Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 10/07/2013, 11:47 (GMT+7)
Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam – Lào
Thành quả của tình bạn, tình đồng chí thủy chung, son sắt

Ngày 09-7, Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam – Lào diễn ra tại cửa khẩu Thanh Thủy (tỉnh Nghệ An) - Nậm On (tỉnh Bo Ly Khăm Xay). Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nhân dân hai nước, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên giới, củng cố an ninh - quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, vì một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Thoong-Sỉnh Thăm-mạ-vông tham dự buổi lễ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thoong-Sỉnh Thăm-mạ-vông tại Lễ khánh thành cột mốc đại số 460.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: vấn đề biên giới lãnh thổ được lãnh đạo hai Đảng và Chính phủ hai nước đặc biệt quan tâm, coi trọng và chỉ đạo sát sao. Ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến vĩ đại, hai bên đã liên tục nỗ lực hợp tác, sát cánh cùng nhau tổ chức quản lý, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế đồng thời phù hợp với thực trạng đường biên giới và mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.

“Lễ khánh thành “Cột mốc đại 460” tại Thanh Thủy - Nậm On hôm nay đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới trên thực địa. Đây là thắng lợi chung của hai nước chúng ta trong việc xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Sự kiện này trực tiếp tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế của hai tỉnh Nghệ An – Bo Ly Khăm Xay; đồng thời mở ra những cơ hội mới thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai nước và quốc tế vào khu vực này; đưa cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các du khách trong và ngoài nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Việc hoàn thành công tác cắm mốc giới quốc gia là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lâu dài trong quan hệ hai nước Việt Nam và Lào, là “hoa thơm, trái ngọt” được đơm kết từ quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào; là thành quả của tình bạn, tình đồng chí thủy chung, son sắt, thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Phát huy thành quả đạt được vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cơ quan, địa phương liên quan của hai nước cùng phấn đấu hoàn thành toàn bộ Dự án vào năm 2014 theo đúng thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó, quan trọng nhất là việc xây dựng, đàm phán và ký kết Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam – Lào; xây dựng, đàm phán, ký kết Hiệp định mới về Quy chế quản lý biên giới, Quy chế về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu đáp ứng công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, nhất là tạo thuận lợi cho việc giao thương, hợp tác phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng vùng biên giới; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các vùng biên giới và các cửa khẩu nhằm tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thiết thực mang lại đời sống tốt đẹp hơn cho nhân dân vùng biên giới.

Đồng tình với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Lào Thoong-Sỉnh Thăm-mạ-vông khẳng định mối quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt lâu đời giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã không ngừng được phát huy và phát triển đơm hoa kết trái. Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Lào - Việt Nam thể hiện nguyện vọng thiết tha làm cho đường biên giới hai nước rõ ràng và chính xác, vĩnh viễn trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác vì sự phồn thịnh của nhân dân và là tài sản vô giá truyền lại cho các thế hệ nhân dân hai nước tiếp tục kế thừa. Nhân dịp này, Thủ tướng Lào Thoong-Sỉnh Thăm-mạ-vông biểu dương Ủy ban Liên hợp cắm mốc biên giới hai nước, các cặp tỉnh biên giới và nhân dân hai nước đã đóng góp tích cực thực hiện thành công tốt đẹp dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước trên thực địa. Thủ tướng Lào Thoong-Sỉnh Thăm-mạ-vông kêu gọi cán bộ và nhân dân hai nước đóng góp hết sức mình vào việc bảo vệ gìn giữ cột mốc biên giới, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cũng như giúp đỡ lẫn nhau trên mọi mặt vì sự phồn thịnh lâu dài của nhân dân hai nước.

 Tuyến biên giới Việt Nam-Lào dài tới 2.067km nhưng chỉ cắm 214 mốc, tương ứng 199 vị trí, mật độ mốc như vậy là quá thưa, gây khó khăn cho công tác nhận biết và quản lý biên giới. Thêm vào đó, hệ thống mốc được thiết kế và xây dựng chưa phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu ở khu vực biên giới như kích thước mốc nhỏ, chất lượng mốc chưa cao… nên sau hơn 20 năm xây dựng, phần lớn các mốc giới đã xuống cấp và hư hỏng. Hầu hết các mốc đã phải gia cố phần nền móng, có mốc phải sửa chữa nhiều lần gây tốn kém nhưng chưa bảo đảm ổn định. 

Trong những năm qua, hai bên đã mở và nâng cấp nhiều cửa khẩu cùng với các công trình mới được xây dựng khang trang, hiện đại, nhiều khu vực dân cư ở gần vùng biên giới đã phát triển mạnh mẽ, nên hệ thống mốc cũ không còn phù hợp, nhất là ở các khu vực cửa khẩu, nơi đông dân cư và nhiều người qua lại. Xuất phát từ thực tế trên, nhằm tăng cường hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước, phục vụ nhu cầu phối hợp quản lý biên giới ổn định lâu dài, góp phần củng cố bền vững mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, đồng thời để hoàn thiện chất lượng của đường biên giới và thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới giữa hai bên, lãnh đạo hai nước đã thống nhất cho phép triển khai xây dựng và thực hiện dự án “Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào”. Thời gian thực hiện dự án là trong giai đoạn 2008-2014. Đây được coi là một trong những nội dung hợp tác quan trọng giữa hai nước. 

   

Nguồn: qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore
Phát biểu chính sách trước đông đảo giáo sư, giảng viên và sinh viên nhà trường, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh hai nước đang sống giữa những biến đổi nhanh chóng chưa từng có của kỷ nguyên số, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, Internet vạn vật… Tất cả những điều này đang định hình lại cách sống, làm việc và kết nối.