Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Năm, 17/04/2014, 11:43 (GMT+7)
Thống nhất quy định quân hàm cấp tướng của Quân đội và Công an
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Nội dung này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất tại Phiên họp sáng 16-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển nội dung, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục Phiên họp thứ 27 để cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan của Bộ Quốc phòng đã tới dự.

Số lượng cấp tướng trong dự thảo luật giảm 3,1%

Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết: Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung được bố cục thành 02 điều; trong đó, Điều 1 quy định những nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại 4 điều của Luật hiện hành, gồm Điều 11, Điều 15, Điều 17, Điều 25. Sửa về kỹ thuật tại Khoản 3 Điều 13 và Khoản 1 Điều 31. Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành.

Những nội dung được sửa đổi, bổ sung theo dự thảo luật bao gồm:

Sửa đổi, bổ sung Điều 11 về chức vụ của sĩ quan, cơ bản giữ như Luật hiện hành, chỉ đổi tên Chỉ huy trưởng Vùng Hải quân thành Tư lệnh Vùng Hải quân cho phù hợp với tổ chức mới và yêu cầu chỉ huy. Thứ tự các chức vụ cơ bản được sắp xếp từ Bộ trưởng đến Trung đội trưởng để phù hợp với cơ cấu tổ chức của Quân đội từ cấp Bộ đến đơn vị.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 15 về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan. Luật Sĩ quan hiện hành mới quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với các chức vụ cơ bản của sĩ quan, trong đó cấp tướng có 15 chức vụ. Các chức vụ tương đương với chức vụ cơ bản có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng được quy định ở các văn bản dưới luật. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, dự thảo Luật quy định các chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng đã và đang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, có kế thừa những quy định đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn còn phù hợp, để bảo đảm thực hiện chặt chẽ, thống nhất trong Quân đội nhân dân Việt Nam. So với văn bản pháp luật hiện hành, dự thảo Luật đã bỏ quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với các chức vụ: Tổng Giám đốc Tổng công ty loại 1; Tham mưu trưởng quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, tổng cục, vì theo tổ chức Quân đội từ cấp trung đoàn đến quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục II thì một đồng chí Phó Chỉ huy trưởng hoặc Phó Chủ nhiệm tổng cục kiêm Tham mưu trưởng. Theo dự thảo Luật thì số lượng cấp tướng so với nhu cầu cấp tướng của các văn bản pháp luật đang thực hiện giảm khoảng 3,1%.

Dự thảo Luật cũng bổ sung nội dung các chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng thuộc đơn vị thành lập mới do Thủ tướng Chính phủ quy định để đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội, vì các chức vụ hiện nay có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng đã được quy định cụ thể trong Luật.

Dự thảo Luật bỏ nội dung quy định sĩ quan ở lực lượng quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện thuộc địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng hoặc sĩ quan ở đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt được thăng quân hàm cao hơn một bậc; vì việc xác định địa phương là địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng, đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt khó thực hiện, gây tâm tư thắc mắc trong đội ngũ sĩ quan và giữa các địa phương.

Dự thảo Luật bổ sung thời hạn xét thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng là 04 năm; không quy định thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng, vì sĩ quan cấp tướng là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cán bộ Quân đội, được đào tạo công phu, đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và nhiệm vụ trọng yếu của Quân đội, nếu quy định cứng về thời hạn thì độ tuổi cấp tướng sẽ rất cao, khó cho việc quy hoạch nguồn cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược và việc bố trí sử dụng cán bộ khi có nhu cầu giao nhiệm vụ cao hơn.

Dự thảo Luật giữ nguyên quy định về thời hạn xét thăng quân hàm đối với cấp tá, cấp úy theo Luật Sĩ quan hiện hành.

Dự thảo bổ sung nội dung tuổi của sĩ quan xét thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân không quá 57; trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc, tuổi có thể cao hơn do cấp có thẩm quyền quyết định.

Tại Khoản 1 Điều 31, Luật hiện hành quy định “... bảng lương của sĩ quan căn cứ vào cấp bậc quân hàm và chức vụ...” nay sửa lại là “... bảng lương của sĩ quan căn cứ vào chức vụ và cấp bậc quân hàm...”.

Làm rõ hơn các vị trí có nhu cầu cấp tướng

Thẩm tra Dự án Luật, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng cần phải làm rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng (đối với cơ quan phải có vị trí tham mưu chiến lược và chỉ đạo toàn quân, đối với đơn vị phải là lãnh đạo, chỉ huy của đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược…), theo đó cần xem xét một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu thì không quy định có nhu cầu cấp Tướng như các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công; mặt khác, cần phải bảo đảm nguyên tắc cấp trên phải cao hơn cấp dưới, cấp trưởng phải cao hơn cấp phó, chức vụ tương đương thì có quân hàm tương đương, đơn vị chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu phải cao hơn các đơn vị khác để tránh những quy định không phù hợp, gây tâm lý so sánh, thắc mắc không đồng thuận… Theo đó, có một số đơn vị chưa rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng: Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình quân đội; các bệnh viện, như: Viện Y học Cổ truyền quân đội, Viện Bỏng quốc gia, Viện 69 thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Cục Thi hành án, một số cục thuộc tổng cục… có trần quân hàm Thiếu tướng ngang bằng Tư lệnh binh chủng, quân đoàn, trong khi Sư đoàn trưởng, Tỉnh đội trưởng chỉ là Đại tá; cấp dưới bằng cấp trên như trần quân hàm của Cục trưởng thuộc Tổng cục bằng Tổng cục phó; chức vụ không tương đương nhưng quân hàm như nhau, như: Giám đốc, Chính ủy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Giám đốc, Hiệu trưởng một số học viện, trường sĩ quan bằng Tư lệnh quân khu, quân chủng…

Phát biểu Thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, theo kết luận của Bộ Chính trị, nên thống nhất về cấp bậc quân hàm cao nhất giữa Quân đội và Công an.  Các quy định của Dự thảo Luật có nhiều điểm phù hợp hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều uỷ viên TVQH còn chưa rõ về một số chức danh cấp bậc cấp phó cao bằng cấp trưởng. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần có cơ chế để “trẻ hoá” đội ngũ sĩ quan, nếu không sẽ gây khó khăn cho việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cấp cao. “Niên hạn phải có, nhưng phải có cái mở ra, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì phải phong trước niên hạn. Tư lệnh Quân khu toàn 55 đến 57 thì làm sao vào được Trung ương? Các đồng chí mở ra một chút để bồi dưỡng cán bộ” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Giải trình về một số ý kiến của UBTVQH, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết: “Dự thảo Luật, về cơ bản các chức vụ đã quy định cấp bậc quân hàm của sĩ quan cấp trưởng cao hơn cấp phó một bậc, nhất là đối với sĩ quan cấp tướng giữ chức vụ chỉ huy, lãnh đạo tại Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, các tổng cục, các cục, vụ, viện, học viện, nhà trường… quân hàm của sĩ quan cấp trưởng đều cao hơn cấp phó một bậc.

Tuy nhiên, quân hàm sĩ quan chỉ có 12 bậc, trong khi toàn quân có tới trên 6.000 chức danh và trên 12.000 chức vụ. Vì vậy, trong thực tế còn có chức vụ quy định cấp bậc quân hàm của cấp phó bằng cấp trưởng. Ví dụ: Tư lệnh, Chính ủy và Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy quân đoàn, binh chủng hoặc Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị và Phó Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Chính trị cấp quân khu đều có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng. Lý do, sĩ quan giữ các chức vụ cấp phó nêu trên đã đảm nhiệm và phát triển qua tối thiểu từ hai đến ba chức vụ ở các cấp thấp hơn đều có cấp bậc quân hàm cao nhất là Đại tá; đồng thời, cũng là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, lãnh đạo toàn đơn vị theo phân công hoặc ủy quyền của cấp trưởng”.

“Ví dụ: Vị trí Cục trưởng Cục tác chiến. Nếu để quân hàm thiếu tướng khi các đồng chí đi chỉ đạo, kiểm tra ở quân khu mà quân hàm còn thấp hơn cả quân khu thì rất khó. Cục Tác chiến và Quân huấn chỉ đạo toàn quân... Cục Cán bộ thì thường phải là Chính uỷ quân đoàn lên” – Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu ví dụ. Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng giải thích về việc “vênh nhau” giữa phương án quân hàm cao nhất giữa lực lượng Quân đội và Công an ở một số địa phương: “Hôm họp Chính phủ, Bộ Công an có đề xuất 06 tỉnh đề nghị quân hàm cao nhất là cấp tướng. Tôi đề nghị nếu Công an thế thì các đồng chí cũng phải cân nhắc đối với Quân đội. Vì khi tác chiến xảy ra, chỉ huy quân sự là người thống nhất chỉ huy lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh mà quân hàm đại tá là không hợp lý. Đấy là ý kiến của cá nhân tôi. Nhưng khi về báo cáo với Thường vụ Quân uỷ Trung ương thì các đồng chí không nhất trí, vì Quân uỷ Trung ương đã thống nhất. Nếu 06 tỉnh cấp trưởng đề bạt cấp tướng thì chính uỷ ra sao, rồi các tỉnh khác cũng cho ý kiến. Cuối cùng thống nhất cứ giữ nguyên Đại tá”.

Quy định này được UBTVQH tán thành, thống nhất với Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Giám đốc Công an thành phố Hà Nội được quy định quân hàm cấp trung tướng. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hồ Chí Minh và Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh quy định quân hàm Thiếu tướng. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự và Giám đốc Công an các tỉnh, thành còn lại quy định quân hàm Đại tá.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết thêm, qua hội nhập quốc tế, quân hàm của Việt Nam hiện thấp hơn các nước rất nhiều. Ở các nước Tư lệnh Hải, Lục, Không quân đều đại tướng, đô đốc là 4 sao chứ không 3 sao như ta. Như ở Hàn Quốc, Tư lệnh Cảnh sát biển cũng là đại tướng 4 sao”.

Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, các vị trí phong tướng lần này đều quy định trong Luật hết rồi, không thể vận dụng tuỳ tiện được.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Kso Phước đánh giá cao dự thảo Luật, đã tiếp thu nhiều ý kiến của Bộ Chính trị và UBTVQH, nhất là về vấn đề hàm cấp tướng. Những giải trình của Bộ Quốc phòng “cũng có cái lý của nó nhưng phải làm sao để Quốc hội cũng biết và đồng tình với những vấn đề này”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất có thể quy định đề bạt quân hàm Thượng tướng đối với Tư lệnh Phòng không – Không quân vì đây là lực lượng quan trọng được đi thẳng vào hiện đại, lại quản lý toàn bộ vùng trời rộng lớn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kiến nghị: “Nếu các đồng chí tái lập được chức Tổng Tư lệnh thì tôi rất mừng. Đây là Tư lệnh của các tư lệnh, vừa là Bộ trưởng quản lý Nhà nước, vừa là người chỉ huy cao nhất của các lực lượng vũ trang”.

Qua thảo luận, UBTVQH cơ bản nhất trí dự thảo Luật, nhất là thiết kế của Điều 25 liên quan tới phong, thăng quân hàm cấp tướng. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn kết luận, khẳng định dự thảo Luật không còn vấn đề gì lớn vướng mắc, đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ tiếp tục hoàn thiện tờ trình chính thức.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.