Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 18/03/2015, 08:33 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Toàn quyền Ô-xtrây-li-a Pi-tơ Co-xgrâu

Ngày 17-3, tại thành phố Xít-ni, thủ phủ bang Niu Xao Uên, chặng đầu tiên trong chuyến thăm chính thức Ô-xtrây-li-a theo lời mời của Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Tô-ni Áp-bót (Tony Abbott), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hội kiến với Toàn quyền Ô-xtrây-li-a Pi-tơ Co-xgrâu (Peter Cosgrove) và Thống đốc bang Niu Xao Uên Đa-vít Hơ-li (David Hurley).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Toàn quyền Ô-xtrây-li-a.

Chuyến thăm tạo xung lực mới

Tại cuộc hội kiến với Toàn quyền Ô-xtrây-li-a, Pi-tơ Co-xgrâu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện với Ô-xtrây-li-a, đồng thời hoan nghênh chính sách của Ô-xtrây-li-a tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2009. Quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, như: Chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa giáo dục đều đang tiến triển hiệu quả.

Toàn quyền Ô-xtrây-li-a đánh giá cao triển vọng tốt đẹp của mối quan hệ Việt Nam – Ô-xtrây-li-a, cho rằng, chuyến thăm chính thức Ô-xtrây-li-a lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra rất đúng thời điểm và tin tưởng rằng, kết quả sẽ góp phần tạo xung lực mới đưa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là về kinh tế - thương mại, và những điểm tương đồng về các vấn đề an ninh - chính trị ở khu vực cho thấy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Ô-xtrây-li-a đã đi vào chiều sâu, ngày càng ổn định, bền vững và tin cậy lẫn nhau.

Ngài Pi-tơ Co-xgrâu bày tỏ từng là cựu chiến binh Việt Nam và đã đi du lịch Việt Nam hai lần, cá nhân ngài Toàn quyền có ấn tượng sâu sắc về những thành tựu, những đổi thay tích cực của đất nước Việt Nam, lòng hiếu khách của con người Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển tới Toàn quyền Ô-xtrây-li-a lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm chính thức Việt Nam. Ngài Pi-tơ Co-xgrâu đã gửi lời cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và vui vẻ nhận lời mời.

Trong cuộc Hội kiến với Thống đốc bang Niu Xao Uên Đa-vít Hơ-li, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, bang Niu Xao Uên có nhiều lợi thế về thương mại và có nhiều cơ hội để hợp tác với các địa phương ở Việt Nam, nhất là hai bên có đường bay thẳng giữa thành phố Xít-ni và thành phố Hồ Chí Minh. Nhằm phát huy đầy đủ những lợi thế này, Thủ tướng đề nghị chính quyền bang Niu Xao Uên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu cơ hội đầu tư và hỗ trợ hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường bang Niu Xao Uên nói riêng và Ô-xtrây-li-a nói chung.

Thống đốc bang Niu Xao Uên coi chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là dấu mốc mở ra thời kỳ hợp tác mới mạnh mẽ và hiệu quả giữa bang Niu Xao Uên và Việt Nam. Ngài Đa-vít Hơ-li cũng khẳng định luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bang Niu Xao Uên và Việt Nam hợp tác kinh doanh vì lợi ích của cả hai bên.

Ba khâu đột phá chiến lược thu hút đầu tư

Trước đó, sáng 17-3 (giờ địa phương) tại thành phố Xít-ni, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã có buổi Đối thoại với các doanh nghiệp Việt Nam và Ô-xtrây-li-a về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như những cơ hội, triển vọng về quan hệ hợp tác Việt Nam - Ô-xtrây-li-a. Cuộc đối thoại đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Ô-xtrây-li-a trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, năng lượng, dầu khí, khai khoáng… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Để thu hút mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện đầy đủ và vận hành thông suốt thể chế kinh tế thị trường, thực hiện cạnh tranh một cách bình đẳng, công khai, minh bạch giữa các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước tại thị trường Việt Nam theo đúng cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam khẳng định tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua thực hiện đầy đủ các cam kết của mình trong WTO cũng như các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương khác".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, Việt Nam đang tập trung thực hiện ba khâu đột phá chiến lược nhằm tạo thuận lợi thu hút và phát triển đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển, đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam cũng tiếp tục bảo đảm ổn định chính trị xã hội ngày càng vững chắc và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư, kể cả trong nước và nước ngoài; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện nhà nước pháp quyền, bảo đảm và phát huy mạnh mẽ quyền tự do dân chủ của người dân, cả về kinh tế và chính trị, coi đây là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tự do kinh doanh có hiệu quả lâu dài ở Việt Nam trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lắng nghe và trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ô-xtrây-li-a liên quan đến triển vọng, cơ hội thúc đẩy và tăng cường thực chất quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Ô-xtrây-li-a, nhất là đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực lợi thế cạnh tranh, như: Khai khoáng, năng lượng, hóa chất, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, giáo dục và dịch vụ chất lượng cao. Chính phủ Việt Nam ủng hộ các doanh nghiệp Ô-xtrây-li-a  tham gia vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của Ô-xtrây-li-a như năng lượng, hạ tầng viễn thông, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp bền vững và tài chính.

Liên quan đến hoạt động của công ty mua bán nợ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ đây là một giải pháp rất quan trọng cùng với các giải pháp đồng bộ khác nhằm giảm nhanh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường mua bán nợ ở Việt Nam, đặc biệt là mua bán các khoản nợ tồn đọng liên quan đến bất động sản, dự án sản xuất kinh doanh…

Trong khuôn khổ chương trình đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các doanh nghiệp Việt Nam và Ô-xtrây-li-a đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, xuất khẩu công-ten-nơ, cung cấp nguyên liệu và trao đổi mua bán một số sản phẩm nông sản…

Cũng trong sáng 17-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu của Ô-xtrây-li-a về lĩnh vực viễn thông, khai khoáng, ngân hàng, năng lượng, dầu khí… như Telstra-tập đoàn viễn thông và cung cấp các dịch vụ viễn thông hàng đầu của Ô-xtrây-li-a; Tập đoàn Rio Tinto-tập đoàn khai thác mỏ hàng đầu thế giới và kinh doanh khoáng sản; Ngân hàng CBA; tập đoàn Origin Energy; Ngân hàng ANZ; Tập đoàn Santos-nhà sản xuất dầu và khí đốt hàng đầu.

* Chiều 17-3 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp gỡ thân mật với bà con kiều bào và các sinh viên Việt Nam đang theo học tại Xít-ni. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn đồng bào ta tại Xít-ni nói riêng và tại Ô-xtrây-li-a nói chung tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chung tay xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, đóng góp tích cực cho đất nước sở tại, đồng thời luôn giữ gìn bản sắc dân tộc, gắn bó với quê hương đất nước Việt Nam; phát huy vai trò cầu nối, góp phần xây dựng tình hữu nghị Việt Nam - Ô-xtrây-li-a ngày càng phát triển.

Xây dựng lòng tin chiến lược để có hòa bình, ổn định

Chiều cùng ngày, tại thành phố Xít-ni, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu và thảo luận với các học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu Ô-xtrây-li-a tại Viện Lowy - Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại độc lập nằm trong tốp 30 trung tâm hàng đầu thế giới.

Với chủ đề “Quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a: Hướng tới một tương lai tươi sáng vì sự thịnh vượng của hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực”, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ tầm nhìn về quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a, tầm nhìn phát triển của Việt Nam và những vấn đề an ninh khu vực đang nổi lên.

Về an ninh khu vực, một vấn đề được các học giả quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng góp gần 55% GDP toàn cầu và là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, đồng thời có vai trò rất quan trọng trong tiến trình hình thành trật tự thế giới trong tương lai. Tuy nhiên, khu vực này đang tiềm ẩn những bất ổn do những diễn biến phức tạp của các điểm nóng và hiện vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của công luận quốc tế, khu vực là tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Chúng tôi cho rằng, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Đây là nơi có tuyến hàng hải quốc tế, với khoảng 50% hàng hóa vận chuyển đường biển của toàn cầu. Những bất ổn, căng thẳng hiện nay chỉ có thể giải quyết khi tất cả các nước, nhất là các nước trực tiếp có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đều phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, kiềm chế không có hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.

Đánh giá cao khái niệm “Lòng tin chiến lược” được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-la năm 2013, Giáo sư Can Thay-ơ (Carl Thayer), Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a cho rằng, ông ấn tượng với khái niệm "lòng tin chiến lược" khi đây được coi là yếu tố quan trọng để bảo đảm hòa bình, ổn định trong khu vực. Đề cập vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Để duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực một cách bền vững, mỗi quốc gia, dù lớn, hay nhỏ, bên cạnh việc chăm lo lợi ích của riêng mình, đều phải quan tâm đến các vấn đề chung của khu vực, thế giới và lợi ích chính đáng của các nước khác. Đây là nền tảng nhận thức cơ bản để thúc đẩy các cơ chế hợp tác, xây dựng lòng tin, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Các nước cần đề cao hơn nữa vai trò của các thể chế đa phương, cùng chung tay góp sức xây dựng một cấu trúc và thể chế của khu vực ổn định, bền vững. Trong cấu trúc đó, ASEAN cần tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, dẫn dắt, kết nối chặt chẽ và xây dựng lòng tin chiến lược giữa tất cả các đối tác liên quan - đó là một sự tin cậy lẫn nhau bền vững lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển”.

Ủng hộ Ô-xtrây-li-a đóng vai trò lớn hơn trong cấu trúc khu vực

Về quan điểm giải quyết tranh chấp của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định, Việt Nam luôn kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ứng xử ở khu vực. Trong khi khẳng định và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước theo đúng luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn chủ động ứng xử phù hợp và tranh thủ mọi cơ hội để làm giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được cho vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Chúng tôi chân thành cảm ơn và mong các bạn tiếp tục có tiếng nói tích cực, khách quan, đóng góp thiết thực cho hòa bình, an ninh, hữu nghị, hợp tác và phát triển của khu vực. Việt Nam ủng hộ Ô-xtrây-li-a đóng vai trò lớn hơn trong cấu trúc khu vực đang định hình. Chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ cùng Ô-xtrây-li-a và các nước đối tác để xây dựng một châu Á phát triển năng động, liên kết sâu sắc, trong một môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác cùng phát triển, cùng thịnh vượng”.

Đề cập quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong nhiều năm qua, nước này luôn nằm trong nhóm 10 bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều từ 3 tỷ USD năm 2000, tăng lên hơn 6,5 tỷ USD năm 2015. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Ô-xtrây-li-a là đối tác lớn nhất của Việt Nam ở Nam bán cầu”.

Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã đến thủ đô Can-bê-ra, tiếp tục chuyến thăm chính thức Ô-xtrây-li-a.

Nguồn: TTXVN

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.