Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Bảy, 28/09/2013, 16:38 (GMT+7)
Thế giới tuần qua: Nguội dần nhiều điểm nóng

Tình hình tại nhiều “điểm nóng” trên thế giới đang có dấu hiệu “nguội” dần. Từ Syria, tới Iran, bán đảo Triều Tiên hay Cam-pu-chia… những sự cố, căng thẳng đang được giải quyết bằng sự nỗ lực từ bên trong, cũng như sự trợ giúp từ thiện chí của cộng đồng quốc tế…

 

1- Tình hình tại Cam-pu-chia đang dần đi vào ổn định sau khi ông Sam Rainsy, trong cuộc họp các quan chức cấp cao Đảng Cứu nguy dân tộc Cam-pu-chia (CNRP), ngày 26-9, đã nói rằng CNRP sẽ tìm cách nối lại các cuộc đàm phán với Đảng Nhân dân Cam-pu-chia (CPP) cầm quyền, đồng thời không loại trừ khả năng CNRP sẽ tham gia Quốc hội khóa V.

Trong một động thái khá mạnh mẽ trước đó, ngày 25-9, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh tuyên bố Lực lượng vũ trang Hoàng gia sẵn sàng bào vệ Hiến pháp Vương quốc nếu phe đối lập tổ chức biểu tình bất hợp pháp. Ông Tea Banh nhấn mạnh hiện nay không ai có thể phá hoại được Hiến pháp và các lực lượng vũ trang Cam-pu-chia đã sẵn sàng tại Phnôm Pênh để thực hiện sứ mạng này.

Sáng 23-9, Quốc vương Cam-pu-chia Noroddom Sihamoni đã ký sắc lệnh Hoàng gia bổ nhiệm ông Hun Sen làm Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ V. Như vậy, ông Hun Sen, 61 tuổi sẽ tiếp tục giữ trọng trách Thủ tướng đến năm 2018. Trong phiên họp ngày 24-9, Quốc hội Cam-pu-chia đã thông qua danh sách thành phần Chính phủ Hoàng gia gồm 27 bộ trưởng do Thủ tướng Hun Sen trình, bất chấp việc 55 nghị sĩ CNRP đối lập tẩy chay phiên họp vì không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử hôm 28-7 vừa qua. Cũng trong ngày 25-9, Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Sen đã tiến hành cuộc họp nội các đầu tiên sau khi thành lập chính phủ nhiệm kỳ mới.

Các thành viên Nhóm thanh sát viên LHQ đã quay lại Syria. Ảnh: AFP

2- Liên quan tới tình hình Syria, sau nhiều tuần bế tắc ngoại giao, sáng 27-9 (theo giờ Việt Nam),  5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã đạt được thỏa thuận về một nghị quyết yêu cầu Syria tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này. Dự thảo quy định các biện pháp ràng buộc pháp lý về việc Syria tiêu hủy vũ khí hóa học, nhưng không đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự hoặc trừng phạt Syria. Các nhà ngoại giao cũng cho biết nghị quyết của HĐBA sẽ đề cập khả năng có hành động trong tương lai nếu Syria không tuân thủ cam kết.

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) khẳng định Syria đã hoàn thành việc giao nộp bản kiểm kê kho vũ khí hóa học trước hạn chót ngày 21-9.

Trong khi đó, tình hình tại Syria đã xuất những dấu hiệu khả quan hơn khi lãnh đạo Liên minh Dân tộc Syria (SNC) tuyên bố tổ chức này sẵn sàng tham gia một hội nghị được đề xuất ở Geneva với mục đích chấm dứt nội chiến. Đây là cam kết rõ ràng đầu tiên của SNC - một lực lượng được cả phương Tây và khối Arab ủng hộ về việc tham dự hội nghị ở Geneva. Tuy nhiên, nhiều nhóm đối lập khác ở Syria tuyên bố họ không hưởng ứng chừng nào Tổng thống Bashar al-Assad còn tiếp tục làm Tổng thống.

Cũng trong tuần qua, ngày 25-9, Nhóm thanh sát viên LHQ đã quay lại Syria để hoàn tất công tác điều tra cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. 

3- Những dấu hiệu về sự ấm lên trong quan hệ hai miền Triều Tiên đang thực sự ấm lên. Hàn Quốc đã tổ chức một hội thảo quốc tế về Triều Tiên để có những đánh giá chính xác từ nhiều góc độ, cả trong hiện tại và quá khứ để có các bước đi phù hợp trong tương lai.

Trong khi đó, nhiều hoạt động thiết thực cũng diễn ra. Hai bên đang đàm phán việc tăng cường các biện pháp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động Hàn Quốc tại khu công nghiệp chung Kaesong; kêu gọi hợp tác để nối lại việc tổ chức cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán trong chiến tranh.  

Người dân Đức bày tỏ ủng hộ với bà Angela Merkel. Ảnh: Reuters

4- Sau khi công bố kết quả cuối cùng trong cuộc tổng tuyển cử tại Đức, lãnh đạo nhiều quốc gia lại tiếp tục chúc mừng bà Angela Merkel khi liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của đương kim Thủ tướng A.Merkel đã giành được số phiếu cao nhất với tỷ lệ 41,5%. Với kết quả trên, CDU/CSU chiếm 311 trong tổng số 630 ghế của Quốc hội Đức, không hội đủ đa số tuyệt đối nên CDU/CSU vẫn phải tìm đối tác liên minh để cầm quyền. "Nhật báo Điện tín" của Anh ca ngợi, với việc sẽ giữ chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba, bà Merkel đã trở thành "một Margaret Thatcher của Đức".

