Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:51 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự
Sáng 25-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thủ đô Mát-xcơ-va, đi thăm thành phố Xô-chi, thuộc tỉnh Cra-xnô-đa, phía Tây Nam nước Nga và có các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo LB Nga tại đây.
Chuyến thăm tạo xung lực mới
Ngày 25-11, tại Khu dinh thự của Tổng thống LB Nga tại TP Xô-chi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội đàm với Tổng thống V. Pu-tin.
Thay mặt Nhà nước, Chính phủ và nhân dân LB Nga, Tổng thống V. Pu-tin nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao chuyến thăm chính thức LB Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; cho rằng chuyến thăm này là một sự kiện đặc biệt quan trọng, diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang phát triển rất tốt đẹp và ngay trước thềm Lễ kỷ niệm 65 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (01-2015). Chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện có tính chất đặc biệt giữa Việt Nam và LB Nga. Tổng thống V. Pu-tin bày tỏ tin tưởng vững chắc rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục giành nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ảnh: Trí Dũng- TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Pu-tin nhất trí cho rằng, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - LB Nga đã được kiểm nghiệm và thử thách qua thời gian, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc và là nền tảng vững chắc, là tiền đề quan trọng để hai nước tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác trong những thập niên tiếp theo của thế kỷ XXI; đánh giá cao những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là những thỏa thuận cấp cao hai nước đạt được trong thời gian gần đây; khẳng định chủ trương tiếp tục củng cố hơn nữa quan hệ giữa hai đảng cầm quyền, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành và địa phương hai nước, các tổ chức xã hội; đánh giá tích cực sự năng động trong hợp tác kinh tế-thương mại song phương. Tuy nhiên, hai nhà Lãnh đạo cho rằng kết quả đạt được còn khiêm tốn, chưa thật tương xứng với mức độ phát triển quan hệ chính trị tốt đẹp, với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.
Lãnh đạo hai nước đánh giá cao vai trò điều phối quan trọng của Ủy ban liên Chính phủ Việt-Nga về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật (UBLCP), các Tiểu ban và Tổ công tác của UBLCP trong việc chuẩn bị và triển khai các dự án và chương trình hợp tác; bày tỏ hài lòng về quá trình đàm phán Hiệp định về khu vực mậu dịch tự do giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên minh Hải quan (LB Nga, Cộng hòa Bê-la-rút và Cộng hòa Ca-dắc-xtan); đánh giá tích cực việc triển khai Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, cũng như kết quả Khóa họp 17 của Ủy ban Liên chính phủ hai nước tại Vla-đi-vô-xtốc đầu tháng 9-2014. Việt Nam hoan nghênh các quốc gia thành viên Liên minh Hải quan đã hoàn thành thủ tục nội bộ để Hiệp ước về Liên minh Kinh tế Á ‒ Âu có hiệu lực từ ngày 01-01-2015; bày tỏ tin tưởng, việc Liên minh bắt đầu hoạt động sẽ đóng góp vào việc bảo đảm sự phát triển kinh tế bền vững trong khu vực và trên thế giới.
Ưu tiên phát triển hợp tác năng lượng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Pu-tin đã nhất trí đề ra các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, trước mắt là triển khai hiệu quả Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên năm 2014 và sớm thống nhất Danh mục năm 2015; thực hiện tốt Kế hoạch tổ chức chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn của hai nước trong năm 2015, trong đó có kỷ niệm 65 năm Ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hai bên nhất trí cần phát huy tối đa lợi thế của mình để nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020; đẩy nhanh tiến độ để kết thúc đàm phán và ký tắt Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan vào cuối năm 2014 và ký chính thức vào đầu năm 2015.
Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, chế tạo máy, nhiên liệu, năng lượng và các lĩnh vực khác. Hai bên đặt nhiệm vụ tiếp tục hoạt động tích cực trong khuôn khổ Tổ Công tác cấp cao Việt ‒ Nga về các dự án đầu tư ưu tiên trong bối cảnh ký Hiệp định về khu vực mậu dịch tự do giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên minh Hải quan.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Pu-tin nhấn mạnh ưu tiên phát triển hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, với trọng tâm là hợp tác dầu khí và điện hạt nhân. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao hợp tác song phương trong lĩnh vực dầu khí; nhất trí thực hiện đầy đủ các dự án hiện có và khởi động các dự án hợp tác mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty dầu khí nhà nước của hai quốc gia hoạt động trên lãnh thổ của nhau; quyết định tăng cường hợp tác trong việc thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thống nhất đẩy nhanh đàm phán để đạt được thỏa thuận hợp tác về mở rộng và hiện đại hóa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Trong lĩnh vực điện hạt nhân, Liên bang Nga khẳng định tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo cán bộ và nâng cao năng lực cho chuyên gia, các nhà khoa học và cán bộ hành chính trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, sẵn sàng nhận công dân Việt Nam vào học tại các trường đại học của Nga về chuyên ngành nguyên tử. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng tiếp tục mở rộng trao đổi giữa các cơ quan có thẩm quyền của hai nước về việc xây dựng hệ thống quốc gia bảo đảm an toàn hạt nhân tại Việt Nam. Lãnh đạo hai nước nhất trí thúc đẩy hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với phương châm sử dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm an toàn tuyệt đối, hiệu quả và chất lượng cao nhất; quyết định đẩy nhanh thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.
Hai bên đánh giá cao sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và kỹ thuật quân sự, là lĩnh vực hợp tác truyền thống, có vai trò quan trọng, có độ tin cậy cao và hiệu quả giữa hai nước, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Hai bên quyết định mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp, tổ hợp công nông nghiệp, bao gồm tăng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nga, thu hút các doanh nghiệp Việt Nam thành lập cơ sở sản xuất nông nghiệp trên lãnh thổ Nga, trước hết tại vùng Viễn Đông và tỉnh Mát-xcơ-va.
Hai bên cho rằng, cần tăng cường và đa dạng hóa hợp tác trong lĩnh vực tài chính tín dụng, bao gồm việc sử dụng các thẻ thanh toán và đồng nội tệ trong các thanh toán kinh tế đối ngoại, tăng cường sự tham gia của Ngân hàng Việt - Nga trong việc thực hiện các dự án song phương trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng. Hai bên khẳng định cần tăng cường sử dụng tiềm năng của Ngân hàng Đầu tư quốc tế với tư cách nguồn tài chính cho các dự án công nghiệp và các dự án cơ sở hạ tầng lớn hiện đang cần thu hút các khoản tín dụng dài hạn.
Đưa hợp tác giáo dục, khoa học ‒ công nghệ lên tầm chiến lược
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Pu-tin nhất trí đưa hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ lên tầm chiến lược. Tổng thống V. Pu-tin cam kết Nga sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong đào tạo cán bộ trong những lĩnh vực mà Nga có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, trước hết là việc hai bên cần nỗ lực hơn nữa để triển khai dự án thành lập Trường Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Hà Nội, cũng như bảo đảm hoạt động ổn định của Trung tâm Công nghệ và Nghiên cứu khoa học nhiệt đới Việt - Nga nhằm triển khai những dự án hợp tác song phương trọng điểm;
Hai bên đánh giá cao sự hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước; bày tỏ hài lòng nhận thấy trong những năm qua lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam tiếp tục tăng cao, là một kênh quan trọng, góp phần củng cố vững chắc quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Lãnh đạo hai nước nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân của Việt Nam và Nga sinh sống, làm việc và học tập trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp của mỗi nước, trên tinh thần hữu nghị và phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Pu-tin đã trao đổi và đạt được sự nhất trí cao về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm; khẳng định tiếp tục tăng cường phối hợp hành động chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế nhằm xây dựng trật tự thế giới đa cực, công bằng, dân chủ, dựa trên sự tối thượng của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia với vai trò chủ đạo của Liên hợp quốc với tư cách cơ chế toàn cầu trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam - LB Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và việc nâng cao vai trò của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), cũng như các cơ chế mà ASEAN làm nòng cốt như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM)…
Ủng hộ thực thi đầy đủ DOC và tiến tới sớm thông qua COC
Đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nhằm duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực; hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC và tiến tới sớm thông qua COC.
Kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Pu-tin đã chứng kiến Lễ ký 9 văn kiện hợp tác giữa hai nước và gặp gỡ phóng viên hai nước, thông báo kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm.
Trước đó, cũng tại khu Dinh thự của Tổng thống tại TP Xô-chi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Pu-tin đã tiến hành hội đàm hẹp.
Nhất trí xem xét cơ chế chuyển đổi linh hoạt giữa đồng rúp và đồng Việt Nam
Sáng 25-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nga, đồng thời là Chủ tịch Đảng “Nước Nga Thống nhất” Đ. Mét-vê-đép.
Thủ tướng Đ. Mét-vê-đép đánh giá chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ nâng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga lên tầm cao mới, là dịp để hai nước tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc và mở rộng quan hệ hợp tác song phương, củng cố quan hệ mật thiết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng “Nước Nga Thống nhất” cầm quyền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Đ. Mét-vê-đép bày tỏ hài lòng về sự hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng; cho rằng, đây là lĩnh vực then chốt có ý nghĩa chiến lược đối với hai nước, đặc biệt là hợp tác về dầu khí và điện hạt nhân. Hai bên thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty dầu khí nhà nước của hai quốc gia hoạt động trên lãnh thổ của nhau, trong đó việc miễn giảm thuế và mở rộng địa bàn hoạt động; đồng thời cùng tăng cường hợp tác trong việc thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thống nhất đẩy nhanh đàm phán để đạt được thỏa thuận hợp tác về mở rộng và hiện đại hóa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Trong lĩnh vực điện hạt nhân, phía Nga khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với phương châm bảo đảm an toàn tuyệt đối, chất lượng cao, hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở pháp lý để Dự án được triển khai đúng quy trình, hỗ trợ đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý trực tiếp thực hiện Dự án cũng như quản lý, vận hành công trình và làm chủ công nghệ sau này.
Thủ tướng Đ. Mét-vê-đép cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào Nga, đặc biệt trong bối cảnh mới hiện nay và sẽ cùng phối hợp với phía Việt Nam nghiên cứu, xem xét cơ chế chuyển đổi linh hoạt giữa đồng rúp và đồng Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán, giao dịch giữa hai nước, bảo đảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ cảm ơn đối với Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Đ. Mét-vê-đép đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống và yên tâm làm ăn lâu dài tại LB Nga; đồng thời, đề nghị trong thời gian tới phía Nga giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để cộng đồng người Việt được cấp, nhận các giấy tờ để sinh sống và làm việc hợp pháp theo luật pháp của LB Nga; cùng phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam giải quyết các vụ việc phát sinh liên quan đến cộng đồng người Việt Nam, phù hợp với các quy định của pháp luật Nga, pháp luật Việt Nam, trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; giúp cộng đồng người Việt Nam tại Nga hòa nhập với nước sở tại, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế tại hai nước. Tổng Bí thư cũng đề nghị Thủ tướng và Chính phủ Nga hỗ trợ để Trung tâm Văn hóa ‒ Thương mại (đa chức năng) INCENTRA tại Nga đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, xây dựng tại đây Trung tâm Y học dân tộc để chữa bệnh cho người Việt và người Nga, hỗ trợ để sớm mở đường bay từ Việt Nam đi Vla-đi-vô-xtốc và ngược lại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ Việt Nam sẵn sàng ủng hộ Nga tăng cường vai trò trong các vấn đề bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác tại khu vực châu Á ‒ Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Thủ tướng Nga Đ. Mét-vê-đép cam kết, Nga sẽ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng kinh tế ‒ xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Về vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Đ. Mét-vê-đép nhất trí cho rằng, các tranh chấp trên biển cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
* Tối cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp đại diện cộng đồng tại Khu Cra-xnô-đa đến chào
Nguồn: qdnd.vn
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm
Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái