Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 10/10/2018, 11:48 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 10
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Trưởng đoàn dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Mê Công - Nhật Bản yết kiến Nhà vua Nhật Bản A-ki-hi-tô

Sáng 09-10, Hội nghị cấp cao hợp tác Mê Công - Nhật Bản lần thứ 10 đã khai mạc tại Nhà khách Quốc gia A-ca-xa-ca ở thủ đô Tô-ki-ô dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen, Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít, Thủ tướng Thái-lan Pray-út Chan-ô-cha, Cố vấn Nhà nước Mi-an-ma Ong Xan Xu Chi tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất nghiên cứu và xây dựng Mạng lưới sáng tạo Mê Công - Nhật Bản nhằm tăng cường liên kết, trao đổi giữa các trung tâm nghiên cứu, phát minh sáng chế, trung tâm khởi nghiệp của Nhật Bản và các nước Mê Công. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò và đóng góp của hợp tác Mê Công - Nhật Bản đối với thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển khu vực. Các dự án hợp tác Mê Công - Nhật Bản đã góp phần đem lại sự thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường tại các nước Mê Công. Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Nhật Bản và các nước Mê Công thúc đẩy hợp tác thành công hơn nữa. 

Về phương hướng hợp tác giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật một số ưu tiên bao gồm: Thúc đẩy kết nối giao thông, bao gồm cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, giao thông đường thủy giữa Việt Nam - Cam-pu-chia; kết nối năng lượng nội khối Mê Công như hợp tác giữa Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia cũng như giữa khu vực Mê Công với các nước bên ngoài; cải thiện kết nối hạ tầng mềm, ưu tiên xây dựng và thực hiện các hiệp định, cơ chế phối hợp về tạo thuận lợi cho giao thông, thương mại và kết nối số giữa các nước thành viên; thúc đẩy kết nối công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; tăng cường kết nối con người, đặc biệt thông qua giáo dục, đào tạo nghề; ký kết thỏa thuận về công nhận tương đương văn bằng, tín chỉ đào tạo nghề; hiện thực hóa tầm nhìn chung về một Mê Công xanh với trọng tâm là hợp tác quản lý bền vững nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững. 

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh kết quả tích cực của các cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều Tiên và Hàn Quốc - Triều Tiên, ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình và tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp Nhật Bản và cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề nhân đạo, trong đó có bắt cóc con tin, lên án mọi hành động bắt cóc công dân giữa các quốc gia. 

Đối với vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận một số tiến triển tích cực trong trao đổi thương lượng nhưng bày tỏ quan ngại về thực tế còn diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Theo đó, Thủ tướng nêu rõ tính cấp thiết của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, kêu gọi tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực và hiệu quả.

* Tại hội nghị, các lãnh đạo đã rà soát tình hình hợp tác thời gian qua; thảo luận các phương hướng lớn của hợp tác giai đoạn mới cũng như trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực. Các lãnh đạo ghi nhận sau 10 năm hình thành, hợp tác Mê Công - Nhật Bản đã đạt nhiều thành tựu theo định hướng được đề ra là xây dựng một tiểu vùng hòa bình và ổn định lâu dài; phát triển kinh tế, đóng góp tích cực cho hội nhập ASEAN; phát triển bền vững thông qua cơ chế họp cấp cao định kỳ, trao đổi về hợp tác ở các cấp và thực hiện các dự án cụ thể trong các lĩnh vực chuyên ngành cho từng giai đoạn theo các chiến lược ba năm.

Các lãnh đạo đã quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước Mê Công và Nhật Bản lên Quan hệ đối tác chiến lược. Theo đó, phương hướng hợp tác trong thời gian tới sẽ tập trung vào ba trụ cột chính gồm: Kết nối sống động và hiệu quả: tiếp tục xây dựng hạ tầng, tích cực triển khai sáng kiến “Tầm nhìn công nghiệp Mê Công 2.0” và “Quan hệ đối tác mở rộng về cơ sở hạ tầng chất lượng”, trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, kinh tế số; Xã hội lấy người dân làm trung tâm, với trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp, kinh doanh quốc tế, trí tuệ nhân tạo, tài chính, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm; Hợp tác y tế, giáo dục, tư pháp. Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức “Năm giao lưu Mê Công - Nhật Bản 2019”; Hiện thực hóa một Mê Công xanh, với các nội dung chính gồm tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực, nhất là Ủy hội sông Mê Công về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mê Công; ứng phó biến đổi khí hậu; hợp tác về cắt giảm, xử lý và tái chế chất thải; bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn lợi thủy sản. 

Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và bán đảo Triều Tiên. Lãnh đạo các nước khẳng định lại cam kết chung duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. 

Các nhà lãnh đạo đã thông qua Chiến lược Tô-ki-ô 2018 cho hợp tác giai đoạn 2019 - 2021 cùng ba phụ lục danh sách các dự án phối hợp giữa hợp tác Mê Công - Nhật Bản với các chương trình/khuôn khổ hợp tác phát triển toàn cầu và khu vực.

* Sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê và Trưởng đoàn các nước Mê Công đã cùng tham dự họp báo quốc tế để thông tin về kết quả hội nghị. Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh thành công của hội nghị mang lại nhiều ý nghĩa đối với hợp tác Mê Công - Nhật Bản.

Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những ý kiến của các nhà lãnh đạo các nước Mê Công và Nhật Bản về những kết quả nổi bật của Hội nghị cấp cao hợp tác Mê Công - Nhật Bản lần thứ 10. Chúc mừng Thủ tướng S.A-bê đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò Chủ tịch hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về sự đón tiếp chu đáo, nồng hậu. 

Thông tin về kết quả hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các bên đã trao đổi hết sức chân thành, thẳng thắn về những thành công, bài học kinh nghiệm cũng như những cơ hội và thách thức các nước thành viên phải đối mặt trong môi trường phát triển biến động không ngừng, từ đó thống nhất hướng đi cho hợp tác giữa sáu nước trong giai đoạn tới. Các bên đánh giá hợp tác chung Mê Công - Nhật Bản đã đạt những thành tựu quan trọng trong thập kỷ qua; nhận định trong môi trường phát triển có nhiều biến động, việc tăng cường kết nối kinh tế Nhật Bản và Mê Công mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác nhiều mặt là thật sự cần thiết vì lợi ích chung của tất cả các bên. Chính vì vậy, quyết định nâng cấp hợp tác Mê Công- Nhật Bản là hoàn toàn phù hợp, vừa phản ánh được nội dung và mục tiêu của mối quan hệ, đồng thời đặt cơ sở cho sự phát triển của hợp tác trong tương lai. Thủ tướng tin tưởng rằng, những định hướng hợp tác quan trọng của Chiến lược Tô-ki-ô 2018 vừa được hội nghị thông qua sẽ tạo ra xung lực và khí thế mới hợp tác Mê Công - Nhật Bản. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hợp tác Mê Công - Nhật Bản và đánh giá cao vai trò của Nhật Bản ở khu vực vì mục tiêu hội nhập phát triển bền vững bao trùm thịnh vượng, hòa bình.

* Ngày 09-10, tại Tô-ki-ô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng lãnh đạo các nước Mê Công yết kiến Nhà vua và Hoàng Thái tử Nhật Bản.

Tại buổi yết kiến, Nhà vua và Hoàng Thái tử Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa Nhật Bản và các nước Mê Công; mong rằng Năm hữu nghị Mê Công - Nhật Bản 2019 sẽ thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa các chính phủ và người dân sáu nước. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ trân trọng tình cảm thân thiết và sự quan tâm sâu sắc mà Nhà vua, Hoàng Thái tử cùng Hoàng gia Nhật Bản đã dành cho Việt Nam và mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam thời gian qua. Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đặt ưu tiên cao cho mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng hơn nữa.

* Tại buổi gặp mặt lãnh đạo Liên minh nghị sĩ hữu nghị Mê Công - Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Liên minh tiếp tục có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản với các nước Mê Công. Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Mê Công - Nhật Bản R.Si-ô-nô-y-a và Chánh Văn phòng Chính phủ, Cố vấn của Liên minh nghị sĩ Y.Xư-ga khẳng định Liên minh sẽ nỗ lực hết mình để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và các nước Mê Công tiếp tục phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.

* Tại buổi làm việc với Chủ tịch Liên đoàn kinh tế Nhật Bản KEIDANREN và các doanh nghiệp thành viên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò cầu nối của Liên đoàn trong thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào khu vực Mê Công; thực tế kinh doanh thành công và những đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam. Thủ tướng giới thiệu những thành tựu và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam và nhấn mạnh, sự tương đồng về văn hóa và những giá trị xã hội là nền tảng quan trọng kết nối hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản, tạo điều kiện cho các mối quan hệ kinh tế phát triển. 

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước Mê Công đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Mê Công - Nhật Bản với chủ đề “Trung tâm chuỗi giá trị khu vực Đông-Nam Á năng động” với sự tham dự của khoảng 600 doanh nghiệp đến từ năm nước Mê Công và Nhật Bản. Diễn đàn do Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tổ chức.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam duy trì môi trường chính trị - xã hội ổn định, cùng với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, với quy mô dân số tiệm cận 100 triệu dân, dân số trẻ, là cơ hội của các tập đoàn đa quốc gia đa dạng hóa, làm mới và tạo ra sự khác biệt. Việt Nam xây dựng Chính phủ liêm chính kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Thực hiện các cam kết tiêu chuẩn cao trong các FTA thế hệ mới làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và mở ra cơ hội tiếp cận nhiều thị trường lớn của thế giới. 

Đề cập mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam và Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất với sự phát triển toàn diện và thực chất trên nhiều lĩnh vực. Thủ tướng khẳng định, các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản luôn được Chính phủ Việt Nam ghi nhận và giải quyết khá kịp thời. Việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng năm 2003 đã tác động nhiều mặt, được cộng đồng các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Thủ tướng tin tưởng, với tiềm năng của khu vực Mê Công và mối quan hệ tốt đẹp Mê Công - Nhật Bản, khu vực Mê Công nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Toạ đàm với các doanh nghiệp hạ tầng hàng đầu Nhật Bản. Tại Tọa đàm, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tạo điều kiện tốt nhất về chính sách, trong đó sẽ ban hành luật đầu tư theo hình thức công - tư và tạo điều kiện về tín dụng tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên đầu tư bất động sản đi đôi với phát triển hạ tầng; chú trọng đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người nghèo; phát triển các khu đô thị hiện đại, thông minh, có quy mô lớn; thực hiện tốt từ khâu quy hoạch để sử dụng quỹ đất một cách hiệu quả nhất, sử dụng công nghệ và các vật liệu tiên tiến để xây dựng các công trình chất lượng cao. 

Các doanh nghiệp bất động sản Nhật Bản đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này.

* Dự Tọa đàm với các doanh nghiệp tài chính lớn của Nhật Bản, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xây dựng các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh toàn cầu; sử dụng lợi thế về công nghệ tham gia phát triển các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng mới; tham gia tiến trình cải cách, hiện đại hóa hệ thống tài chính và ngân hàng của Việt Nam, trong đó, Chính phủ khuyến khích các nhà đầu tư mua lại các ngân hàng yếu kém để trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài. 

Các doanh nghiệp tài chính Nhật Bản đánh giá cao sự điều hành và những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về thể chế, cơ chế và cắt giảm thủ tục hành chính và nêu nhiều câu hỏi về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các kế hoạch phát triển hạ tầng của Chính phủ và các ưu tiên đầu tư cụ thể trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.