Lực lượng an ninh đưa người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ảnh AP

5- Bóng đen bạo lực tiếp tục bao phủ Kenya sau vụ tấn công trung tâm thương mại cao cấp Westgate ở thủ đô Nairobi. Tối 25-9 (giờ địa phương), tại tỉnh Wajir đã xảy ra xả súng và đánh bom kép, khiến ít nhất một người thiệt mạng và ba người bị thương.

Vụ việc trên xảy ra chỉ một ngày sau khi Chính phủ Kenya tuyên bố cuộc bao vây khủng bố và giải cứu con tin trong vụ tấn công trung tâm thương mại Westgate đã kết thúc với những mất mát lớn khi có ít nhất 72 người thiệt mạng, gần 240 người bị thương và 63 người còn mất tích. Trung tâm thương mại Westgate đã bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều khu bị sập hoàn toàn. Tòa án Hình sự quốc tế tuyên bố sẽ hỗ trợ Kenya truy tố những kẻ tấn công trung tâm mua sắm Westgate, do mức độ tàn ác của vụ việc này.

Nhiều người dân Mỹ đã biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: AP

6- Nước Mỹ lại có thêm một vụ xả súng. Lần này vụ xả súng là căn cứ hải quân Washington Navy Yard, khiến 12 người thiệt mạng và 8 người khác bị thương. Sau mỗi lần như vậy nước Mỹ lại xảy ra cuộc tranh luận có hay không việc cho sử dụng súng một cách dễ dãi. Theo số liệu công bố mới đây của Cục Điều tra liên bang Mỹ, năm 2012 đã có 14.827 người bị giết và tỷ lệ trung bình 4,7 vụ giết giết người/100.000 dân. Ở Mỹ hiện có 310 triệu khẩu súng đang lưu hành trên thị trường, Mỹ là một trong những quốc gia sử dựng vũ khí nhiều nhất trên thế giới.

Cũng liên quan tới nước Mỹ, nhiều tài liệu liên quan tới chương trình theo dõi bí mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) được công bố cho thấy, NSA đã từng theo dõi nhiều nhân vật nổi tiếng phản đối Chiến tranh Việt Nam. Các nhà nghiên cứu tại Đại học George Washington công bố các tài liệu giải mật cho thấy NSA đã từng nghe lén biểu tượng dân quyền Martin Luther King và võ sĩ quyền anh hạng nặng Muhammad Ali cũng như nhiều nhân vật đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Chương trình nghe lén kéo dài 6 năm có mật hiệu "Minaret" đã từng bị phơi bày năm 1970, song những mục tiêu trong chương trình theo dõi này vẫn được giữ kín cho tới nay. Vào năm 1967, cao trào của phong trào chống chiến tranh ngay trong lòng nước Mỹ đã buộc Tổng thống Lyndon Johnson phải yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ điều tra có hay không việc các thế lực bên ngoài kích động biểu tình trong nước. NSA khi đó đã phối hợp với các cơ quan tình báo khác để lên "danh sách" những người chỉ trích phản chiến để nghe trộm các cuộc điện thoại từ nước ngoài của họ. Theo các nhà nghiên cứu công bố số tài liệu trên, việc lạm dụng chương trình do thám trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam còn vượt xa quy mô các chương trình hiện nay.

Nhiều sự thật về chương trình do thám của Washington tiếp tục bị phơi bày. Tờ "Hindu" của Ấn Độ số ra ngày 25-9 đưa tin NSA đã tiến hành do thám Đại sứ quán nước này tại thủ đô Washington và Văn phòng Đại diện Ấn Độ tại Liên hợp quốc (LHQ) bằng thiết bị giám sát tinh vi có thể sao lại các ổ đĩa cứng.

Cùng ngày 25-9, một nhóm nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ đã đề xuất một dự luật nhằm chấm dứt việc thu thập thông tin trái phép của NSA và đưa ra các công cụ mới để kiểm soát các chương trình nghe lén của cơ quan an ninh chính phủ. 

7- Sau những tranh cãi và căng thẳng, điểm nóng Iran cũng có dấu hiệu đang "nguội" hơn khi lãnh đạo Iran và Mỹ có cuộc điện đàm lịch sử. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 27-9 đã có cuộc điện đàm lịch sử. Đây là lần liên lạc cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ năm 1979 và được cho là một dấu hiệu chứng tỏ hai bên đều nghiêm túc trong việc tìm kiếm một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết hai nhà lãnh đạo đã chỉ đạo quan chức hai nước nỗ lực hợp tác để tiến tới một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân. 
Cùng ngày, phát biểu với báo giới tại New York, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cam kết nước ông sẽ thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình trong cuộc đàm phán hạt nhân. Ông cũng thông báo rằng trong hội nghị với nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) tại Geneva vào tháng tới, Iran sẽ đề xuất một kế hoạch mới nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi bấy lâu nay.  

NGUYỄN HÒA (Tổng hợp)

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.