Thứ Sáu, 22/11/2024, 16:30 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự
Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị cấp cao G20 và thăm Nhật Bản, ngày 01-7, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng nhân dân Nhật Bản nhân sự kiện trọng đại Nhà vua Na-rư-hi-tô lên ngôi và việc Nhật Bản tổ chức thành công Hội nghị cấp cao G20 lần này. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài. Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê đánh giá cao vị thế, vai trò và những thành tựu đối ngoại của Việt Nam thời gian qua, cảm ơn những sáng kiến và đóng góp tích cực của Ðoàn Việt Nam tại Hội nghị cấp cao G20. Thủ tướng A-bê cũng đánh giá cao cộng đồng hơn 330 nghìn người Việt Nam tại Nhật Bản, coi đây là "tài sản chung quý giá" đối với quan hệ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục quan tâm, tạo môi trường thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển thực chất của quan hệ giữa hai nước, thể hiện qua việc hai bên vừa ký kết một loạt văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, tài chính ngay trước Hội đàm cấp cao Việt Nam - Nhật Bản. Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng S.A-bê thăm lại Việt Nam, dự Hội nghị cấp cao ASEAN trong năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Thủ tướng A-bê cảm ơn và vui vẻ nhận lời. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh, trong đó có hợp tác trong khuôn khổ ADMM+.
Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai Thủ tướng hoan nghênh việc hai bên đã thống nhất về các thủ tục để cho phép nhập khẩu quả vải của Việt Nam và quả táo của Nhật Bản. Việt Nam đề nghị Nhật Bản xem xét sớm cho phép nhập khẩu đối với quả nhãn, vú sữa, chanh leo của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Phía Nhật Bản đề nghị Việt Nam cho phép nhập khẩu cam của Nhật Bản. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các dự án hợp tác ODA của Nhật Bản tại Việt Nam, thúc đẩy hợp tác theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi hơn nữa.
Hai Thủ tướng hoan nghênh việc hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình "Lao động kỹ năng đặc định", nhất trí hợp tác để triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh hai nước ký Hiệp định chuyển giao người bị kết án tù, nhất trí thúc đẩy đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, tăng cường hợp tác y tế thông qua Sáng kiến sức khỏe châu Á. Thủ tướng S.A-bê khẳng định, Nhật Bản sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, ứng phó biến đổi khí hậu...
Thủ tướng S.A-bê chúc mừng Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao; hai bên nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN, khu vực sông Mê Công với Nhật Bản trong bối cảnh Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN năm 2020. Hai bên nhất trí phối hợp để thực thi hiệu quả Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hợp tác thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Ðông.
* Trước hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê đã chứng kiến lễ ký kết, trao đổi sáu văn kiện, bao gồm: Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Nhật Bản về chuyển giao người bị kết án phạt tù; Công hàm trao đổi giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản liên quan khoản viện trợ không hoàn lại cho Dự án học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS); Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Văn phòng Chính sách y tế thuộc Ban thư ký nội các Chính phủ Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình "Lao động kỹ năng đặc định"; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam với Viện Công nghệ quốc gia KOSEN Nhật Bản về việc tiếp tục các hoạt động hợp tác nhằm hướng tới mô hình đào tạo KOSEN tại Việt Nam; Hợp đồng vay vốn tài trợ các dự án năng lượng tái tạo giữa Ngân hàng Vietcombank và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).
* Sáng 01-7, tại thủ đô Tô-ki-ô, nhân dịp chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Vietnam Airlines tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm đường bay Việt Nam - Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Tổng Thư ký Ðảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam T.Ni-cai, cùng đại diện Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam và một số quan chức Nhật Bản tham dự buổi lễ.
Chuyến bay đầu tiên đến Nhật Bản của Vietnam Airlines nối liền thành phố Hồ Chí Minh - Ô-xa-ca vào năm 1994. Từ những chuyến bay đầu tiên, Vietnam Airlines đã không ngừng mở rộng các đường bay, nâng cấp đội tàu bay và trở thành cầu hàng không quan trọng giúp tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước cũng như thúc đẩy tiến trình quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Sau 25 năm, tổng số lượt khách Vietnam Airlines vận chuyển đã đạt hơn 12,5 triệu lượt. Hiện nay, Vietnam Airlines là hãng hàng không nắm giữ thị phần vận chuyển hành khách lớn nhất giữa hai nước, đạt gần 60%. Năm 2019, Vietnam Airlines được Skytrax công nhận là hãng Hàng không 4 sao năm thứ tư liên tiếp…
Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Vietnam Airlines đạt nhiều thành tựu trong một phần tư thế kỷ qua; đồng thời nêu rõ, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển hết sức mạnh mẽ, tốt đẹp. Vietnam Airlines là hãng hàng không đóng góp trực tiếp, quan trọng vào mối quan hệ này. Trong chương mới quan hệ hợp tác, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt, trong đó có hàng không. Thủ tướng tin rằng, thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ nỗ lực hiện đại hóa đội bay, nâng cao chất lượng dịch vụ, nỗ lực vươn lên phát triển, tiếp tục đóng góp vào thúc đẩy quan hệ hai nước.
* Chiều 01-7, tại Tô-ki-ô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ công bố hai đường bay mới của hãng hàng không Vietjet đến Nhật Bản. Tới dự có lãnh đạo cấp cao và đối tác Nhật Bản, ông T.Ni-cai, Tổng Thư ký Ðảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam; bà C.Xa-xư-ki, Bộ trưởng phụ trách chấn hưng địa phương và đại diện các cơ quan du lịch Nhật Bản.
Hai đường bay mới được công bố là chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh - Tô-ki-ô (Na-ri-ta) và Ðà Nẵng - Tô-ki-ô (Ha-nê-đa). Tại lễ công bố, Vietjet cũng đón chứng nhận thành viên của Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren), trở thành thành viên đặc biệt từ nước ngoài và là hãng LCC (hàng không chi phí thấp) duy nhất trên thế giới gia nhập Keidanren, tổ chức hiện có gần 1.500 thành viên gồm các công ty tiêu biểu hàng đầu của Nhật Bản, các hiệp hội công nghiệp trên toàn quốc, tổ chức kinh tế khu vực và các thành viên đặc biệt.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Vietjet mở đường bay mới cũng như trở thành thành viên của Keidanren, tổ chức kinh tế toàn diện lớn nhất của Nhật Bản. Ðây là sự kiện quan trọng đối với Vietjet cũng như doanh nghiệp Việt Nam. Nhấn mạnh ý nghĩa của việc mở đường bay nối hai nền kinh tế, Thủ tướng cho rằng, mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân đều có trách nhiệm đóng góp cho mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đang ngày càng phát triển, trong đó có thương mại, đầu tư, du lịch. Với cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có hơn 330 nghìn người, nhu cầu đi lại giữa nhân dân hai nước ngày càng tăng, là cơ hội cho các hãng hàng không. Thủ tướng nêu rõ, doanh nghiệp có vai trò quan trọng, tạo sức lan tỏa trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Việc mở hai đường bay mới sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của hai nước, thực hiện tốt chủ trương của hai Chính phủ, hai Thủ tướng. Thủ tướng đánh giá, hãng Vietjet được thành lập không lâu, có sự tăng trưởng nhanh, bảo đảm an toàn, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao; đồng thời tin tưởng, với hơn 80 máy bay sẵn có và hơn 20 máy bay đang mua về, đây sẽ là hãng hàng không lớn mạnh ở khu vực.
Là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam vận hành theo mô hình hàng không thế hệ mới, chi phí tiết kiệm, Vietjet hiện khai thác ba đường bay thẳng giữa Việt Nam và Nhật Bản bao gồm thành phố Hồ Chí Minh/Hà Nội - Ô-xa-ca và Hà Nội - Tô-ki-ô (Na-ri-ta). Ðường bay thành phố Hồ Chí Minh - Tô-ki-ô (Na-ri-ta) sẽ được khai thác khứ hồi hằng ngày từ 12-7-2019. Ðường bay Ðà Nẵng - Tô-ki-ô (Ha-nê-đa) được khai thác khứ hồi hằng ngày từ 26-10-2019.
* Chiều cùng ngày, trong chương trình thăm Nhật Bản, tại Tô-ki-ô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Thống đốc tỉnh Chi-ba M.Kên-xa-cư. Thủ tướng đánh giá cao việc tỉnh Chi-ba thành lập trung tâm chăm sóc tinh thần cho lao động Việt Nam; mong muốn Thống đốc và chính quyền tỉnh Chi-ba tiếp tục thúc đẩy hợp tác hai bên, hỗ trợ cộng đồng hơn 15 nghìn người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại tỉnh. Thủ tướng đề nghị tỉnh Chi-ba xúc tiến hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với Việt Nam; quan tâm thúc đẩy các doanh nghiệp của tỉnh đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, du lịch... Cùng với đó là tiếp tục phối hợp tích cực với phía Việt Nam triển khai hiệu quả Biên bản hợp tác trong lĩnh vực hợp tác lao động đã được ký kết tháng 3-2019 vừa qua, vì lợi ích của cả hai bên và bảo đảm quyền lợi của người lao động; thúc đẩy các hoạt động giao lưu, trao đổi giữa tỉnh Chi-ba với các địa phương Việt Nam, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước.
* Tiếp ông Oa-ta-na-bê Mi-chi-ta-rô, Thị trưởng thành phố Na-xư-si-ô-ba-ra, tỉnh Tô-chi-gi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thành quả tốt đẹp của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản ngày nay có được là nhờ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ và nhân dân hai nước trong suốt nhiều năm qua. Thủ tướng khẳng định, nhân dân Việt Nam luôn trân trọng những đóng góp của cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Oa-ta-na-bê Mi-chi-ô và Hạ nghị sĩ Oa-ta-na-bê Y-ô-si-mi, là ông và cha của Thị trưởng, trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Thủ tướng đề nghị, thành phố Na-xư-si-ô-ba-ra thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và giao lưu, trao đổi với các địa phương Việt Nam, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước, nhất là những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch… Thủ tướng tin tưởng, Thị trưởng Oa-ta-na-bê Mi-chi-ta-rô sẽ tiếp nối truyền thống gia đình, tiếp tục có những đóng góp vào việc thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung; giữa thành phố Na-xư-si-ô-ba-ra và tỉnh Tô-chi-gi với các địa phương Việt Nam nói riêng.
* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Ha-tô-ri, nguyên Ðại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.
* Chiều 01-7, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, tại Tô-ki-ô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp lãnh đạo một số tập đoàn của Nhật Bản đang triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Tiếp ông T.Y-a-xư-na-ga, Chủ tịch Tập đoàn Mitsui, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao về thành tích trong sản xuất, kinh doanh của Mitsui tại Việt Nam, nhất là việc chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Hoan nghênh dự án hợp tác của Mitsui tại Công ty thủy sản Minh Phú, qua đó có thể nâng giá trị xuất khẩu tôm của doanh nghiệp này lên mức một tỷ USD, Thủ tướng nhấn mạnh, Mitsui là doanh nghiệp có thị trường lớn, có thế mạnh về công nghệ nuôi trồng, chế biến thủy sản, cho nên sự hợp tác này sẽ giúp nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa thủy sản của Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn Mitsui vui mừng thông báo với Thủ tướng về thành công dự án hợp tác đầu tư của Mitsui tại Công ty thủy sản Minh Phú; cho biết sẽ phối hợp tập trung nâng cấp trang thiết bị đông lạnh phục vụ xuất khẩu.
* Tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Maruhan Han Chang U, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất và có hiệu quả. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có Tập đoàn Maruhan có tiềm lực mạnh trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó, với thế mạnh về kinh nghiệm quản lý, đặc biệt kinh nghiệm tái cấu trúc các tổ chức ngân hàng, Maruhan cũng có thể tham gia vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
Ông Han Chang U bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong tiến trình tham gia tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam.
* Tiếp Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Toray Industries, ông Mi-chư-ô Ô-hi-a, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao triết lý kinh doanh của Tập đoàn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trên nền tảng công nghệ hiện đại, sạch. Thủ tướng hoan nghênh Tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực dệt vải, một lĩnh vực có nhu cầu lớn tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Toray Industries nghiên cứu xây dựng tổ hợp công nghiệp khép kín, hiện đại, áp dụng công nghệ mới nhất nếu đầu tư vào Việt Nam; hợp tác - liên kết với các đối tác trong nước về cung ứng linh kiện trong chuỗi giá trị; phối hợp các bộ, ngành hữu quan phát triển nguồn nhân lực quản lý, kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp dệt may.
Ông Mi-chư-ô Ô-hi-a cho biết, Tập đoàn đang xem xét tiến hành đầu tư quy mô lớn ở Việt Nam, đồng thời khẳng định sẽ sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
* Tiếp ông M.Hi-ô-đô, Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh của Sumitomo với các tập đoàn lớn của Nhật Bản và Việt Nam như dự án hợp tác phát triển lĩnh vực Fintech, phát triển thành phố thông minh. Nhấn mạnh việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI có chọn lọc, Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp cần có nghiên cứu khả thi, áp dụng tiến bộ công nghệ, bảo đảm tiến độ dự án.
* Trong khuôn khổ chương trình thăm Nhật Bản, sáng 01-7, tại Tô-ki-ô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, tọa đàm với các nhà lãnh đạo của một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn hàng đầu Nhật Bản trong các lĩnh vực tài chính, năng lượng, xây dựng, công nghiệp chế tạo máy, logistics, công nghệ cao.
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh đến hai hiệp định thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - EU vừa được ký kết ngày 30-6 và CPTPP mà cả Việt Nam và Nhật Bản đều tham gia. Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy sớm ký RCEP trong năm 2019. Ðây chính là thời cơ của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam với thị trường rộng mở, không chỉ ở khu vực ASEAN mà còn cả châu Âu. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam khuyến khích các dự án đầu tư chất lượng cao của các nhà đầu tư Nhật Bản và sẽ tổ chức các buổi đối thoại thường xuyên với nhà đầu tư Nhật Bản để tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
Tại buổi tọa đàm, các nhà đầu tư Nhật Bản, trong đó có Toyota, Canon, TEPCO, Yusen Logistic, Sojitz, JXTG,... đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam thường xuyên tổ chức và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư đã đề xuất một số vấn đề trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, phát triển năng lượng điện bảo vệ môi trường, phát triển hạ tầng cảng biển và giao thông kết nối, vấn đề thuế, hải quan, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, làm thêm giờ của người lao động...
Khẳng định Việt Nam đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trong đó có cả hình thức đầu tư ODA, hợp tác công - tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này.
* Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc Ngân hàng MUFG, ông Ca-nét-xư-gư Mai, một trong những ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Thủ tướng đánh giá cao Ngân hàng MUFG đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Ngân hàng Vietinbank tổ chức tọa đàm giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Thủ tướng đề nghị MUFG đóng góp thiết thực vào vun đắp mối quan hệ này. Cho biết Việt Nam đang thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng, Thủ tướng đề nghị MUFG đóng góp vào quá trình này, nỗ lực đưa Vietinbank trở thành ngân hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển vững mạnh.
Tổng Giám đốc Ngân hàng MUFG cho biết, Việt Nam là nước mà các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhất hiện nay. Sau hội nghị xúc tiến đầu tư lần trước tại Nhật Bản có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
* Một trong những sự kiện xúc tiến thương mại đầu tư quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, được tổ chức tại Tô-ki-ô sáng 01-7. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tham dự có các quan chức chính phủ, lãnh đạo các tổ chức kinh tế uy tín của Nhật Bản và đại diện khoảng 1.200 doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tại hội nghị này, không chỉ xúc tiến đầu tư, Ðoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm Nhật Bản còn trực tiếp giải đáp các vướng mắc của nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong tiến trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, Việt Nam sẽ là "miền đất hứa" đối với các tập đoàn, nhà đầu tư Nhật Bản. Thông tin đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản về tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như những tiềm năng lớn của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý một số lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam mà nhà đầu tư Nhật Bản nên quan tâm như chế biến, chế tạo; nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao - một "mỏ vàng xuất khẩu của Việt Nam"; năng lượng, nhất là năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, hiện đang là nhu cầu lớn của Việt Nam… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi ý các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam - một thị trường hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế. Ðặc biệt, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là những công trình trọng điểm của Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng cần quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ khi thị trường Việt Nam có quy mô hơn 150 tỷ USD, dân số gần 100 triệu người, là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất Ðông - Nam Á. Thủ tướng cũng đề cập đến lĩnh vực thương mại số - một tiềm năng lớn của Việt Nam với quy mô nền kinh tế in-tơ-nét lên đến chín tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 35%/năm, giai đoạn 2015 - 2018, chiếm 4% GDP, cao nhất trong số các nền kinh tế ASEAN và là một lĩnh vực kinh tế đang bùng nổ ở Việt Nam.
* Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức hai nước đã chứng kiến lễ trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, may mặc, công nghệ cao, năng lượng, hàng không, vận tải, logistics, xuất khẩu lao động, giáo dục, chăm sóc sức khỏe với tổng giá trị lên đến hơn tám tỷ USD.
Ðáng chú ý, trong số các văn kiện ký kết được trao đợt này có MOU giữa Tổng Công ty cổ phần xuất, nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - đơn vị có truyền thống hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và cung ứng lao động ra quốc tế - và UT Group - công ty hàng đầu của Nhật Bản hoạt động chính trong lĩnh vực cung ứng nhân công. Theo văn kiện hợp tác được ký kết, Vinaconex sẽ cùng UT Group đào tạo lao động theo tiêu chuẩn Nhật Bản để cung cấp cho thị trường Nhật Bản; đồng thời phối hợp với UT Group xây dựng hệ thống cung cấp lao động được đào tạo tại Nhật Bản cho các nhà máy, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Khi người lao động hoàn thành chương trình làm việc thực tập trở về nước, Vinaconex sẽ ưu tiên tiếp nhận, bố trí công việc mới cho các lao động chất lượng cao này. Trong giai đoạn 2019 - 2025, hai bên phấn đấu hợp tác để đào tạo, đưa nhân công đi xuất khẩu lao động thực tập tại nước ngoài hoặc tiếp nhận và hỗ trợ việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động Việt Nam.
* Ngày 01-7, tại Tô-ki-ô, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung và đại diện các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đã trao đổi các MOU về việc hợp tác để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố với tổng số vốn cam kết lên tới gần bốn tỷ USD.
Trong số này, đáng chú ý có biên bản ghi nhớ giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với Sumitomo và BRG về các dự án công trình hỗn hợp Việt - Nhật ở quận Tây Hồ và xây dựng phát triển Khu Công nghiệp Ðông Anh ở huyện Ðông Anh với tổng số vốn đầu tư ba tỷ USD; với Công ty cổ phần IDS Equity Holdings và các nhà đầu tư Nhật Bản về các dự án văn phòng, khách sạn tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD; với Công ty TNHH AeonMall Việt Nam về dự án Trung tâm thương mại AeonMall Bắc Từ Liêm với vốn đầu tư dự kiến 250 triệu USD.
* Tối 01-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm các cán bộ nhân viên Ðại sứ quán và có cuộc gặp gỡ với đại diện trí thức và cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới toàn thể cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản với tình cảm thân thương nhất, Thủ tướng cho biết, chuyến tham dự Hội nghị cấp cao G20 và thăm Nhật Bản đã rất thành công, thể hiện vị thế và vai trò của Việt Nam đối với các vấn đề lớn của thế giới, cũng như sự coi trọng của Nhật Bản đối với Việt Nam. Ðề cập sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, Thủ tướng kêu gọi các trí thức người Việt Nam ở Nhật Bản hãy nêu cao ý thức và trách nhiệm của mình với đất nước, làm cầu nối về khoa học công nghệ, quản trị, cũng như tạo ra cảm hứng sâu sắc về trách nhiệm đối với đất nước cho lớp sinh viên trẻ hiện nay. Ðối với công tác cộng đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dù Việt Nam chưa phải là nước có đông công dân nhất ở Nhật Bản, nhưng cả Ðại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam phải hết sức nỗ lực theo sát, uốn nắn và chỉ bảo những người trẻ không vi phạm pháp luật của Nhật Bản.
* Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời thủ đô Tô-ki-ô lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao G20 và thăm Nhật Bản.
Nguồn: nhandan.com.vn
Thủ tướng,Nguyễn Xuân Phúc,Nhật Bản S.A-bê,hội đàm
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ hai thành công tốt đẹp
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm