Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Ba, 03/06/2014, 09:54 (GMT+7)
Ngày làm việc thứ 11, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII
Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Các đại biểu Quốc hội trao đổi ý kiến trong giờ giải lao. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Ngày 02-6, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 11. Các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án bảo đảm cân đối ngân sách Trung ương và địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.

Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc gắn với xây dựng nền kinh tế tự chủ

Thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đa số các đại biểu đồng tình báo cáo đánh giá của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, xu hướng ổn định của nền kinh tế nước ta vẫn chưa vững chắc, sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn, nguy cơ nợ công còn tiềm ẩn nhiều rủi ro... Nhất là, thời gian gần đây, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta, làm cho tình hình ở Biển Ðông căng thẳng, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội và tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài và việc sản xuất kinh doanh... Trước thực tế trên, Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã phản đối mạnh mẽ việc làm sai trái của phía Trung quốc; đồng thời triển khai nhiều biện pháp kiên trì đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Những việc làm nêu trên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Từ thực tế diễn biến căng thẳng ở Biển Ðông do Trung Quốc gây ra, các đại biểu QH đề nghị, thời gian tới, Ðảng, Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo các giải pháp kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, gắn xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững. 

Một số đại biểu cho rằng, trong kế hoạch năm 2014, chưa đề cập tình trạng phức tạp trong Biển Ðông. Do vậy, đề nghị Chính phủ có các kịch bản ứng phó với những tác động tiêu cực có thể xảy ra, làm ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trên cơ sở đó, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra trong năm 2014.

Ðề cập vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng: Các Hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài, để bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng của nền kinh tế Việt Nam. Có đại biểu đề nghị, cần tập trung đầu tư tàu đánh cá lớn cho ngư dân, trước mắt là các tỉnh trọng điểm, đáp ứng vừa đánh cá, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ðồng thời, tổ chức kiện toàn tổ chức các doanh nghiệp, các nghiệp đoàn lớn đánh cá trên biển để tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Hiện nay, chúng ta có 28 tỉnh, thành phố với hơn một triệu ngư dân, nếu tổ chức tốt thì đất nước có một thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo. Một số đại biểu nêu ý kiến tán thành quan điểm của Chính phủ về việc tiếp tục duy trì phát triển quan hệ với thị trường quốc tế trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi. Ðồng thời, đề nghị kiểm soát chặt chẽ chất lượng độ an toàn của hàng hóa nhập khẩu, xử lý nghiêm các vi phạm như nhập lậu, hàng giả, sản phẩm độc hại, cảnh giác và có giải pháp xử lý phù hợp, triệt để các hiện tượng thu gom nông sản bất bình thường để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường. Hỗ trợ kịp thời để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển nông nghiệp

Một số đại biểu cho rằng, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở nước ta thời gian qua giảm sút, nền kinh tế nước ta còn phụ thuộc vào một số nước lớn; bội chi ngân sách còn cao, trong đó nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, khiến một số lượng lớn lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống... Do vậy, thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo kiên trì việc ổn định kinh tế vĩ mô, quan tâm xây dựng nền kinh tế độc lập; Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Ðẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn ODA; có giải pháp kiểm soát tốt nguồn vốn ngân hàng. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp chống trượt giá, hụt thu và chống vàng hóa, đô-la hóa trong nền kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đưa vào sản xuất, kinh doanh; tăng cường kiểm tra thị trường, chống hàng giả, hàng nhái. Cùng với đó, Chính phủ cần xây dựng hành lang pháp lý, xây dựng đặc khu kinh tế theo hướng tự quản, tự chịu trách nhiệm. 

Ðề cập vấn đề này, đại biểu Hà Sĩ Ðồng (Quảng Trị) và một số đại biểu khác cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải vừa tập trung bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, vừa phải đẩy mạnh cải cách thể chế để kinh tế phát triển. Thời điểm khó khăn hiện nay cũng chính là thời cơ để tái cơ cấu kinh tế, trong đó, Chính phủ cần hỗ trợ mạnh hơn cho nông dân để tìm kiếm thị trường mới, nâng cao chất lượng hàng hóa. Trong đó, cần hướng dẫn các địa phương tái cơ cấu nông nghiệp, quan tâm phát triển công nghệ sinh học, công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. 

Ðại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Bắc Giang) nêu thực trạng: Trong xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, Việt Nam có bảy sản phẩm trong tốp đầu thế giới; về năng suất, có 12 loại cây, con cho năng suất thuộc hàng đầu thế giới... Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân còn thấp, tốc độ phát triển nông nghiệp có xu hướng giảm dần... Theo đại biểu này, muốn phát triển nông nghiệp, cần chú trọng đổi mới các khâu trước và sau người nông dân, đó là đầu vào vật tư nông nghiệp và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Làm tốt hai khâu này thì công tác hỗ trợ nông dân sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Trong thời gian tới, đề nghị ngành nông nghiệp cần tập trung quy hoạch phát triển cây, con theo hướng chú trọng những lợi thế đang có của nền sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghiệp phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp... Bên cạnh đó, cần có cơ chế tiêu thụ sản phẩm có quy mô lớn, đồng bộ cho người nông dân; nghiên cứu sản xuất những giống có chất lượng cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt; giúp người nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tại Phiên thảo luận, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đã thông báo tình hình sản xuất nông nghiệp 05 tháng đầu năm với nhiều tín hiệu vui (được mùa lúa ở cả ba miền, sản lượng thủy sản tăng, chăn nuôi phục hồi, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng)... Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận tăng trưởng nông nghiệp nói chung đang có chiều hướng giảm, tốc độ tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm; đồng thời, đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.

Phát biểu ý kiến tại Phiên thảo luận, nhiều đại biểu nhất trí với chủ trương của Chính phủ dành nguồn ngân sách 16.000 tỷ đồng cho lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư hoạt động và hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cao công suất tàu cá... Ðồng thời, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương tổng rà soát và tạm dừng triển khai các dự án chưa thật sự cần thiết để tập trung nguồn lực, tiềm lực cho quốc phòng - an ninh; tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an nhân dân. Ngoài ra, Chính phủ cần có Nghị quyết chuyên đề để siết chặt việc thu, chi, giảm việc mua xe ô-tô công, giảm các hội nghị, giảm các công trình xây dựng chưa thật sự cần thiết để tập trung nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ đã dùng các biện pháp giãn nợ, khoanh nợ, thành lập công ty quản lý tài sản làm nhiệm vụ mua nợ xấu từ các ngân hàng thương mại và trả bằng trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, các giải pháp này chưa giải quyết tận gốc, thực tế nợ xấu vẫn tồn tại, nó chỉ chuyển từ nguồn này sang nguồn khác...
Ðại biểu HUỲNH NGHĨA (Ðà Nẵng)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các ngân hàng thương mại dự kiến dành nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng giúp ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cao công suất tàu cá. Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu những mô hình cho ngư dân vay với lãi suất 0% cùng với việc quản lý tốt nguồn vay, bảo đảm các tổ chức tín dụng có thể thu hồi nợ gốc. Ngân hàng Nhà nước khẳng định nguồn vốn đã sẵn sàng, có thể giải ngân bất kỳ lúc nào khi có đầy đủ cơ sơ pháp lý.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam NGUYỄN VĂN BÌNH

Việt Nam hiện có quan hệ xuất, nhập khẩu với hơn 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung vào một số đối tác chính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước ASEAN và Trung Quốc. Hiện nay, các đối tác lớn đều quan tâm Việt Nam và rất nhiều khối kinh tế, kể cả Liên minh châu Âu, các nước châu Á - Thái Bình Dương rất mong muốn đàm phán và thỏa thuận các hiệp định hợp tác kinh tế với Việt Nam. Chúng ta đã ký tám hiệp định thương mại tự do và đồng thời đang đàm phán để ký kết tiếp sáu hiệp định nữa. Theo đó, về cơ bản những đối tác kinh tế quan trọng nhất đều có các hiệp định thương mại tự do và qua đó sẽ góp phần tạo thuận lợi thêm cho hàng hóa Việt Nam có thể xâm nhập được vào các thị trường khác.

Bộ trưởng Công thương VŨ HUY HOÀNG

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore
Phát biểu chính sách trước đông đảo giáo sư, giảng viên và sinh viên nhà trường, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh hai nước đang sống giữa những biến đổi nhanh chóng chưa từng có của kỷ nguyên số, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, Internet vạn vật… Tất cả những điều này đang định hình lại cách sống, làm việc và kết nối.