Thứ Bảy, 23/11/2024, 15:35 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự
Sáng 12-10, tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN tham dự Phiên khai mạc toàn thể Hội nghị hằng năm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng thống In-đô-nê-xi-a G.Uy-đô-đô phát biểu khai mạc hội nghị. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng trung ương của 189 nước thành viên IMF và WB, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, đông đảo các tập đoàn, tổ chức xã hội, giới nghiên cứu và truyền thông quốc tế.
Với chủ đề "Tranh thủ sự đột phá của công nghệ để định hình các nền kinh tế bao trùm trong tương lai", hội nghị hằng năm IMF-WB thảo luận nhiều vấn để nổi lên trong kinh tế toàn cầu như tác động của chiến tranh thương mại đến triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và khu vực, phối hợp chính sách tài chính - tiền tệ, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính, việc làm, công bằng và tiến bộ xã hội…
Tại hội nghị, IMF đã công bố Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới năm 2018. Phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể, Tổng Giám đốc IMF và Chủ tịch WB nhấn mạnh các nước cần nâng cao năng lực tự cường, sức kháng chịu của nền kinh tế, thúc đẩy cải cách cơ cấu, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, chống chủ nghĩa bảo hộ, tăng cường hợp tác toàn cầu, giảm mất cân đối toàn cầu, nỗ lực tranh thủ Cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ phát triển bền vững, cân bằng và bao trùm.
* Chiều 12-10, tại Ba-li, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C.La-gác-đơ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2018; khẳng định, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, củng cố tài khóa, kiểm soát nợ công, điều hành tài chính - tiền tệ thận trọng, linh hoạt, nâng cao hiệu quả đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0…
Thủ tướng đánh giá cao IMF đã ủng hộ các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tích cực hỗ trợ đào tạo và tư vấn cho Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng hoan nghênh IMF đánh giá tích cực tình hình và triển vọng kinh tế Việt Nam; đề nghị IMF tiếp tục tăng cường hỗ trợ đào tạo, tư vấn chính sách cho Việt Nam về thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tranh thủ Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực tài chính…
Tổng Giám đốc IMF C.La-gác-đơ đánh giá rất cao bài tham luận của Thủ tướng tại Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN với nhiều đề xuất, sáng kiến cụ thể, thiết thực; chúc mừng thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách cơ cấu, tăng đầu tư cho giáo dục, y tế, kiểm soát nợ công và củng cố tài khóa, điều hành tỷ giá linh hoạt, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Bà C.La-gác-đơ khẳng định, IMF tiếp tục hỗ trợ, tư vấn giúp Việt Nam giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm. Bà đánh giá cao và cảm ơn Việt Nam đã đóng góp cho Quỹ tín thác của IMF về ngăn chặn và cứu trợ thảm họa.
* Trước đó, nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a G.Uy-đô-đô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm làm việc In-đô-nê-xi-a. Sáng 12-10, tại Ba-li, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Tổng thống In-đô-nê-xi-a G.Uy-đô-đô.
Tổng thống G.Uy-đô-đô bày tỏ vui mừng đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm In-đô-nê-xi-a lần đầu trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam; khẳng định chuyến thăm, cùng với những hoạt động trao đổi đoàn cấp cao gần đây, đã góp phần tạo đột phá và mốc phát triển mới cho quan hệ Việt Nam - In-đô-nê-xi-a sau 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Tổng thống cảm ơn lãnh đạo Việt Nam đã kịp thời thăm hỏi và hỗ trợ In-đô-nê-xi-a 100 nghìn USD khắc phục thiệt hại nặng nề của động đất, sóng thần tại tỉnh Trung Xu-la-uê-xi vừa qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, In-đô-nê-xi-a là người bạn truyền thống của Việt Nam, mối quan hệ khăng khít giữa hai bên được thiết lập và thử thách suốt chiều dài lịch sử, nhân dân Việt Nam luôn sát cánh và sẻ chia với nhân dân In-đô-nê-xi-a trong những thời khắc khó khăn.
Hai nhà lãnh đạo trao đổi ý kiến sâu rộng về những phương hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước, đưa hợp tác lên tầm cao mới và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; nhấn mạnh cần tạo đột phá, đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính của quan hệ đối tác chiến lược; phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD với việc tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa thuộc thế mạnh của mỗi nước tiếp cận thị trường, hạn chế áp dụng rào cản kỹ thuật, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hợp tác chặt chẽ trong kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và kiểm dịch. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, tạo các cơ chế đối thoại doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp - chính phủ để kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Tổng thống In-đô-nê-xi-a thông báo đã giao Bộ Công nghiệp In-đô-nê-xi-a chủ trì giải quyết các vấn đề liên quan nhập khẩu mặt hàng ti-vi, điện thoại di động của Việt Nam vào In-đô-nê-xi-a.
Hai bên nhất trí rà soát Hiệp định năm 1990 về hợp tác kinh tế, thương mại và kỹ thuật, xem xét Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại và kỹ thuật (JTEC) để trở thành cơ chế đi đầu trong thúc đẩy hợp tác kinh tế hai bên. Hai nhà lãnh đạo nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, sở hữu trí tuệ, công nghệ mới, năng lượng sạch, đô thị thông minh, công nghệ thông tin, nông nghiệp thông minh, logistics, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp… nhằm tranh thủ cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, cần tăng cường hơn nữa hợp tác biển, nhất trí giao cơ quan chức năng của hai nước nghiên cứu sớm thành lập cơ chế hợp tác biển để thảo luận về các nội dung hợp tác liên quan, nhất là hợp tác nghề cá, chế biến thủy sản và xây dựng một khuôn khổ thuận lợi cho ngư dân hai nước hoạt động đánh bắt hải sản an toàn, bền vững và hợp pháp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và cảm ơn Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã cho hồi hương 177 ngư dân Việt Nam; đề nghị hai bên thường xuyên trao đổi thông tin và xử lý ngư dân, tàu cá trên tinh thần nhân đạo, phù hợp quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước. Hai bên nhất trí thúc đẩy thiết lập đường dây nóng về đánh bắt cá và các vấn đề trên biển, giao Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan phối hợp triển khai; đồng thời tích cực phối hợp triển khai Thông cáo chung về hợp tác quốc tế tình nguyện chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không giấy phép và không khai báo (IUU Fishing) vừa ký kết tháng 9-2018. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh tiến triển trong tiến trình phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) sau 11 vòng đàm phán, nhất trí thúc đẩy sớm đạt được giải pháp phù hợp với cả hai nước và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hai bên ghi nhận những bước tiến mới trong hợp tác nông nghiệp, giáo dục đào tạo, kết nối, nhất trí cần mở rộng hơn nữa trong các lĩnh vực giàu tiềm năng này thông qua các hình thức phong phú như đào tạo kỹ năng cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, tăng cường hợp tác du lịch, nghiên cứu mở đường bay thẳng kết nối các thành phố lớn, thành phố du lịch hai nước.
Hai bên chia sẻ tầm nhìn và cam kết tăng cường hợp tác, phối hợp trên các diễn đàn quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, APEC, Liên hợp quốc. Hai bên khẳng định hợp tác chặt chẽ, cùng các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và phát triển bao trùm, phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, chủ động tham gia vào quá trình định hình các sáng kiến hợp tác khu vực. Tổng thống G.Uy-đô-đô cam kết hợp tác chặt chẽ và ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Ðông, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các bên liên quan khác bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý.
* Sau khi kết thúc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống In-đô-nê-xi-a G.Uy-đô-đô đồng chủ trì họp báo quốc tế, thông tin về kết quả hội kiến. Phát biểu ý kiến tại họp báo, Tổng thống In-đô-nê-xi-a nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp từ cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây tại Hà Nội và nhấn mạnh, chuyến thăm In-đô-nê-xi-a lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phản ánh sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ song phương sâu rộng giữa hai nước trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược.
* Tiếp tục các hoạt động trong chương trình tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN (ALG) nhân dịp Hội nghị hằng năm IMF -WB và thăm làm việc tại In-đô-nê-xi-a, ngày 11-10, tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Cam-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thủ tướng Hun Xen đã đích thân sang viếng Chủ tịch nước Trần Ðại Quang; thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tình hữu nghị gắn bó giữa hai nước. Thủ tướng một lần nữa chúc mừng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia đi vào hoạt động ổn định sau hơn một tháng thành lập; bày tỏ tin tưởng nhân dân Cam-pu-chia sẽ tiếp tục giành những thành tựu mới to lớn hơn nữa. Thủ tướng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Hun Xen thời gian qua trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để cộng đồng người Cam-pu-chia gốc Việt có giấy tờ, địa vị pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện để bà con ổn định cuộc sống, dần hòa nhập xã hội Cam-pu-chia. Về việc di dời nhà nổi của các hộ gia đình người Cam-pu-chia gốc Việt tại Biển Hồ, tỉnh Công-pông Chơ-năng, Thủ tướng Hun Xen đã trực tiếp chỉ đạo Tỉnh trưởng tỉnh này xử lý đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc bảo đảm di dời có thời gian quá độ phù hợp, tránh gây xáo trộn đời sống người dân; về lâu dài cần thu xếp nơi định cư có hạ tầng thiết yếu và bảo đảm sinh kế, duy trì nghề nghiệp làm ăn cho bà con.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, có các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại giữa hai nước, trong đó thúc đẩy sớm ký Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia. Thủ tướng Hun Xen khẳng định, Chính phủ Cam-pu-chia sẽ tiếp tục chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư kinh doanh tại Cam-pu-chia.
* Sáng 12-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông R.Rô-ét-xla-ni, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại In-đô-nê-xi-a.
Thủ tướng mong muốn Phòng Công nghiệp và Thương mại In-đô-nê-xi-a thiết lập hợp tác chặt chẽ với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước; đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp In-đô-nê-xi-a đề xuất Chính phủ In-đô-nê-xi-a các biện pháp tạo thuận lợi hơn nữa về các quy định đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại In-đô-nê-xi-a cho rằng, hợp tác thương mại, đầu tư giữ hai nước chưa xứng tầm, cần cải thiện hơn nữa.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn Ciputra - In-đô-nê-xi-a đồng thời là Chủ tịch Hội hữu nghị In-đô-nê-xi-a - Việt Nam B.Xa-tra-uy-na-ta.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Tập đoàn Ciputra đã và đang triển khai nhiều dự án tại Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ luôn thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có Ciputra. Ðánh giá cao Hội hữu nghị In-đô-nê-xi-a - Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, Thủ tướng mong muốn Hội sẽ tiếp tục thúc phối hợp chặt chẽ với Hội hữu nghị Việt Nam - In-đô-nê-xi-a, góp phần đưa quan hệ song phương Việt Nam - In-đô-nê-xi-a ngày càng phát triển bền vững.
Chủ tịch Tập đoàn Ciputra mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam trong quá trình hoạt động, nhất là trong quá trình hợp tác với các đối tác của Việt Nam, trong đó có Hội hữu nghị Việt Nam - In-đô-nê-xi-a.
* Sáng 12-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông H.Xô-li-chin, Chủ tịch Công ty PT Nikko Sekuritas In-đô-nê-xi-a, một trong những quỹ đầu tư chứng khoán và tài chính lớn nhất In-đô-nê-xi-a.
Thủ tướng hoan nghênh Công ty Nikko ký Bản ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần LICOGI 16 để xây dựng dự án đường cao tốc tại Gia-các-ta trị giá 200 triệu USD; bày tỏ mong muốn, Công ty Nikko tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào In-đô-nê-xi-a, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp In-đô-nê-xi-a và các tập đoàn hàng đầu khu vực, quốc tế đầu tư vào Việt Nam.
Chủ tịch Công ty PT Nikko Sekuritas In-đô-nê-xi-a bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Thủ tướng và các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong quá trình triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam.
* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành đã chứng kiến trao đổi văn bản ký hợp tác xây dựng hạ tầng giữa Công ty Nikko và Công ty LICOGI 16 của Việt Nam. Theo văn bản này, hai bên sẽ phối hợp triển khai hai công trình hạ tầng quan trọng tại In-đô-nê-xi-a gồm: một dự án đường cao tốc có chiều dài 6,7 km trị giá 200 triệu USD; một dự án cao ốc trung tâm tài chính tại Gia-các-ta trị giá khoảng 50 triệu USD. Ðồng thời, Nikko sẽ đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo điện mặt trời của LICOGI 16 tại miền trung Việt Nam với công suất 50 MW, trị giá 50 triệu USD. Các dự án này dự kiến khởi công vào đầu năm 2019.
* Tối 12-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tối đẹp chuyến tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN (ALG) nhân dịp Hội nghị hằng năm IMF - WB và thăm làm việc tại In-đô-nê-xi-a.
Nguồn: nhandan.com.vn
ASEAN,IMF,WB,Thủ tướng,Nguyễn Xuân Phúc,Quỹ Tiền tệ,Hội nghị hằng năm
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm
Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái