Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 12/10/2018, 08:52 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự Cuộc gặp

Chiều 11-10 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Nơ-gu-ra Rai Ba-li, bắt đầu chuyến tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN (ALG) nhân dịp Hội nghị hằng năm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - Ngân hàng Thế giới (WB) và thăm làm việc In-đô-nê-xi-a.

Đón Thủ tướng và Đoàn tại sân bay, có Bộ trưởng Du lịch In-đô-nê-xi-a, Đại sứ In-đô-nê-xi-a tại Việt Nam; về phía Việt Nam, có Đại sứ Việt Nam tại In-đô-nê-xi-a Phạm Vinh Quang; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN Trần Đức Bình cùng các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại In-đô-nê-xi-a.

* Ngày 11-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự ALG nhân dịp Hội nghị hằng năm IMF - WB tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a. Cùng dự, có Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Thư ký ASEAN, Giám đốc điều hành IMF và Chủ tịch WB.

Trong khuôn khổ ALG với chủ đề “Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua các hành động phối hợp cấp khu vực và toàn cầu”, các nhà lãnh đạo ASEAN và những người đứng đầu Liên hợp quốc, IMF, WB đã trao đổi ý tưởng, định hướng và biện pháp để tăng cường hợp tác, phối hợp giữa ASEAN và Liên hợp quốc, IMF, WB trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 về Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và gia tăng sự tương hỗ giữa chương trình này với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Phát biểu ý kiến tại ALG, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của In-đô-nê-xi-a tổ chức cuộc gặp; nhấn mạnh, đây là cơ hội để các nhà lãnh đạo ASEAN và các tổ chức quốc tế chia sẻ quan điểm và thảo luận các biện pháp phối hợp hành động cấp khu vực và toàn cầu, hợp tác thúc đẩy phát triển bao trùm, bền vững, sáng tạo, trọng tâm là thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030. Thủ tướng cho rằng, thành công của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) được tổ chức tại Việt Nam vừa qua đã cho thấy, ASEAN có nhiều lợi thế, sẵn sàng đón nhận và tận dụng hiệu quả các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng đề xuất Liên hợp quốc, IMF, WB phối hợp ASEAN và Việt Nam thúc đẩy triển khai thiết thực các kết quả của Hội nghị WEF ASEAN 2018, nhất là về cơ chế hài hòa môi trường kinh doanh, khuôn khổ kết nối các vườn ươm quốc gia và kết nối mạng lưới giáo dục, xây dựng hệ thống học tập suốt đời ở các nước ASEAN.

Thủ tướng nhấn mạnh việc phối hợp triển khai các khuyến nghị, nhất là năm nhóm lĩnh vực ưu tiên trong “Báo cáo tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững” gồm nâng cao năng lực tự cường, phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất và tiêu dùng bền vững, giảm nghèo và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của IMF và WB đối với ASEAN trong xây dựng cộng đồng và trợ giúp các nước thành viên ASEAN trong phát triển bền vững, giám sát kinh tế vĩ mô, tư vấn chính sách, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực. Thủ tướng đề nghị IMF, WB hợp tác và tư vấn các nước ASEAN xây dựng một cơ chế cảnh báo rủi ro kinh tế vĩ mô khu vực để giúp nâng cao năng lực tự cường và thích ứng của kinh tế ASEAN; tiếp tục ủng hộ, hợp tác chặt chẽ với ASEAN trong phát triển cơ sở hạ tầng; cảnh báo sớm thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu… Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với sự hợp tác sẵn có và quyết tâm của các bên, các Mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc sẽ được thực hiện thành công ở Đông - Nam Á và trên thế giới.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp song phương với Tổng thống Phi-li-pin R.Đu-téc-tê nhân dịp tham dự ALG tại In-đô-nê-xi-a.

Tại cuộc gặp, Tổng thống R.Đu-téc-tê khẳng định, Phi-li-pin luôn coi Việt Nam là nước bạn bè thân thiết; cảm ơn Việt Nam đã xuất khẩu gạo, góp phần bảo đảm lương thực của Phi-li-pin; nhấn mạnh, Phi-li-pin coi trọng và luôn mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước; đề nghị hai nước tăng cường trao đổi đoàn cấp cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn Tổng thống R.Đu-téc-tê đã gửi thư chia buồn về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Thủ tướng đánh giá cao Phó Chủ tịch Đảng PDP - Laban cầm quyền của Phi-li-pin vừa sang thăm và ký văn kiện thiết lập quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam; tin rằng hợp tác giữa hai nước qua kênh Đảng sẽ góp phần tăng cường tin cậy lẫn nhau, tạo cơ hội trao đổi thiết thực những vấn đề chiến lược của hai bên.

Hai nhà lãnh đạo trao đổi thực chất trên các lĩnh vực hợp tác quan trọng bao gồm quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, giáo dục, hợp tác biển, năng lượng... Hai bên nhất trí sớm hoàn thiện Chương trình hành động Việt Nam - Phi-li-pin giai đoạn 2018 - 2023 nhằm tạo cơ sở thuận lợi thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới; đồng thời phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai các cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai nước, nhất là Ủy ban Hợp tác song phương và Ủy ban Hỗn hợp về vấn đề biển và đại dương. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển, tạo điều kiện cho ngư dân hai nước đánh bắt cá hợp pháp, an toàn và bền vững.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN; khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai bên khẳng định lại ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tổng Bí thư nhấn mạnh 2 nội dung cần báo cáo và xin ý kiến Trung ương để sớm triển khai thực hiện là: Chủ trương tổng kết sớm và toàn diện Nghị quyết số 18-NQ/TW, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là cấp Trung ương. Chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.