Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 01/06/2012, 03:41 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á

Theo Báo QĐND - Ngày 31-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2012 (WEF Đông Á 2012) tại thủ đô Băng Cốc của Thái Lan.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung.

Đông Á cần tiếp tục quá trình điều chỉnh các mô hình tăng trưởng

Với chủ đề “Định hình tương lai khu vực thông qua kết nối”, Hội nghị tập trung thảo luận các đề xuất và giải pháp tăng cường hợp tác, kết nối khu vực Đông Á như là một phương thức nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Hội nghị nhấn mạnh các nước Đông Á cần tiếp tục quá trình điều chỉnh các mô hình tăng trưởng nhằm thích ứng với bối cảnh kinh tế thế giới sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Trong quá trình này, các nước cần chú trọng tăng cường năng lực ứng phó với các thách thức phát triển đang nổi lên, nhất là triển khai các chính sách tài chính hiệu quả nhằm kiểm soát lạm phát, chu chuyển vốn, biến động giá cả hàng hóa; tái cấu trúc kinh tế hướng tới tăng trưởng cân bằng và bền vững; tăng cường phối hợp chính sách và hành động nhằm hạn chế hậu quả của những biến động không thể dự báo như thiên tai, biến đổi khí hậu. Các nước ASEAN cần tiếp tục quá trình xây dựng nền kinh tế bảo đảm an ninh lương thực, nước và năng lượng, đồng thời chú trọng tới thu hẹp khoảng cách phát triển và hoàn thành các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ.

Phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, hợp tác, kết nối khu vực hiện là một trong những xu hướng chủ đạo tại Đông Á với vai trò tích cực của các nước trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia thành viên ASEAN. Các chương trình, sáng kiến và cơ chế hợp tác đã góp phần thúc đẩy đối thoại, hiểu biết và phối hợp chính sách giữa các nước liên quan, tạo môi trường thuận lợi và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của khu vực, củng cố thêm vai trò của Đông Á trong cấu trúc kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình này cũng đang phải đối mặt với những thách thức và khó khăn không nhỏ. Tái cấu trúc kinh tế thế giới diễn ra mạnh mẽ trong điều kiện sản xuất kinh doanh suy giảm, lạm phát, nợ công gia tăng, giá năng lượng và lương thực thế giới diễn biến phức tạp… đòi hỏi các cấu trúc khu vực, trong đó khuôn khổ hợp tác Đông Á phải có những điều chỉnh phù hợp.

Bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ phát triển

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ nhiều đánh giá và đề xuất quan trọng, nhất là: Phát huy các khuôn khổ hợp tác ở khu vực với ASEAN đóng vai trò trung tâm (như ASEAN + 1, ASEAN + 3, Cấp cao Đông Á...); bảo đảm “tính đồng bộ” trong hợp tác khu vực, đặc biệt là đồng bộ trong việc tham gia các nội dung hợp tác và bảo đảm hài hòa các chính sách, luật lệ, thủ tục trong các dự án kết nối kinh tế; tăng cường “tính thích ứng” của hợp tác, kết nối khu vực Đông Á trước những biến động của môi trường bên ngoài, ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng tài chính-tiền tệ, chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, quản lý thiên tai, bảo  đảm an ninh nguồn nước. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác trong sử dụng và quản lý một cách hợp lý và bền vững nguồn nước sông Mê Công vì lợi ích của cư dân và sự phát triển bền vững của các nước ven sông cũng như cần phải bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ phát triển trong đó có bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu bật chủ trương chủ động, tích cực nhập quốc tế của Việt Nam, với một trong những ưu tiên là tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, xác định trách nhiệm cao trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao hiệu quả tham gia các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực Đông Á. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi để thu hút mạnh các nguồn vốn quốc tế, các nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, công nghệ nguồn, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên lề WEF Đông Á, chiều 31-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Dinh-lúc Xin-vắt (Yingluck Shinawatra) và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Clau-xơ Xơ-oáp (Klaus Schwab).

Hai thủ tướng nhất trí hai bên sẽ tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao, các bộ ngành và địa phương, tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương sẵn có như Nhóm Công tác chung về chính trị an ninh, tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao và Ủỷ ban hỗn hợp về thương mại. Hai thủ tướng thỏa thuận sẽ tiến hành cuộc họp nội các chung hai nước vào cuối năm nay và cùng thống nhất cho rằng, hai nước còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, trước mắt là hợp tác khai thác hiệu quả hành lang kinh tế Đông-Tây. Hai thủ tướng cũng đã trao đổi về sự hợp tác giữa hai nước trong các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng như ASEAN, GMS, ACMECS… Hai thủ tướng cùng nhất trí cho rằng việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công là nhân tố quan trọng, góp phần vào công cuộc phát triển của tất cả các quốc gia ven sông.

Tại cuộc gặp Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Clau-xơ Xơ-oáp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, với 3 khâu đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, đồng thời ưu tiên tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, đối phó với các thách thức phát triển (biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước…). Được biết đây cũng là quan tâm chung của nhiều nước trong khu vực Đông Á và trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam mong muốn các hội nghị thường niên của WEF trong thời gian tới sẽ tiếp tục đề cập tới những chủ đề quan trọng này. Chủ tịch Clau-xơ Xơ-oáp khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam, đồng thời tích cực xem xét bàn thảo về các vấn đề theo đề nghị nêu trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Nguồn: qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.