Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Chủ Nhật, 17/07/2016, 08:31 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc chuyến thăm chính thức Mông Cổ và tham dự Hội nghị ASEM-11

Trưa 16-7, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á –Âu lần thứ 11 (ASEM-11) đã bế mạc, tại thủ đô U-lan Ba-to của Mông Cổ. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch và Tuyên bố U-lan Ba-to với nhiều quyết định quan trọng, chuyển thông điệp mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo ASEM về quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu, đồng thời định hướng cho hợp tác của Diễn đàn thời gian tới. Các nhà lãnh đạo ASEM cũng thông qua 20 sáng kiến mới và thành lập thêm nhóm hợp tác chuyên ngành thứ 20, nhằm hiện thực hóa các định hướng hợp tác giai đoạn 2016 - 2018. Trong đó, Việt Nam đề xuất sáng kiến về “Hội nghị ASEM về Giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững”, được nhiều thành viên đánh giá cao và đồng ý tham gia đồng bảo trợ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các Trưởng đoàn tại lễ bế mạc Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 11 (Ảnh: THỐNG NHẤT /TTXVN)

Các thành viên chúc mừng Mông Cổ tổ chức thành công Hội nghị ASEM-11; hoan nghênh EU đăng cai Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 12 năm 2018 và Mi-an-ma tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 năm 2017, đồng thời khẳng định cùng nỗ lực phối hợp bảo đảm thành công của các hội nghị.

* Trước đó, các nhà lãnh đạo tiến hành phiên họp về “Tăng cường ba trụ cột hợp tác ASEM”, thảo luận nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, nhất là liên quan hòa bình và an ninh, chủ nghĩa khủng bố, di cư, không phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh hàng hải. Hội nghị ra Tuyên bố lên án mạnh mẽ các vụ khủng bố diễn ra tại cả châu Á và châu Âu, bày tỏ đoàn kết, chia buồn sâu sắc với Chính phủ và nhân dân Pháp vì tổn thất do vụ khủng bố vừa diễn ra. Các nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá về tình hình phức tạp tại Trung Đông - Bắc Phi, bán đảo Triều Tiên, U-crai-na, khủng hoảng nhập cư, tác động của việc Anh rút khỏi EU. Nhiều thành viên bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới đang tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có Biển Đông và Hoa Đông. Các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết cùng nỗ lực bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, thương mại không cản trở, kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và các hành động đơn phương, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các mục tiêu phát triển, kết nối, liên kết kinh tế và gia tăng hợp tác không thể thực hiện được trong môi trường bất ổn và đầy bất trắc. Những diễn biến phức tạp hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp bách đối với hai châu lục là tăng cường đối thoại trên tinh thần xây dựng, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm chung trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định nhằm tập trung mọi nguồn lực cho phát triển, thực hiện các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 cũng như các mục tiêu quan trọng khác được quốc tế thừa nhận. Thủ tướng nêu rõ, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động và là động lực tăng trưởng, liên kết kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những diễn biến đáng lo ngại gần đây tại Biển Đông đang làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới.

Thủ tướng đánh giá, ASEAN đã thể hiện vai trò trung tâm và cùng các cơ chế hiện có ở cấp khu vực và liên khu vực, trong đó có ASEM, đóng góp thiết thực duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định khu vực. ASEAN luôn kiên trì lập trường thúc đẩy đối thoại; tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa; tự kiềm chế, không có hành động đơn phương gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không quân sự hóa; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC); sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã và đang nỗ lực cùng các thành viên ASEAN và cộng đồng quốc tế tiếp tục tăng cường đóng góp thiết thực, có trách nhiệm, thúc đẩy đối thoại nhằm duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và toàn thế giới.

* Bên lề Hội nghị ASEM-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Thủ tướng Xlô-vê-ni-a M.Xê-ra. Hai Thủ tướng khẳng định coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ Công thương Việt Nam đang tiến hành lập Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế Việt Nam - Xlô-vê-ni-a và đề nghị hai bên phối hợp tổ chức khóa họp đầu tiên của Ủy ban trong nửa cuối năm 2016. Thủ tướng mong muốn Xlô-vê-ni-a xem xét tích cực việc cấp ODA cho một số dự án trong các lĩnh vực môi trường và y tế cộng đồng, đồng thời ủng hộ Việt Nam được tiếp cận vốn ưu đãi sau năm 2017 và có thời gian chuyển đổi phù hợp. Nhân dịp này, Thủ tướng M.Xê-ra mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Xlô-vê-ni-a; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận lời.

* Chiều 16-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Mông Cổ và tham dự Hội nghị ASEM-11.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.