Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 14/06/2013, 10:13 (GMT+7)
Tiếp tục chủ động và tích cực triển khai công tác đối ngoại quốc phòng

Sáng 13-6, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến Đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng công tác 6 tháng cuối năm 2013. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị thống nhất đánh giá: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thường vụ Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, công tác ĐNQP trong 6 tháng đầu năm 2013 đã được triển khai đồng bộ, đúng kế hoạch với chất lượng cao, đạt hiệu quả thiết thực. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới quốc phòng, an ninh của đất nước. Thông qua ĐNQP, Việt Nam đã chủ động thúc đẩy  quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần nâng cao sức mạnh quốc phòng của đất nước, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai công tác ĐNQP theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đã có nhiều cố gắng trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ đối ngoại.

Quang cảnh Hội nghị

 

Công tác thông tin, tuyên truyền ĐNQP cũng có bước chuyển biến rõ nét, nổi bật là tính định hướng, tính chủ động trong tuyên truyền đã được nâng cao, góp phần làm cho dư luận trong nước và quốc tế hiểu rõ chủ trương, chính sách quốc phòng Việt Nam và trách nhiệm ngày càng tăng của chúng ta đối với việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Sự phối hợp giữa các cơ quan cung cấp thông tin và chuyển tải thông tin ĐNQP đã được cải thiện, ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả hơn.

Hội nghị cũng chỉ ra một số tồn tại trong hoạt động ĐNQP thời gian qua để khắc phục trong thời gian tới: Công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu về ĐNQP đôi khi có mặt chưa kịp thời; việc hiện thực hóa các văn bản, thỏa thuận hợp tác đã ký kết về quốc phòng với các đối tác có lúc còn chậm và còn thiếu tính chủ động trong một số mặt cụ thể. Công tác tuyên truyền về ĐNQP có chuyển biến, song hiệu quả chưa cao và đôi khi chưa thống nhất. Sự phối hợp xử lý công việc giữa các cơ quan có lúc vẫn chưa nhịp nhàng…

Kết luận hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: cần tiếp tục tăng cường giáo dục nhận thức cho toàn quân về công tác ĐNQP. ĐNQP là nhiệm vụ đối ngoại bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhà nước với các mục tiêu và nhiệm vụ rất cụ thể. Triển khai thực hiện hoạt động ĐNQP trong thời gian tới cần thiết thực, bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, bảo vệ độc lập tự chủ, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng môi trường hòa bình và tăng cường hợp tác kinh tế để phát triển đất nước. Cần tích cực, chủ động nhưng cũng phải thận trọng trong thực hiện ĐNQP. Triển khai ĐNQP một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá. Các nội dung hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới cần được xác định theo hướng cụ thể, thiết thực hơn.

Về công tác tuyên truyền ĐNQP, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu: cần có sự thống nhất cao, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả và mở rộng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông trong nước và ngoài nước với các hình thức phong phú hơn. Các cơ quan, đơn vị cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về lĩnh vực này. Tăng cường tuyên truyền cho toàn quân, toàn dân về ĐNQP nhằm thực hiện mục tiêu độc lập, tự chủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ XHCN, giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, cũng như tăng cường tin cậy, nâng cao hình ảnh, vị thế của Quân đội và đất nước trên trường quốc tế.

Nguồn: qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore
Phát biểu chính sách trước đông đảo giáo sư, giảng viên và sinh viên nhà trường, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh hai nước đang sống giữa những biến đổi nhanh chóng chưa từng có của kỷ nguyên số, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, Internet vạn vật… Tất cả những điều này đang định hình lại cách sống, làm việc và kết nối.