Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:33 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự
Nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ), Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc trả lời phỏng vấn báo chí, đánh giá về hai năm Việt Nam làm thành viên HĐNQ Liên hợp quốc.
- Xin Thứ trưởng đánh giá về hai năm Việt Nam đảm đương vai trò thành viên HĐNQ của Liên hợp quốc?
- Trải qua 2/3 chặng đường làm thành viên HĐNQ, Việt Nam đã dần khẳng định hình ảnh, vai trò của mình tại diễn đàn nhân quyền hàng đầu của Liên hợp quốc, từng bước thể hiện vị thế đi lên với sự ghi nhận xứng đáng của bạn bè và cộng đồng quốc tế.
Mặc dù là thành viên lần đầu tiên tham gia HĐNQ nhưng Việt Nam đã thực sự chứng tỏ là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của HĐNQ, cùng các nước thành viên khác xử lý các thách thức chung của nhân loại trong lĩnh vực quyền con người. Hằng năm, Việt Nam đều có đoàn tham dự Hội nghị Cấp cao thường niên của HĐNQ. Đây là diễn đàn để chúng ta khẳng định thông điệp về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam cũng như những đóng góp có trách nhiệm của chúng ta trong việc xử lý các vấn đề nhân quyền trên toàn cầu. Tại hội nghị lần này, Đoàn Việt Nam tham gia phát biểu không chỉ ở các phiên thảo luận chung mà còn ở nhiều phiên thảo luận chuyên đề về các vấn đề thuộc ưu tiên của chúng ta như việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền con người, thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền… Chúng ta còn cùng với Ô-xtrây-li-a tổ chức một cuộc thảo luận bên lề về xây dựng môi trường làm việc cho người khuyết tật, chủ trì phiên thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu với quyền sức khỏe của người dân. Thông qua những hoạt động này, chúng ta đã lồng ghép được các quan tâm và ưu tiên của mình, chia sẻ các bài học và tranh thủ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực từ các nước và quốc tế cho công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
Hình ảnh tích cực của Việt Nam còn được thể hiện thông qua sự nghiêm túc của chúng ta trong thực hiện cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), cơ chế quan trọng nhất của HĐNQ. Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam không chỉ ở quá trình rà soát, báo cáo, đối thoại với các nước về tình hình nhân quyền Việt Nam, mà còn ở sự nghiêm túc của Việt Nam trong thực hiện các cam kết mà chúng ta chấp nhận. Trong đó, phải kể đến việc Thủ tướng Chính phủ thông qua Kế hoạch tổng thể về thực hiện 182/227 khuyến nghị UPR mà chúng ta chấp nhận, nhằm bảo đảm sự phối hợp thông suốt, đồng bộ giữa các bộ, ngành trong quá trình thực hiện các cam kết.
Hiện nay, Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò làm điều phối viên của ASEAN tại HĐNQ, làm thành viên tích cực của Nhóm các nước Đồng quan điểm, các Nhóm liên khu vực về quyền của người khuyết tật, tác động của biến đổi khí hậu với quyền con người... Với sự tín nhiệm của các nước trong Nhóm châu Á-Thái Bình Dương, từ năm 2016, Việt Nam trở thành đại diện của khu vực trong Nhóm làm việc về tình hình, nơi xem xét các kháng thư về nhân quyền do Nhóm làm việc cấp dưới đệ trình. Việt Nam cũng thường xuyên đối thoại xây dựng và thẳng thắn với Cao ủy Nhân quyền, các báo cáo viên, chuyên gia đặc biệt của HĐNQ. Chúng ta cũng sẽ sớm đón Báo cáo viên đặc biệt về quyền lương thực vào thăm Việt Nam. Đây là lần thứ 7 ta đón các chuyên gia, báo cáo viên đặc biệt từ năm 2010 đến nay.
- HĐNQ thường xuyên phải xử lý những vấn đề phức tạp và có tính nhạy cảm cao. Trong tình hình đó, Việt Nam xử lý như thế nào và có đóng góp gì?
- Tình hình thế giới thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. HĐNQ cũng chính là nơi diễn ra các cuộc thảo luận căng thẳng, thậm chí cọ xát giữa các nước, nhóm nước liên quan đến hàng loạt vấn đề nhức nhối, đó là việc bảo đảm quyền con người trước sự gia tăng của các cuộc xung đột, chủ nghĩa cực đoan, khủng hoảng di cư, dịch bệnh Ê-bô-la, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu... Mặc dù HĐNQ đang phát huy khá tốt hiệu quả trong xử lý các vấn đề này, nhưng thực tế đây đó vẫn nổi lên xu hướng chính trị hóa, gây sức ép trong quá trình thảo luận. Nhiều nước quá tập trung vào các nội dung dân sự, chính trị, coi nhẹ nội dung kinh tế, phát triển, do đó ảnh hưởng đến tính toàn diện của chương trình nghị sự.
Việt Nam tham gia HĐNQ với quan điểm đề cao đối thoại và hợp tác, cùng phấn đấu vì mục tiêu thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên cơ sở trao đổi, tôn trọng lẫn nhau. Hai năm qua, chúng ta đã vận dụng nhuần nhuyễn các cơ chế khác nhau của HĐNQ để khẳng định quan điểm này. Chúng ta xác định việc bảo đảm quyền con người trước hết là trách nhiệm của từng quốc gia và người dân của mỗi quốc gia sẽ tự quyết định biện pháp bảo đảm quyền con người, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, lịch sử, văn hóa-xã hội của họ. HĐNQ và hệ thống Liên hợp quốc cần kiến tạo một môi trường thuận lợi cho công cuộc đó.
Đoàn Việt Nam thường xuyên kêu gọi tinh thần đối thoại và hợp tác giữa các nước thành viên trong quá trình xử lý công việc tại HĐNQ. Chúng ta nhấn mạnh bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có sự đối thoại, hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để bảo đảm tính khả thi của các nghị quyết, kịp thời giải đáp những đòi hỏi về bảo đảm quyền con người trên thế giới. Chúng ta luôn kiên trì thúc đẩy sự xích lại gần nhau giữa các nước thành viên, và trong một số trường hợp cũng giúp thu được kết quả.
Đối thoại và hợp tác cũng đã mở ra cơ hội để Việt Nam xuất hiện và đóng góp ở nhiều nội dung quan tâm của khu vực và các nước đang phát triển, đặc biệt là các nội dung như bảo đảm quyền phát triển, chống bạo lực và phân biệt đối xử, chống buôn bán người, bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật... Đến nay, Việt Nam là đồng tác giả của hơn 30 nghị quyết về các nội dung này, góp phần nâng cao nhận thức chung của thế giới về các giá trị quyền con người.
- Việt Nam hiện đang tham gia nhiều cơ chế đa phương. Xin Thứ trưởng cho biết, việc tham gia HĐNQ có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam?
- Cùng sự tích cực tại các diễn đàn khu vực và quốc tế khác, việc tham gia HĐNQ đã từng bước khẳng định sự trưởng thành của đối ngoại đa phương của Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện hình ảnh, vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ nhất, từ khi là thành viên của HĐNQ, chúng ta thường xuyên được các nước tiếp cận, tham vấn, không chỉ ở Giơ-ne-vơ mà cả ở Niu Y-oóc và Hà Nội trước những vấn đề mang tính thời sự đang diễn ra trên thế giới. Có cả những nước lớn cũng cử quan chức đặc trách về quyền con người trực tiếp sang Việt Nam để tham vấn về HĐNQ. Ý kiến của Việt Nam được lắng nghe, ghi nhận và được nhiều nước tham chiếu trong quá trình quyết định bỏ phiếu.
Thứ hai, việc tham gia trách nhiệm, nghiêm túc và tích cực với tinh thần đề cao đối thoại và hợp tác đã củng cố hình ảnh một Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của các nước. Hai năm qua, chúng ta tạo dựng được quan hệ hợp tác hữu nghị, trao đổi chặt chẽ với tất cả 46 nước thành viên HĐNQ và nhiều nước quan sát viên ở cả 5 khu vực. Trên nhiều vấn đề, Việt Nam được xem là một trong những “cầu nối”, là “tác nhân xúc tác” cho việc thu hẹp bất đồng và nỗ lực tìm kiếm giải pháp cân bằng tại HĐNQ.
Thứ ba, việc tham gia HĐNQ cũng tạo điều kiện để ta phát huy vị thế tại các diễn đàn quốc tế khác có liên quan đến quyền con người, từ cấp độ khu vực như ASEAN cho đến Ủy ban 3, Đại hội đồng LHQ. Việt Nam đã thực sự thể hiện sự trưởng thành trong đối ngoại đa phương, từ chỗ “tham dự” đã thực sự chuyển sang “tham gia”, đóng góp thực chất vào quá trình thảo luận và xây dựng các văn kiện của LHQ và quốc tế về quyền con người. Những đóng góp cụ thể của Việt Nam tại HĐNQ tiếp tục được phản ánh và ghi nhận tại các diễn đàn lớn khác như Hội nghị Cấp cao về Phát triển bền vững hay Hội nghị COP21 về biến đổi khí hậu.
Thứ tư, ngày càng có nhiều nước thừa nhận và đánh giá cao các nỗ lực, thành tựu và bài học kinh nghiệm của Việt Nam về quyền con người nói chung và vai trò của Việt Nam tại HĐNQ nói riêng. Điều này được thể hiện trong các Tuyên bố chung, thông cáo báo chí nhân các chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo Việt Nam và của lãnh đạo các nước, mà điển hình nhất là Tuyên bố về Tầm nhìn chung giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Ô-ba-ma. Hàm lượng hợp tác về quyền con người đang dần rõ nét trong quan hệ đối ngoại về quyền con người giữa ta với các nước.
Bên cạnh thực tiễn đáng khích lệ này, chúng ta hiểu rằng việc tham gia HĐNQ vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước. Nhưng cho đến nay có thể khẳng định, việc tham gia HĐNQ là một quyết định đúng đắn. Chúng ta có điều kiện bảo vệ lợi ích đất nước tốt hơn, góp phần thúc đẩy hình ảnh và vị thế đất nước trong công tác đối ngoại nói chung và công tác đối ngoại về quyền con người nói riêng. Phát huy những kết quả đạt được trong hai năm qua, chúng ta tin tưởng vào thành công trong năm cuối là thành viên của HĐNQ, qua đó khẳng định vị thế mới của một Việt Nam tích cực, trách nhiệm, đang vững bước tiến về phía trước vì cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc của mọi người dân.
Nguồn: qdnd.vn
Trả lời phỏng vấn
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm
Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái