Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Bảy, 30/07/2016, 13:47 (GMT+7)
Phê chuẩn bổ nhiệm năm Phó Thủ tướng, 21 Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; các thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh
Các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 ra mắt Quốc hội

HỘI ĐỒNG QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

CHỦ TỊCH: Trần Đại Quang

PHÓ CHỦ TỊCH: Nguyễn Xuân Phúc

CÁC ỦY VIÊN:

1. Nguyễn Thị Kim Ngân

2. Phạm Bình Minh

3. Ngô Xuân Lịch

4. Tô Lâm

CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ 2016 - 2021

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ:

Nguyễn Xuân Phúc

CÁC PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ:

1. Trương Hòa Bình

2. Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao

3. Vương Đình Huệ

4. Vũ Đức Đam

5. Trịnh Đình Dũng

CÁC BỘ TRƯỞNG, THÀNH VIÊN KHÁC CỦA CHÍNH PHỦ:

1. Bộ trưởng Quốc phòng

Ngô Xuân Lịch

2. Bộ trưởng Công an

Tô Lâm

3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Đỗ Văn Chiến

4. Bộ trưởng Tài chính

Đinh Tiến Dũng

5. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ

Chu Ngọc Anh

6. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Lê Minh Hưng

7. Bộ trưởng Y tế

Nguyễn Thị Kim Tiến

8. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông

Trương Minh Tuấn

9. Bộ trưởng Công thương

Trần Tuấn Anh

10. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo

Phùng Xuân Nhạ

11. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Mai Tiến Dũng

12. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư

Nguyễn Chí Dũng

13. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nguyễn Ngọc Thiện

14. Bộ trưởng Giao thông vận tải

Trương Quang Nghĩa

15. Bộ trưởng Nội vụ

Lê Vĩnh Tân

16. Bộ trưởng Tư pháp

Lê Thành Long

17. Bộ trưởng Xây dựng

Phạm Hồng Hà

18. Tổng Thanh tra Chính phủ

Phan Văn Sáu

19. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nguyễn Xuân Cường

20. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường

Trần Hồng Hà

21. Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội

Đào Ngọc Dung

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 28-7, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; nghe Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Sau đó, Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Trưởng ban Kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả kiểm phiếu. Cụ thể, chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV với 483 đại biểu Quốc hội tán thành, bằng 97,77% tổng số đại biểu Quốc hội; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV với 476 đại biểu Quốc hội tán thành, bằng 96,36% tổng số đại biểu Quốc hội; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV với 469 đại biểu Quốc hội tán thành, bằng 94,94% tổng số đại biểu Quốc hội; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV với 473 đại biểu Quốc hội tán thành, bằng 95,75% tổng số đại biểu Quốc hội; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV với 445 đại biểu Quốc hội tán thành, bằng 90,08% tổng số đại biểu Quốc hội.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm các bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ bằng cách bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu cho thấy, người đạt số phiếu cao nhất bằng 97,57%, người thấp nhất cũng đạt 80,97% tổng số đại biểu tán thành.

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 với 97,37% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành; thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 với 96,56% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ đã ra mắt Quốc hội.

Phát biểu ý kiến chúc mừng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ để đáp lại lòng tin tưởng của đồng bào cử tri cả nước và của các đại biểu Quốc hội đã quyết định việc phê chuẩn bổ nhiệm các thành viên Chính phủ.

Cũng trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Sau đó, Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ban kiểm phiếu đã công bố kết quả, theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã được phê chuẩn làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh với 98,78% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Các Ủy viên gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với 98,78% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, với 98,58% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành; Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, với 98,58% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành; Bộ trưởng Công an Tô Lâm, với 98,58% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Sau đó, với 96,56% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Đầu giờ làm việc buổi chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. Sau đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu cho rằng: Chính phủ, các bộ, ngành và nhiều địa phương đã có giải pháp quyết liệt đối với việc thu, chi ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội. Do vậy, năm 2014, nền kinh tế đất nước đã có bước phục hồi tốt. Tuy vậy, đất nước còn nhiều khó khăn, thử thách, nhất là do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Theo đại biểu, trong Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 của Chính phủ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước đã thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội là chưa sát thực tế, chưa nhìn thẳng vào sự thật để làm rõ yếu tố khách quan, chủ quan, nguyên nhân trong việc quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, do vậy sẽ không khắc phục được những hạn chế, bất cập trong việc thu, chi ngân sách nhà nước. Trong khi đó, Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 của Tổng Kiểm toán Nhà nước đề cập đến nhiều sai sót, chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật trong việc quản lý thu, chi ngân sách nhà nước của nhiều địa phương, đơn vị.

Do vậy, thời gian tới, các đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần nhìn nhận việc thực thi pháp luật của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, những vấn đề xuất phát từ chủ quan cần phải xem lại vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương để xử lý kịp thời. Đồng thời, rà soát thực tế những thiếu sót, bất cập từ thực tế quản lý ngân sách nhà nước; Luật ngân sách nhà nước có những nội dung chưa sát thực tiễn, nhất là việc phân cấp quản lý ngân sách nhà nước chưa rõ ràng, chưa tạo nên tính tự chủ, ý thức trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong quản lý việc thu, chi ngân sách nhà nước.

Đề cập vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho kiểm tra, thanh tra những địa phương, đơn vị vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước được nêu trong Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. Những địa phương, đơn vị có sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước lặp đi lặp lại nhiều lần cần phải xem xét, xử lý kịp thời. Đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước nếu cần thiết phải đưa ra xem xét hình sự, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao hiệu quả của hoạt động Quốc hội cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề. Sau đó, Quốc hội biểu quyết với đa số đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (2011 - 2016); và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước (2011 - 2016).

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.