Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Năm, 20/06/2024, 11:40 (GMT+7)
Tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng không nhân dân

Chiều 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng không nhân dân. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng không nhân dân.

Theo đó, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp ngày 19-6 về dự án Luật phòng không nhân dân.

Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng

Trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng không nhân dân, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới. Phòng không nhân dân là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, từ Trung ương đến địa phương. Thế trận phòng không nhân dân là một bộ phận cấu thành, không tách rời của thế trận quốc phòng trong khu vực phòng thủ. 

Hoạt động tác chiến phòng không nhân dân là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta. Ngày nay, trong chiến tranh hiện đại, các phương án tác chiến tiến công đường không và phòng, chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại trong cục diện chiến trường. Từ đó đặt ra yêu cầu tiếp tục xây dựng lực lượng phòng không nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động phòng ngừa, xử lý hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không.

Luật Quốc phòng và các văn bản pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới quy định khung, mang tính nguyên tắc, đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng không nhân dân để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Công tác quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m đang được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, tàu bay không người lái đang được nghiên cứu, chế tạo, khai thác, sử dụng cho mục đích quân sự như một lực lượng tác chiến mới mang lại hiệu quả chiến đấu cao.

Đại tướng Phan Văn Giang trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng không nhân dân.
Ở trong nước, tình trạng sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh và an toàn, an ninh hàng không. Do vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Việc xây dựng luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 

Về quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật, trước hết là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành thống nhất của Chính phủ; sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ Quốc phòng; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động công tác phòng không nhân dân. Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cùng với đó, bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về công tác phòng không nhân dân đã được thực tiễn kiểm nghiệm vẫn còn phù hợp. Đồng thời bổ sung những quy định mới để giải quyết các vấn đề thực tiễn yêu cầu về công tác phòng không nhân dân đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Cùng với đó, phù hợp với thực tiễn và xu thế tác chiến phòng không hiện nay, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nguồn lực của đất nước để xây dựng, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ mật thiết giữa lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân và phòng không nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời.

Dự thảo Luật Phòng không nhân dân gồm 8 chương với 54 điều. Trong đó có các quy định chung; quy định về xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị cho phòng không nhân dân,...

Hồ sơ dự án luật được chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy định pháp luật

Thẩm tra dự án Luật Phòng không nhân dân, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn. Hồ sơ dự án luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của luật, đồng thời, dự thảo luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. 

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng không nhân dân.
Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định quan hệ phối hợp về phòng không nhân dân; tổ chức câu lạc bộ hàng không; nghiên cứu, quy định cụ thể về việc sử dụng công trình công cộng, dân sinh, công trình lưỡng dụng làm công trình phòng không nhân dân, trận địa phòng không nhân dân trong thời bình và thời chiến. Đồng thời quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và các chính sách của Nhà nước đối với các chủ thể có liên quan, phù hợp với thực tiễn, thống nhất và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo luật với các quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan để hoàn thiện đầy đủ các quy định về phòng không nhân dân, quy định về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và khu vực phòng thủ; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi.

Thảo luận ở tổ về dự án luật, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành rất cao với việc ban hành Luật Phòng không nhân dân. Theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông), vai trò của phòng không nhân dân đã được khẳng định trong lịch sử, thực tiễn. Việc ban hành Luật Phòng không nhân dân sẽ tạo hành lang pháp lý, tập trung nguồn lực đầu tư, trang bị, tổ chức cho lực lượng phòng không nhân dân.

Đại biểu Phạm Như Hiệp (Đoàn Thừa Thiên Huế) nhìn nhận, vị trí của phòng không nhân dân trong thế trận quốc phòng đã được khẳng định, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ thống phòng không tầm cao. Dự thảo luật đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, quy định của dự thảo luật bảo đảm chặt chẽ.

Phát biểu thảo luận tại tổ về nội dung này, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vai trò của phòng không nhân dân tiếp tục được khẳng định, phát huy, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đề cập đến tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, nếu sử dụng loại phương tiện này không đúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, an toàn hàng không. Vì vậy, cần có quy định cụ thể của pháp luật về loại phương tiện này, trong đó quy định về đăng ký kinh doanh, đăng ký bay,...

Phát biểu thảo luận tại tổ về nội dung này, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Thái Nguyên) chia sẻ về quy định của dự thảo luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m. Trong đó có việc bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, đồng thời phù hợp với công tác đầu tư trang bị.

Theo Đại tướng Phan Văn Giang, đối với các quy định, khái niệm về phương tiện, thiết bị hiện đại, bảo vệ mục tiêu của phòng không nhân dân,... cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật. Đại tướng Phan Văn Giang bày tỏ cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã tham gia ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo sẽ tích cực nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Sáng 18/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị.