Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 06/11/2013, 10:11 (GMT+7)
Ngày làm việc thứ 13, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII
Thảo luận những nội dung quan trọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu ý kiến thảo luận tại Hội trường.
Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Ngày 05-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII bước sang ngày thứ 13, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Khẳng định Ðảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội

Mở đầu ngày làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại tổ. 

Thảo luận tại hội trường về các nội dung quan trọng của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, cơ bản tán thành với nhiều nội dung đã được bổ sung, chỉnh lý trong Dự thảo lần này, và cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thể chế hóa được những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH bổ sung, phát triển năm 2011, và nghị quyết của Ðảng. Hơn nữa, đã tiếp tục khẳng định rõ về bản chất, mô hình tổng thể của chế độ chính trị; bổ sung và phát triển, làm rõ hơn về nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) đã khẳng định rõ hơn những nội dung cơ bản và phát huy dân chủ XHCN, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Các đại biểu: Trần Ðình Thu (Gia Lai), Ðỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh)... phát biểu ý kiến bày tỏ thống nhất cao về các quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, quy định về thể chế chính trị, trong đó xác định nhà nước ta là nhà nước XHCN là thể hiện rõ bản chất giai cấp của nhà nước. Nhiều ý kiến phát biểu (Nguyễn Thị Thanh - Ninh Bình; Tô Văn Tám - Kon Tum; Trần Văn Tấn - Tiền Giang; Mã Ðiền Cư - Quảng Ngãi; Hòa thượng Thích Chơn Thiện - Thừa Thiên - Huế...) tán thành Ðiều 4 của dự thảo quy định Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đối với Nhà nước và xã hội; có ý kiến đề nghị quy định Ðảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tán thành Dự thảo đã bổ sung trách nhiệm của Ðảng trước nhân dân và trước pháp luật. Theo đại biểu Ðỗ Thị Hoàng, tại Khoản 2 đã quy định Ðảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình; đồng thời bổ sung vào Khoản 3 nêu các tổ chức của Ðảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Những nội dung mới này vừa khẳng định cương lĩnh của Ðảng, vừa phù hợp nguyện vọng, mong muốn của nhân dân và của xã hội. Ðây được coi là yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức Ðảng và đảng viên và là điều kiện, cơ sở để nhân dân giám sát hoạt động của Ðảng và của đảng viên.

Ðổi mới tổ chức chính quyền địa phương

Trong thảo luận, nhiều ý kiến phát biểu đã đề cập quy định tại Chương IX về Chính quyền địa phương. Một số đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn, xác định rõ mô hình chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính (chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) cần phù hợp với thực tiễn hiện nay. Nhiều đại biểu tán thành sự cần thiết phải đổi mới mô hình chính quyền địa phương để thể chế hóa các nghị quyết của Ðảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Ðây là một vấn đề quan trọng cần được xem xét cả về lý luận và thực tiễn. Việc tổ chức chính quyền địa phương đã được đề cập tại Chương IX của Dự thảo. Nội dung này đã bám sát Văn kiện của Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X và XI, trong đó phân định lại thẩm quyền đối với chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo; và Kết luận 64 của Hội nghị lần thứ 7 Trung ương Ðảng Khóa XI nghiên cứu về tổ chức chính quyền địa phương, có sự phân biệt chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Ðại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) và một số đại biểu khác cho rằng, nội dung này lần đầu được đề cập trong Hiến pháp, qua đây đề cao vai trò của địa phương, cơ sở; chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm mô hình của từng địa bàn dân cư khác nhau. Thời gian tới, trên cơ sở quy định của Hiến pháp, cần tiếp tục xem xét, sửa đổi Luật Tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban nhân dân (UBND) nhằm quy định cụ thể về mô hình chính quyền địa phương phù hợp hơn.

Bày tỏ đồng tình về sự cần thiết có một sự phân biệt giữa các loại chính quyền, tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Ðức Châu (Quảng Trị) cũng cần phân biệt về thẩm quyền, phân biệt về tổ chức. Vì vậy đề nghị tại Khoản 1, Ðiều 111 thể hiện như sau: Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, có thẩm quyền, nhiệm vụ phù hợp đặc điểm nông thôn và đô thị. Việc tổ chức chính quyền ở hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Về tổ chức chính quyền địa phương, đơn vị hành chính, Khoản 1, Ðiều 110 quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Ðại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) và một số đại biểu khác cho rằng cần quy định rõ đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt này thành lập ở cấp nào, cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã. Việc có nhiều đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt làm cho hệ thống pháp luật Việt Nam thiếu thống nhất. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cân nhắc và quy định cụ thể trong Hiến pháp. Theo đại biểu Nguyễn Viết Nhiên, hiện nay chúng ta đang tổ chức thí điểm không tổ chức HÐND cấp quận, huyện, phường và chưa tổng kết, do đó tán thành với quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như dự thảo, qua đây sẽ tạo sự linh hoạt cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương và tạo điều kiện cho sự thành lập chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn sau này.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh, xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu quả là cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định tại Chương IX có cấp chính quyền có HÐND, có cấp chính quyền không tổ chức HÐND. Nếu bỏ HÐND ở một cấp chính quyền nào đó là đã hạn chế quyền làm chủ của nhân dân. Qua thực tế thí điểm không tổ chức quận, huyện, phường ở một số địa phương cho thấy, đa số địa phương đề nghị giữ HÐND ở cả ba cấp chính quyền địa phương như hiện nay và cần thí điểm làm cho HÐND mạnh lên. Ðại biểu Trần Minh Diện (Quảng Bình) đề nghị tổ chức chính quyền địa phương với ba cấp đầy đủ (nghĩa là có HÐND và UBND); chính quyền của nhân dân phải do nhân dân bầu. Hòa thượng Thích Chân Thiện và đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cũng đồng tình ý kiến nêu trên.

Cần quy định cụ thể về thu hồi đất đai

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành quy định về sở hữu đất đai như Dự thảo, nêu rõ sở hữu toàn dân về đất đai là quan điểm nhất quán của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định trong Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992. Vấn đề sở hữu đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội quan trọng.

Nhiều đại biểu tán thành quy định về thu hồi đất trong Hiến pháp, vì quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân do đó cần được quy định thật chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Ðây là cơ sở quan trọng để quy định trong Luật Ðất đai, nhằm tránh việc lạm dụng thu hồi tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong điều kiện phát triển kinh tế nước ta hiện nay, vẫn cần phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đại biểu nêu, đây là vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm, theo dõi, mong đợi bản Hiến pháp (sửa đổi) và Luật Ðất đai (sửa đổi) lần này sẽ tháo gỡ được những vấn đề bất cập hiện nay. Về nội dung vấn đề thu hồi đất được nêu tại Ðiều 54 trong Dự thảo, một số đại biểu kiến nghị cần quy định thế nào là "trong trường hợp thật cần thiết", để tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan, hơn nữa phải bảo đảm tính hài hòa giữa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người có quyền sử dụng đất bị thu hồi. Ðại biểu Nguyễn Viết Nhiên và một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Ðại biểu Mã Ðiền Cư nhận xét, quy định tại Khoản 3 Ðiều 54 là chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ. Ðại biểu này đặt vấn đề: Thu hồi đất phục vụ lợi ích của ai? Cần quy định cho rõ.

Một số đại biểu cho rằng, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án, cần phải bảo đảm quyền và lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất, giảm bớt đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân lên các cấp chính quyền.

Nhiều ý kiến phát biểu bày tỏ sự tán thành quy định của Dự thảo tại Ðiều 10 về công đoàn Việt Nam; quy định tại Ðiều 51 về các thành phần kinh tế, trong đó khẳng định: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Đại biểu TRẦN ĐÌNH THU (GIA LAI):

Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, tôi bảo lưu ý kiến đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: Ðảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội, khẳng định tiếp tục sự kế thừa của các bản Hiến pháp trước đây. Về các thành phần kinh tế, cơ bản chúng tôi tán thành với quy định đã được dự thảo Hiến pháp nêu, đó là nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Bởi vì trong giải trình đã nêu rõ: kinh tế nhà nước không đồng nhất với doanh nghiệp nhà nước.

Ðại biểu LÊ ÐẮC LÂM (BÌNH THUẬN):

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định rõ về bản chất, mô hình tổng thể của chế độ chính trị. Bổ sung, phát triển và làm rõ hơn về nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ðồng thời, khẳng định rõ hơn những nội dung cơ bản và phát huy dân chủ XHCN, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Ðại biểu HUỲNH NGỌC ÐÁNG (BÌNH DƯƠNG):

Tôi nhận thấy Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp thu ý kiến của nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Những ý kiến giải trình nhìn chung là thẳng thắn và thỏa đáng, các nội dung tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung vào Dự thảo Hiến pháp cơ bản là hợp lý, đã trân trọng tiếp thu những ý kiến hết sức tâm huyết và trí tuệ của nhân dân.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.