Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 28/10/2011, 02:41 (GMT+7)
Thỏa thuận Việt - Trung về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết những vấn đề trên biển được đánh giá cao

Báo Quân đội nhân dân, ngày 28-10-2011 đăng bài phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về kết quả Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM Hẹp) tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a. Toàn văn bài phỏng vấn dưới đây.



Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh
- Đề nghị Thứ trưởng cho biết, Đoàn Việt Nam mang tới ADMM Hẹp thông điệp gì để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Ý kiến đầu tiên chúng ta phát biểu là Việt Nam đã và sẽ làm với tất cả khả năng của mình để tăng cường hợp tác, đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực. Trong năm 2010, chúng ta đã làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và đặc biệt là đã tổ chức được ADMM+ đầu tiên. Năm 2011, tuy không còn là nước Chủ tịch ASEAN nhưng Việt Nam vẫn tham gia tích cực, đặc biệt là đóng góp vào các sáng kiến quốc phòng của ASEAN như cứu trợ thảm họa, hợp tác quân y…

Điểm thứ hai, chúng tôi đề cập đến là những thách thức truyền thống và phi truyền thống và nhu cầu hợp tác quốc phòng. Trong đó nổi lên là hai vấn đề mà tất cả các nước đều quan tâm. Thứ nhất là thảm họa về môi trường. Ngay trong những ngày diễn ra hội nghị, tại Cam-pu-chia, Thái Lan, Việt Nam, Lào, lũ lụt đã làm cho hàng chục triệu người lâm vào cảnh khó khăn. Đây không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là vấn đề an ninh. Về vấn đề này, chúng tôi cũng nêu rõ rằng bên cạnh những thảm họa do thiên nhiên gây ra còn có những thảm họa môi trường cho chính con người gây ra. Ví dụ như vấn đề nguồn nước. Chúng tôi đã đề nghị Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma cùng Việt Nam hợp tác tích cực và hiệu quả hơn nữa để bảo vệ nguồn nước sông Mê Công, tránh để vài chục năm nữa con cháu phải gánh chịu thảm họa do chính chúng ta gây nên.
Điểm thứ ba, Đoàn Việt Nam đề cập là an ninh biển, một vấn đề nhận được sự quan tâm của tất cả các Bộ trưởng. Với tinh thần thiện chí và xây dựng, chúng ta nhắc lại rằng các vấn đề an ninh biển, truyền thống hay phi truyền thống phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, đặc biệt là mọi cách hành xử phải tuân thủ luật pháp quốc tế và những thỏa thuận đã có được như DOC, hướng tới COC. Đáp lại mong muốn của tất cả các Bộ trưởng Quốc phòng tại Hội nghị, tôi cũng đã thông báo những nét cơ bản Thỏa thuận Việt - Trung về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo vấn đề trên biển, được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thỏa thuận này không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam và Trung Quốc mà cho cả khối ASEAN và rộng hơn là các nước có lợi ích trong khu vực. Tất cả các Bộ trưởng Quốc phòng dự Hội nghị đều bày tỏ sự đánh giá cao đối với Thỏa thuận này. Họ hy vọng đây là nhân tố mới, mang tính chất động lực để hai nước giải quyết vấn đề còn tồn tại với nhau, đồng thời Việt Nam và Trung Quốc cùng tham gia giải quyết những vấn đề có tính chất đa phương và quốc tế ở Biển Đông.

Rõ ràng vấn đề Biển Đông cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như DOC. Thế nhưng, trước hết, tất cả các nước khác phải có cách hiểu giống nhau, các vận dụng giống nhau về luật pháp quốc tế. Có như vậy luật pháp quốc tế mới có tác dụng, còn nếu mỗi nước lại hiểu luật pháp quốc tế theo cách hiểu của mình, có lợi cho mình thì luật pháp quốc tế lúc đó là vô hiệu.

- Tại ADMM Hẹp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có gặp các Trưởng đoàn của các nước ASEAN. Trong cuộc gặp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói gì với các Trưởng đoàn các nước ASEAN?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhân chuyến thăm chính thức In-đô-nê-xi-a đã gặp 10 Trưởng đoàn ASEAN tham dự ADMM Hẹp là sáng kiến của nước chủ nhà In-đô-nê-xi-a. Tháng 5-2011, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 5, In-đô-nê-xi-a cũng đã bố trí để các Trưởng đoàn các nước ASEAN có cuộc gặp tương tự với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. 

Trong buổi gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu và khẳng định đánh giá của Chính phủ và Quốc hội Mỹ, của Bộ Quốc phòng Mỹ về vị trí, vai trò của châu Á - Thái Bình Dương nói chung, cũng như Đông Nam Á nói riêng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, dù còn khó khăn về tài chính, kinh tế và các vấn đề khác, nhưng Mỹ vẫn sẽ hiện diện lâu dài ở khu vực này để đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và sự hiện diện của Mỹ, dù là hiện diện bằng kinh tế, chính trị hay thậm chí quân sự, nhưng cũng đều là sự hiện diện hòa bình, không có xung đột, gây xung đột, gây mất ổn định.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L. Pa-nét-ta cũng bày tỏ mong muốn giải quyết ổn thỏa, lâu dài các vấn đề an ninh biển, trong đó có an ninh trên Biển Đông. Ông Pa-nét-ta cũng hoan nghênh quan điểm của các nước ASEAN là giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982. Đoàn Việt Nam đồng tình với ý kiến của ông Pa-nét-ta nhưng cũng nhắc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng, Mỹ chưa ký UNCLOS 1982. Ông Pa-nét-ta cho hay, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng như chính phủ Mỹ, Tổng thống Ô-ba-ma mong muốn ký UNCLOS 1982. Tuy nhiên, do sự phức tạp của nền chính trị Mỹ nên chưa ký được. Sắp tới đây vấn đề này sẽ được đưa ra Thượng viện và ông Pa-nét-ta hy vọng Mỹ sẽ sớm đặt bút ký vào Công ước

- Vậy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có quan tâm tới thỏa thuận Việt Nam - Trung Quốc vừa mới ký kết?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Sau cuộc gặp, ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có trao đổi riêng với tôi như thế này: Nước Mỹ đánh giá rất cao Thỏa thuận đạt được giữa Việt Nam và Trung Quốc nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là những nội dung nói về tuân thủ luật pháp quốc tế. Ý thứ hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh là Mỹ ủng hộ và mong muốn thỏa thuận ấy biến thành hiện thực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, điều này sẽ đem lại lợi ích cho Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.

- Lĩnh vực đối ngoại quốc phòng của Việt Nam sẽ được triển khai như thế nào để thực hiện tốt Thỏa thuận Việt- Trung nói trên?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Có thể thấy ngay, thỏa thuận này là một thành công lớn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Nó đã làm dịu đi tình hình, làm bớt đi căng thẳng do những khác biệt, xung đột gây ra trên Biển Đông. Thứ hai, chúng ta nhắc lại một lần nữa những quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước về việc xử lý vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thứ ba, chúng ta khẳng định được tính độc lập tự chủ của Việt Nam khi chúng ta nói rằng, mọi vấn đề phải được xử lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982, phải tôn trọng lợi ích của các nước trong khu vực, phải công khai minh bạch. 

Với những người làm công tác quốc phòng thì đây là thành công rất lớn. Chúng ta tìm được, khẳng định được con đường hai bên đều chấp nhận, đó là xử lý vấn đề bằng luật pháp quốc tế và bằng biện pháp hòa bình. Đây là vấn đề rất quan trọng. Trên cơ sở thỏa thuận ấy thì chúng ta tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng. Chúng ta phải tăng cường giao lưu quốc phòng, từ cấp Bộ trưởng cho tới các cấp khác trong các quân, binh chủng. Thứ hai, chúng ta tăng cường hợp tác Hải quân với Trung Quốc, chấp hành nghiêm nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Thứ ba, chúng ta tìm các giải pháp để xử lý từng bước vấn đề trên biển. Chúng ta phải thực hiện rất gương mẫu, nghiêm chỉnh Thỏa thuận này, và chúng ta cũng yêu cầu các bạn Trung Quốc thực hiện nghiêm thỏa thuận. Hợp tác quốc phòng sẽ phải phục vụ đắc lực cho Thỏa thuận này.

- Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng.


Nguồn: Bảo Trung - Nguyễn Hòa/Báo QĐND

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.