Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Chủ Nhật, 06/10/2019, 08:53 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Xen đồng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền

Ngày 05-10, tại Hà Nội, Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia giai đoạn 2006-2019 và Lễ ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc được tổ chức trọng thể dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen. Tham dự Hội nghị và Lễ ký văn kiện có đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành và địa phương liên quan của hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Xen ký Hiệp ước bổ sung năm 2019 giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia

Tại Hội nghị, thay mặt Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phía Việt Nam, đã trình bày báo cáo tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia từ năm 2006 đến nay; và Bộ trưởng cấp cao phụ trách công tác biên giới Va Kim Hông, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phía Cam-pu-chia, đã trình bày kế hoạch thực hiện công tác phân giới cắm mốc trong thời gian tới.

Từ năm 2006, Việt Nam - Cam-pu-chia đã khởi động lại công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa hai nước căn cứ theo Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 2005. Đến nay, hai bên đã hoàn thành phân giới cắm mốc đối với khoảng 1.045km đường biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia, xây dựng được 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu, tức là đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến. Tính đến nay, trung bình trên toàn tuyến biên giới đã phân giới cắm mốc cứ 670m có một cột mốc hoặc cọc dấu. Thời gian tới, hai bên sẽ tiến hành triển khai công tác quản lý biên giới theo kết quả phân giới cắm mốc tại những khu vực đã hoàn thành phân giới cắm mốc, đồng thời tiếp tục nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hoàn thành 16% khối lượng công tác phân giới cắm mốc còn lại.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Xen đánh giá cao ý nghĩa của thành quả đạt được nêu trên và khẳng định đây là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực và thiện chí của hai bên trong việc hợp tác giải quyết hòa bình vấn đề biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là những điều ước quốc tế song phương mà hai bên đã ký kết, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng cùng có lợi. Hai Thủ tướng cũng nhấn mạnh các công việc cần phối hợp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo để tiến tới hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến, cũng như nâng cao hiệu quả hợp tác quản lý biên giới trong tình hình mới.

Nhân dịp này, hai Thủ tướng biểu dương những nỗ lực của Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước, các bộ, ban, ngành và địa phương hai bên, nhất là các lực lượng trực tiếp tham gia công tác tại thực địa đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để bảo đảm công tác phân giới cắm mốc đạt được chất lượng, hiệu quả; đồng thời gửi lời cảm ơn về những đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ biên giới lãnh thổ của các thế hệ đi trước, cũng như sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu của người dân hai nước trong suốt quá trình giải quyết các vấn đề biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia.

* Tại lễ ký văn kiện, trong không khí phấn khởi, hữu nghị, đại diện hai nước đã ký hai văn kiện pháp lý quan trọng cấp Nhà nước để ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đạt được. Cụ thể: hai Thủ tướng ký “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia”; hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia, Cam-pu-chia - Việt Nam ký “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia”.

Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong tiến trình giải quyết các vấn đề biên giới đất liền giữa Việt Nam và Cam-pu-chia. Cùng những Hiệp ước, Hiệp định đã ký trong các năm 1983, 1985 và 2005, Hiệp ước bổ sung năm 2019, Nghị định thư phân giới cắm mốc và hệ thống mốc giới khang trang, hiện đại, bền vững đã cắm trên thực địa đã góp phần nâng cao chất lượng và hoàn thiện đường biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia cả về mặt pháp lý và thực tiễn, tạo thuận lợi cho việc nhận biết đường biên giới trên thực địa, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đưa khu vực biên giới trở thành khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển vì phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân hai bên biên giới nói riêng và nhân dân hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia nói chung. Đây là đóng góp thiết thực tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Cam-pu-chia, đồng thời tạo tiền đề và cơ sở pháp lý vững chắc để hai bên tiếp tục hợp tác giải quyết toàn bộ vấn đề biên giới đất liền giữa hai nước.

* Cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen. Tại hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh,Việt Nam luôn coi trọng và quan tâm thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với Cam-pu-chia; tin tưởng, dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương, sự lãnh đạo sáng suốt của Thượng viện, Quốc hội và Chính phủ Cam-pu-chia, nhân dân Cam-pu-chia sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn, đưa đất nước ngày càng phát triển. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc hai nước ký kết một số văn kiện quan trọng, trong đó có hai văn kiện ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa hai nước là nền tảng quan trọng để Việt Nam và Cam-pu-chia tiến tới hoàn tất toàn bộ công tác này, góp phần xây dựng đường biên giới giữa hai nước hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét phê chuẩn hai hiệp định trên trong kỳ họp tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện, Quốc hội Cam-pu-chia phát triển tốt đẹp; hy vọng Cam-pu-chia tiếp tục ủng hộ và phối hợp khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Đại Hội đồng liên Nghị viện các quốc gia Đông-Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) năm 2020; mong muốn Thủ tướng Hun Xen tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp cộng đồng người gốc Việt tại Cam-pu-chia sinh sống ổn định, bảo đảm địa vị pháp lý, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Cam-pu-chia.

Thủ tướng Hun Xen cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian tiếp đón; vui mừng thông báo kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này; khẳng định, hai nước cần thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại ngày càng thực chất. Thủ tướng cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ Cam-pu-chia trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực; bày tỏ tin tưởng, Quốc hội hai nước sẽ sớm phê chuẩn các văn kiện vừa được ký kết về công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước.

* Sáng 05-10, Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia do Thủ tướng Hun Xen dẫn đầu đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.