Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Bảy, 09/06/2018, 11:30 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Toàn quyền Ca-na-đa G.Pai-ét-tơ

Vào khoảng 6 giờ 30 phút sáng 08-6 (giờ Ca-na-đa), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay Giăng Lê-xa-giơ, thành phố Kê-bếch, bang Kê-bếch, bắt đầu chương trình tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và thăm Ca-na-đa.

Đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Việt Nam tại sân bay có Bộ trưởng Nghề cá, Đại dương và Bảo vệ biển Liên bang Ca-na-đa Đ.Lơ Blăng, một số bộ trưởng chính quyền bang Kê-bếch, Đại sứ Việt Nam tại Ca-na-đa Nguyễn Đức Hòa, cùng đông đảo cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ca-na-đa.

* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm Đại học quốc tế La-van tại bang Kê-bếch - trường đại học lâu đời nhất ở Ca-na-đa và khu vực Bắc Mỹ. Tại đây, Thủ tướng chứng kiến buổi trình diễn công nghệ với chủ đề “Công nghệ thông minh cho tương lai” do Đại học La-van phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chính phủ bang Kê-bếch tổ chức.

Phát biểu ý kiến tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hân hạnh được tới thăm Đại học La-van danh tiếng; đánh giá cao các thành tựu nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chương trình đào tạo đa ngành của Đại học La-van cũng như của Ca-na-đa. Thủ tướng bày tỏ vui mừng được biết nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam được đào tạo tại ngôi trường này đã và đang là các giáo sư, chuyên gia trong các tổ chức nghiên cứu khoa học và đổi mới, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam nói riêng và làm cầu nối cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Ca-na-đa nói chung. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang đặt trọng tâm vào việc phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của Ca-na-đa trong các lĩnh vực ưu tiên về hợp tác khoa học - công nghệ trong thời gian qua như chính sách phát triển, năng lượng, y tế, và môi trường... Thủ tướng hy vọng thời gian tới, Việt Nam và Ca-na-đa tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề cấp thiết, phát sinh, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như thích ứng những xu hướng phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở mối quan hệ Đối tác toàn diện đang phát triển tốt đẹp, Đại học La-van nói riêng và các tổ chức nghiên cứu của Ca-na-đa sẽ có nhiều hợp tác cụ thể hơn nữa với Việt Nam trong nghiên cứu, khoa học và đổi mới sáng tạo.

La-van được biết đến với các chương trình giảng dạy chất lượng cao và hiện là một trong 15 trường đại học tốt nhất của Ca-na-đa. Đại học La-van có 17 khoa, 60 viện và trường học trực thuộc, hơn 500 chương trình đại học và sau đại học trong mọi lĩnh vực: khoa học cơ bản và ứng dụng, kỹ thuật, tin học, y học, khoa học con người, nghệ thuật, ngôn ngữ, văn học, khoa học xã hội, quản trị kinh doanh, pháp luật, kiến trúc và thiết kế, triết học, thần học…

Đại học La-van cũng là cơ sở tiên phong trong nghiên cứu và đổi mới. Hiện Đại học La-van có 18 dự án hợp tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp tại Việt Nam.

* Trưa 08-6, tại Kê-bếch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Toàn quyền Ca-na-đa G.Pai-ét-tơ. Thủ tướng cảm ơn sự hiếu khách và tình cảm nồng hậu của Chính phủ và nhân dân Ca-na-đa dành cho Đoàn đại biểu Việt Nam; cảm ơn Ca-na-đa đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng và thăm Ca-na-đa; khẳng định Việt Nam hoan nghênh chủ đề Biến đổi khí hậu và đại dương, sẽ nỗ lực đóng góp vào thành công chung của Hội nghị. Thủ tướng khẳng định luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện với Ca-na-đa vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.

Toàn quyền Ca-na-đa G.Pai-ét-tơ chào mừng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng và thăm Ca-na-đa; đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm, trong bối cảnh hai nước cùng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Toàn quyền Ca-na-đa khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Ca-na-đa ở khu vực, luôn ủng hộ Việt Nam và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với Việt Nam.

Trên tinh thần chính sách nhất quán của Việt Nam là tham gia tích cực, xây dựng và có trách nhiệm vào cộng đồng Pháp ngữ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ca-na-đa tiếp tục thúc đẩy phong trào Pháp ngữ tại Việt Nam, trong đó có việc cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, hỗ trợ đào tạo giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam. Thủ tướng cũng đề nghị Ca-na-đa ủng hộ Việt Nam tham gia các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, cũng như các dự án hợp tác kinh tế, giáo dục - đào tạo trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ. Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại, giao lưu văn hóa, du lịch và nhân dân đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước và đề nghị Ca-na-đa quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Ca-na-đa.

Toàn quyền Ca-na-đa đánh giá cao những thành tựu kinh tế-xã hội Việt Nam đạt được trong quá trình Đổi mới và sự tham gia tích cực của Việt Nam vào cộng đồng Pháp ngữ. Toàn quyền Ca-na-đa khẳng định tiếp tục tạo thuận lợi cho mở rộng hợp tác và trao đổi học thuật, thông qua việc thiết lập các quan hệ đối tác và các chương trình trao đổi sinh viên giữa các cơ sở giáo dục của hai nước; khẳng định ủng hộ và hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu; đánh giá cao vai trò và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam đối với đất nước Ca-na-đa, đặc biệt là các sinh viên Việt Nam đang học tập tại đây.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định quan hệ Đối tác toàn diện là khuôn khổ để hai bên tăng cường hợp tác hơn nữa và nhất trí thời gian tới hai nước cần tiếp tục triển khai các biện pháp cụ thể đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Ca-na-đa đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, APEC, Francophonie.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi sâu rộng, chia sẻ lập trường về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nỗ lực sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Toàn quyền Ca-na-đa G.Pai-ét-tơ thăm Việt Nam và bà đã vui vẻ nhận lời.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.