạnh tiềm năng xuất khẩu gạo lâu dài của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị nâng hợp tác thương mại gạo lên cấp Chính phủ để ổn định lâu dài. Thủ tướng cũng tán thành việc I-ran phối hợp tỉnh Cần Thơ nhằm triển khai dự án trồng thử nghiệm giống lúa hạt dài của I-ran tại Việt Nam để xuất sang thị trường I-ran. Mong muốn hai bên tích cực hợp tác công nghệ thông tin và viễn thông, phấn đấu đưa lĩnh vực này thành khâu đột phá trong hợp tác song phương, Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ I-ran tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam trong các hoạt động tại I-ran. Trên cơ sở thế mạnh của I-ran trong lĩnh vực dầu khí, Thủ tướng đề nghị Chính phủ I-ran tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong quá trình tái khởi động dự án thăm dò dầu khí tại lô Ða-nan. Cho biết, Việt Nam đã ký Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á - Âu, chuẩn bị ký FTA với Liên hiệp châu Âu (EU), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là những cơ hội thuận lợi để các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có I-ran mở rộng và tham gia sâu hơn vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Ðối với vấn đề Biển Ðông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị I-ran tiếp tục ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) trong năm 2017.
Về phần mình, Tổng thống H.Ru-ha-ni cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp đoàn. Ðánh giá quan hệ Việt Nam và I-ran thời gian qua đã có những bước phát triển tốt đẹp, Ngài Tổng thống nhắc lại chuyến thăm I-ran của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2014 và nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3-2016 đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hai nước. Dành những tình cảm tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam, Tổng thống I-ran cho rằng, hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác phát triển. I-ran mong muốn hai nước hiện thực hóa các thỏa thuận của Ủy ban liên chính phủ, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, dầu, khí, công nghệ thông tin, nông nghiệp. Tổng thống I-ran cũng nhất trí với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác cũng như hợp tác đầu tư ở nước thứ ba. Tổng thống H.Ru-ha-ni mong muốn hai bên xúc tiến đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do song phương, nhằm mở ra nhiều cơ hội mới phát triển toàn diện quan hệ hai nước; đề xuất với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thành lập một đường vận tải biển để nâng cao hợp tác thương mại song phương. Nhấn mạnh dự án thăm dò dầu khí lô Ða-nan mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trúng thầu là dự án biểu tượng của quan hệ hợp tác hai nước, Tổng thống H.Ru-ha-ni đề nghị hai bên tiếp tục tái khởi động và triển khai thực hiện, đem lại hiệu quả trong thực tiễn. Tán thành với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc mở rộng các lĩnh vực hợp tác song phương, Tổng thống H.Ru-ha-ni nêu rõ, I-ran sẵn sàng cung cấp các sản phẩm, vật liệu xây dựng mà Việt Nam đang có nhu cầu như đá, thạch cao; hợp tác với Việt Nam xây dựng các nhà máy nhiệt điện, hệ thống dẫn nước, cầu đường. Trong lĩnh vực văn hóa, I-ran mong muốn hai nước tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện, giao lưu văn hóa nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc. Với các tiềm năng du lịch của mỗi nước, Việt Nam và I-ran cần xúc tiến mạnh mẽ hợp tác trong lĩnh vực này. Tổng thống I-ran cũng khẳng định sẽ tiếp tục cấp thêm học bổng cho sinh viên Việt Nam học tập tại I-ran, đồng thời tăng cường hợp tác giáo dục đào tạo với Việt Nam trong thời gian tới.
* Tối cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang chủ trì tiệc chiêu đãi trọng thể chào mừng Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni và các thành viên trong đoàn nhân dịp thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.
* Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - I-ran.
* Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo các Bộ: Công nghiệp, Nông nghiệp và Ngân hàng Nhà nước hai nước Việt Nam và I-ran đã có các cuộc gặp làm việc để trao đổi về hợp tác song phương.
Nguồn: nhandan.com.vn
Tổng thống Iran,Hassan Rouhani,thăm Việt Nam,hội đàm
Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia 23/11/2024
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm
Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái