Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Năm, 24/07/2014, 10:33 (GMT+7)
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngày 23-7, Thủ tướng Chính phủ gửi công điện tới các bộ, ngành liên quan và các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 2 (gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu và Quảng Ninh), yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Sau khi gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến chính quyền địa phương và thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, Thủ tướng yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng, cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị mất nhà, bảo đảm không để người dân nào bị đói, khát. Ngoài ra, ủy ban nhân dân các tỉnh cần tiếp tục rà soát, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn; chỉ đạo lực lượng y tế hỗ trợ nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, không để phát sinh dịch bệnh; huy động lực lượng thanh niên, quân đội, công an trên địa bàn giúp dân dựng lại nhà cửa và dọn vệ sinh môi trường. Các bộ, ngành có liên quan được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền khẩn trương giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa, lũ, bảo đảm sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

* Nhiều tuyến đường đã được khai thông

Sau thời gian bị ắc tắc giao thông do đất đá sạt lở, tính đến chiều ngày 23-7, nhiều tuyến đường quốc lộ, liên tỉnh, liên huyện tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn... đã được khai thông.

Riêng tại Lai Châu, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 khiến tỉnh lộ 129 xảy ra sạt lở ở 4 vị trí, với số lượng đất đá ước tính khoảng 74.000m3; Quốc lộ 12 nối tỉnh Lai Châu với tỉnh Điện Biên xảy ra 9 điểm sạt lở lớn, ước tính 9.000m3. Ngoài ra còn nhiều điểm sụt sạt lớn nhỏ trên các tuyến giao thông Pa Tần - Mường Tè, đường Đông Pao - Bản Hon cùng nhiều tuyến đường khác trong tỉnh. Theo Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu, ông Tạ Tấn Vĩnh, đến nay tất cả các tuyến đường bị sạt lở đã được khơi thông. Riêng điểm sạt Noong Hẻo - Nậm Mạ (huyện Sìn Hồ); đoạn Km8+300 vẫn chưa thể khắc phục do công tác san gạt gặp nhiều khó khăn. Đây là tuyến đường dài với cung đường lớn, khối lượng sạt lở nhiều nên Sở Giao thông vận tải tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị làm một đường tạm nhỏ ngay trên nền sạt cho người dân đi bộ qua. Dự tính 1 đến 2 ngày tới, đoạn đường này sẽ được xử lý xong.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn giúp nhân dân
sơ tán khỏi vùng ngập lụt.

Mẫu Sơn (Lạng Sơn) vẫn bị cô lập

Do ảnh hưởng của bão số 2,  nhiều điểm trên tuyến đường lên khu du lịch Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn bị sạt lở nghiêm trọng. Nặng nhất là vị trí km 11+500. Toàn bộ 15m mặt đường tụt xuống vực sâu khiến người dân trên đỉnh Mẫu Sơn bị cô lập. Các hộ dân sống trên đỉnh những ngày qua chỉ còn cách đi bộ đến điểm sạt lở, leo xuống đáy vực rồi leo lên sang bờ bên kia để xuống núi mua nhu yếu phẩm. Hiện có hơn 100 hộ dân với trên 3.000 người dân tộc Dao sống tại các thôn Khuổi Cấp, Pắc Đây, Thán Dìu và khu du lịch Mẫu Sơn bị kẹt trên đỉnh núi không có đường xuống. Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn La Thông, cho biết: Ngành Giao thông vận tải tỉnh đã triển khai làm cầu tạm bắc qua 2 bên mặt đường bị sạt lở. Dự kiến đến ngày 25-7 mới có thể thông xe. Trước mắt, sở đề nghị chính quyền cấp huyện và xã tuyên truyền, cảnh báo người dân về điểm sạt lở; cắm biển báo nguy hiểm tại các vị trí dễ thấy và ở cả hai bên bờ sạt lở để cảnh báo người dân không qua lại khu vực này. Được biết, để hoàn toàn trả lại nguyên trạng phải mất ít nhất 2 tháng thi công liên tục mới bảo đảm thông tuyến.

Dựng lại cầu Sam Lang ở Nậm Pồ, Điện Biên

Trận lũ do mưa to sau bão số 2 đã làm đứt cáp dẫn tới lật cầu Sam Lang (huyện Nậm Pồ, Điện Biên). Đây là cây cầu được xây dựng theo chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, sau khi có thông tin thầy, cô giáo và học sinh nơi đây phải chui vào túi ni-lông vượt sông Nậm Pồ để tới trường. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Điện Biên và cơ quan chức năng của Bộ khẩn trương đến hiện trường, triển khai các biện pháp nhanh chóng khắc phục, dựng lại cầu để sớm bảo đảm việc đi lại thuận lợi cho nhân dân.

* Lực lượng vũ trang tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện giúp dân

Trong ngày 23-7, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn Quân khu 1, Quân khu 2 tiếp tục huy động cán bộ, chiến sĩ tổ chức giúp nhân dân khắc phục hậu quả.

Tỉnh Lạng Sơn đã huy động 940 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân địa phương. Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là 125 cán bộ, chiến sĩ; Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 338 và Sư đoàn 3 (Quân khu 1) huy động 230 cán bộ, chiến sĩ tập trung làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, củng cố và sửa chữa nhà ở giúp các hộ dân bị thiệt hại nặng. Đến chiều 23-7, hơn 70% số hộ dân phải đi sơ tán tránh lũ của tỉnh Lạng Sơn được trở về nhà ổn định cuộc sống. Số còn lại, các đơn vị tiếp tục phối hợp cùng chính quyền địa phương để tổ chức giúp đỡ…  

Tại tỉnh Bắc Kạn, ngày 23-7, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Bắc Kạn đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tham gia giúp các gia đình củng cố, sửa chữa nhà ở; phối hợp với ngành giao thông tổ chức khắc phục các tuyến đường bị tắc do sạt lở. Tính đến 18 giờ chiều 23-7, tỉnh Bắc Kạn có hơn 80% số đoạn đường bị tắc do ảnh hưởng bởi mưa, lũ đã được thông tuyến.

Trong ngày 23-7, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai lực lượng, phương tiện giúp dân khắc phục hậu quả mưa, lũ. Với sự vào cuộc khẩn trương của các đơn vị quân đội và cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay tỉnh Sơn La đã có 83/151 hộ dân phải di dời tránh lũ được trở về nhà an toàn; các đoạn đường bị tắc trên Quốc lộ 43, Quốc lộ 6B và Quốc lộ 279 đã được thông tuyến trên 70%. Trong ngày 23-7, tổng quân số được Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị, các đoàn thể huy động tham gia giúp dân khắc phục hậu quả mưa, lũ là 740 người.

Ảnh hưởng mưa, lũ sau bão số 2, tỉnh Yên Bái có 43 nhà dân bị thiệt hại và hư hỏng, 13 nhà bị đổ sập hoàn toàn, tuyến Quốc lộ 32 cũng bị sạt nhiều điểm khiến giao thông bị ách tắc. Mưa lũ cũng làm 6 xã tại huyện Lục Yên bị cô lập hoàn toàn. Với sự vào cuộc khẩn trương của cấp ủy, chính quyền địa phương mà nòng cốt là Lực lượng vũ trang Tỉnh, đến 16 giờ ngày 23-7, tỉnh Yên Bái đã cơ bản hoàn thành công tác khắc phục sự cố trên Quốc lộ 32. Các hộ dân bị sập nhà đã được Bộ CHQS tỉnh Yên Bái tham mưu cho chính quyền địa phương bố trí nơi ở tạm và triển khai dựng nhà mới.

Ngày 23-7, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai tiếp tục huy động gần 400 lượt cán bộ, chiến sĩ và 350 lượt dân quân tổ chức giúp các gia đình bị sập, đổ nhà và khôi phục giao thông trên những tuyến đường bị mưa, lũ gây ách tắc.

Ngày 23-7, các lực lượng của Bộ CHQS, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã đưa được 95/125 hộ dân đi sơ tán tránh lũ trở về nhà an toàn. Tổng quân số được huy động trong ngày là gần 300 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 300 chiến sĩ dân quân tham gia giúp nhân dân khắc phục, sửa chữa những nhà bị sập.

Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, ngày 23-7, các lực lượng Quân đội, Công an, Biên phòng, dân quân, tự vệ tiếp tục được huy động với tổng số trên 540 người để tổ chức giúp dân khắc phục hậu quả mưa, lũ.

* Xuất hiện lũ trên sông Cửu Long

Chiều ngày 23-7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thông báo, từ ngày 18-7 đến ngày 23-7, trên lưu vực sông Mê Kông đã có mưa vừa và mưa to; tổng lượng mưa đo được phổ biến từ 100-200mm. Do mưa lớn, ở trung hạ lưu sông Mê Kông đã xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên tại các trạm chính phổ biến từ 1,5 đến 3m, tại các trạm hạ lưu từ 0,8 đến 1m.

Lũ sông Mê Kông lên làm mực nước đầu nguồn sông Cửu Long cũng dâng cao. Dự báo, trong những ngày tới, lũ thượng nguồn, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tiếp tục lên nhanh. Đến ngày 31-7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 2,85m (dưới mức báo động 1 là 0,65m); trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 2,35m (dưới báo động 1 là 0,65m), sau đó biến đổi chậm.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.