Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Chủ Nhật, 29/04/2018, 11:02 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Xin-ga-po và dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn tham dự Hội nghị cấp cao
ASEAN lần thứ 32

Sáng 28-4, Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN) lần thứ 32 đã chính thức khai mạc tại Xin-ga-po. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị. Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước ASEAN đã dự Phiên họp hẹp do Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long chủ trì.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32, Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định, ASEAN đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang biến chuyển nhanh, do đó, cần tiếp tục tăng cường đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Thủ tướng Lý Hiển Long thông báo, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thông qua Tuyên bố Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về một ASEAN tự cường và sáng tạo, Tuyên bố lãnh đạo ASEAN về hợp tác an ninh mạng và Tài liệu khái niệm về mạng lưới các thành phố thông minh.

* Trong Phiên họp hẹp, trao đổi ý kiến về phương hướng phát triển quan hệ đối ngoại của ASEAN, lãnh đạo các nước một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết, thống nhất, khẳng định một ASEAN tự cường là nhân tố then chốt giúp Hiệp hội giữ vững vai trò trung tâm ở khu vực, có quan hệ cân bằng, cùng có lợi với các đối tác, từ đó dẫn tới thành công trong xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch và dựa trên luật lệ.

Về Biển Đông, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần đề cao tinh thần tự cường, duy trì lập trường và nguyên tắc về Biển Đông, trong đó cần bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, tự kiềm chế, không có hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

* Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với cách tiếp cận chung của ASEAN về quan hệ đối ngoại hiệu quả, thực chất với các đối tác, khẳng định ASEAN cần tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm ở khu vực trên cơ sở đẩy mạnh năng lực tự cường tập thể và đề cao đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò đầu tàu của ASEAN trong thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực. Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ hoan nghênh kết quả tích cực của cuộc gặp cấp cao liên Triều, coi đây là bước tiến mới, quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình cơ bản ổn định nhưng còn diễn biến phức tạp, ASEAN cần tiếp tục giữ vững các nguyên tắc cơ bản và kiên định lập trường đã thống nhất về Biển Đông, nỗ lực thúc đẩy xây dựng COC hiệu quả, ràng buộc về pháp lý, vì một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định bền vững.

* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tọa đàm bàn tròn với 16 nhà lãnh đạo các tập đoàn, công ty đa quốc gia quy mô lớn, là những nhà đầu tư có uy tín trên nhiều lĩnh vực của Xin-ga-po với công nghệ hàng đầu thế giới. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Đoàn cấp cao Việt Nam. Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với các công ty đa quốc gia Xin-ga-po về bức tranh tổng thể kinh tế Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư đến với Việt Nam. Thủ tướng thông tin đến các nhà đầu tư về việc Việt Nam đang tích cực xây dựng ba Đặc khu hành chính kinh tế với rất nhiều ưu đãi và là cơ hội lớn để các nhà đầu tư xúc tiến, mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng đề nghị các công ty đa quốc gia đẩy nhanh các dự án sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam với công nghệ hiện đại, tuân thủ pháp luật Việt Nam và quốc tế. Thủ tướng cho biết sẽ giao các bộ, ngành, địa phương Việt Nam phối hợp tích cực để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các công ty tham gia vào tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam.

* Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông C.Ca-brôn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Total, Chủ tịch Công ty dầu khí Total khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúc mừng những kết quả hoạt động của Tập đoàn Total, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và mong muốn Total mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng hoan nghênh Total có ý định hợp tác với đối tác Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp nhận khí hóa lỏng; đề nghị Total tích cực trao đổi với các đối tác Việt Nam để xúc tiến các dự án trong lĩnh vực này, nhất là các dự án đã có trong quy hoạch.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống In-đô-nê-xi-a G.Uy-đô-đô. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển tin cậy, gắn bó trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - In-đô-nê-xi-a; hoan nghênh kết quả tích cực Kỳ họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao ngày 17-4 vừa qua tại Hà Nội đã đề ra phương hướng lớn hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có việc thúc đẩy hoàn thành xây dựng Chương trình hành động đối tác chiến lược hai nước giai đoạn 2019-2023 vào cuối năm 2018 để có thể thực hiện ngay từ đầu năm 2019. Hai bên nhấn mạnh cần chú trọng đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, phấn đấu sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 10 tỷ USD, giao các cơ quan chức năng sớm đàm phán, ký các thỏa thuận hợp tác nhằm sớm đạt mục tiêu đề ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn In-đô-nê-xi-a tích cực hợp tác giải quyết đưa ngư dân Việt Nam về nước và đề nghị In-đô-nê-xi-a tiếp tục xử lý vấn đề này trên tinh thần hữu nghị, nhân đạo, đoàn kết ASEAN và phù hợp quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - In-đô-nê-xi-a.

Tổng thống G.Uy-đô-đô hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về một số biện pháp thiết thực nhằm tăng cường hợp tác song phương, trong đó có việc ký các thỏa thuận hợp tác về thương mại, nông - ngư nghiệp, an ninh quốc phòng, chống tội phạm… Tổng thống cảm ơn Việt Nam ủng hộ sáng kiến của In-đô-nê-xi-a về tổ chức Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN được tổ chức bên lề Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế - Ngân hàng Thế giới năm 2018 ngày 11-10 tới tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a và trân trọng nhắc lại lời mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị này.

Hai bên cũng trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có ủng hộ lẫn nhau về các nội dung liên quan cấu trúc khu vực, an ninh phi truyền thống, hợp tác và an ninh trên Biển Đông và các vùng biển khu vực, chống cướp biển, tội phạm, đánh bắt cá trái phép… Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp lập trường tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong ASEAN.

* Trong cuộc gặp Tổng thống Mi-an-ma Uyn Min, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam ủng hộ Chính phủ Mi-an-ma trong tiến trình hòa giải và hòa hợp dân tộc, nâng cao vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và đề nghị triển khai kết quả tốt đẹp đạt được trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Cố vấn Nhà nước Mi-an-ma Xan Xu Chi, trong đó hai bên đã nhất trí thắt chặt quan hệ chính trị, đẩy mạnh các chuyến thăm trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước và Quốc hội và giao lưu nhân dân; sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Mi-an-ma tại Việt Nam và lập/ký mới các cơ chế, thỏa thuận cần thiết khác; thông qua Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - Mi-an-ma giai đoạn 2018 - 2023; xây dựng và phổ biến các chính sách khuyến khích thương mại, đầu tư. Thủ tướng đề nghị Chính phủ Mi-an-ma phối hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, liên doanh tại Mi-an-ma.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước trong hơn 40 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng A-ung Xan gây dựng và dày công vun đắp. Đáng chú ý là việc hai nước thiết lập quan hệ đối tác hợp tác toàn diện nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Mi-an-ma của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mở ra một trang hợp tác mới. Tổng thống Uyn Min đánh giá đầu tư của Việt Nam vào Mi-an-ma đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước Mi-an-ma; đồng thời cam kết Chính phủ Mi-an-ma thông qua nhiều chính sách thông thoáng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực, hai bên khẳng định phối hợp chặt chẽ trong ASEAN nhằm tăng cường đoàn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; tiếp tục hợp tác tích cực với nhau và với các nước trong khuôn khổ Hợp tác bốn nước Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma- Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế Ay-ây-a-oa-đi - Chao Phray-a - Mê Công (ACMECS). Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ lập trường chung của ASEAN thực thi hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nỗ lực để sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và ràng buộc.

* Chiều 28-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Xin-ga-po và dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.