Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Năm, 11/10/2018, 07:55 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Mê Công - Nhật Bản và thăm Nhật Bản
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến
Thương mại Nhật Bản

Chiều tối 10-10 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thủ đô Tô-ki-ô của Nhật Bản lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Mê Công - Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản.

* Trước đó, ngày 10-10, tại Trụ sở Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Ô.Ta-đa-mô-ri.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng như những tiến triển tích cực trong giao lưu, hợp tác Quốc hội hai nước; khẳng định mong muốn phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản toàn diện và sâu sắc hơn nữa. Thủ tướng đề nghị Hạ viện Nhật Bản quan tâm thúc đẩy giao lưu và tiếp xúc cấp cao và các cấp, đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực lập pháp giữa Quốc hội hai nước; quan tâm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, lao động và giữa các địa phương của hai nước; ủng hộ gia tăng tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam; tăng cường trao đổi giao lưu văn hóa, nhân dân.

Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Ô.Ta-đa-mô-ri khẳng định, Hạ viện Nhật Bản coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt - Nhật phát triển hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực. Chủ tịch Hạ viện bày tỏ trân trọng tình cảm của các bạn trẻ Việt Nam đối với Nhật Bản, theo đó, sẽ lắng nghe ý kiến của nhân dân và xem xét cải tiến những thủ tục nhập cảnh Nhật Bản cho công dân Việt Nam; ủng hộ các bạn trẻ Việt Nam theo học tại Nhật Bản và các bạn trẻ Nhật Bản học tập tại Việt Nam.

* Cùng ngày, tại cuộc hội kiến Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Đ.Chư-i-chi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao đóng góp của Thượng viện Nhật Bản trong thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực; đồng thời khẳng định, Việt Nam luôn trân trọng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản và đề nghị Quốc hội Nhật Bản xem xét cung cấp ODA với mức ưu đãi phù hợp hơn; quan tâm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, lao động và giữa các địa phương của hai nước; bày tỏ mong muốn Quốc hội hai nước phát huy vai trò giám sát, đôn đốc hai Chính phủ triển khai tích cực các thỏa thuận đã ký và tăng cường phối hợp, hợp tác giữa Quốc hội hai nước tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới.

Chủ tịch Thượng viện Đ.Chư-i-chi đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ Việt Nam và những thành tựu về kinh tế, đối ngoại mà Việt Nam đã đạt được; khẳng định coi trọng tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai nước và sẽ ủng hộ Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế, xã hội.

* Chiều cùng ngày, tại thủ đô Tô-ki-ô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) và chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam “Cơ hội mới, tầm nhìn mới trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp JETRO tổ chức. Hội nghị thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản và Việt Nam tham dự.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hy vọng, hội nghị lần này sẽ có thêm nhiều sáng kiến, đề xuất chất lượng, hiệu quả, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam được đánh giá có môi trường chính trị, xã hội ổn định, cùng với nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố vững chắc; đồng thời điểm lại những lợi thế quan trọng của Việt Nam về địa chính trị, địa kinh tế, địa thương mại, lợi thế về dân số vàng, lượng người dùng in-tơ-nét, điện thoại thông minh có tỷ lệ cao…; nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam coi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một nhiệm vụ xuyên suốt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cách đây 5 năm, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó ưu tiên phát triển sáu ngành công nghiệp gồm điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông - thủy sản, đóng tàu, tiết kiệm năng lượng và sản xuất ô-tô và phụ tùng ô-tô; nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện tử, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, hàng không, khách sạn cao cấp… Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam, nhất là về lĩnh vực xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đang phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tại hội nghị, 19 giấy phép và thỏa thuận hợp tác đầu tư đã được ký và trao đổi. Theo đó, tính cả các văn bản đầu tư đã được trao tại buổi hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê ngày 8-10 vừa qua, tổng trị giá các giấy phép và thỏa thuận hợp tác đầu tư đạt được trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đạt xấp xỉ 10 tỷ USD.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Tọa đàm với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao.

Tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ Việt Nam chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận và nắm bắt các cơ hội phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tận dụng các cơ hội áp dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới, nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình này, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hạ tầng công nghệ thông tin; mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ là những ngọn hải đăng trong việc phát triển những lĩnh vực này ở Việt Nam. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản thiết lập các cụm sản xuất cung ứng có thể bổ trợ cho nhau ở Việt Nam trong cùng một ngành công nghiệp, để từ đó tăng hàm lượng nội địa hóa. Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp; khẳng định sẽ nỗ lực xử lý các vấn đề đặt ra để các doanh nghiệp Nhật Bản vừa tiếp tục đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ; mong muốn Chính phủ tiếp tục quan tâm tạo thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài. Một số doanh nghiệp cho biết, đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để cung ứng lại cho hệ thống các công ty của Nhật Bản; mong muốn mở rộng đầu tư trong lĩnh vực phân phối, kết nối hạ tầng, xây dựng các trung tâm dữ liệu, trung tâm vận hành toàn cầu tại Việt Nam… Các doanh nghiệp cam kết nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như gìn giữ, phát huy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

* Cùng ngày, tại buổi tiếp Tổng Giám đốc Ngân hàng MUFJ M.Ca-nê-chư-gư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của MUFJ và mong rằng, ngân hàng tiếp tục là một cầu nối quan trọng thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, tham gia cùng Việt Nam trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng. Tổng Giám đốc MUFJ M.Ca-nê-chư-gư cảm ơn Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi và cam kết nỗ lực xúc tiến các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

* Cùng ngày, tại buổi tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Mitsubishi C.Ta-kê-hi-rô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Mitsubishi nghiên cứu đầu tư vào các dự án quy mô lớn như các thành phố thông minh ở các địa phương của Việt Nam, xây dựng cảng Liên Chiểu ở Đà Nẵng, đầu tư các dây chuyền chế biến để sản xuất các sản phẩm cuối cùng tại Việt Nam, nhất là cà-phê và chè, để đưa các sản phẩm này ra thị trường thế giới. Chủ tịch Mitsubishi C.Ta-kê-hi-rô cam kết đầu tư vào Việt Nam ở mức vốn cao nhất, thúc đẩy đưa các ý tưởng mới và nghiên cứu mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực như Thủ tướng đề xuất.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.