Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Hai, 28/10/2013, 21:22 (GMT+7)
Phát biểu khai mạc ABU GA 50 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Sáng 28-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự Lễ khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 50 Hiệp hội Phát thanh – Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương (ABU GA 50). Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng.

 

Thưa ngài Naoji Ono, Quyền Chủ tịch và các vị Lãnh đạo Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương,

Thưa quý vị và các bạn,

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Phiên khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 50 của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương, với chủ đề “Phục vụ khán giả trong kỷ nguyên số” được tổ chức tại thủ đô Hà Nội – Thành phố vì Hòa bình, mến khách và ngàn năm văn hiến của Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng quý vị và các bạn tới dự Kỳ họp quan trọng nhất trong năm của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương, do Đài Truyền hình Việt Nam đăng cai tổ chức.

Tôi được biết, Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương (ABU) đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Trong gần nửa thế kỷ qua, với mục tiêu hoạt động là hỗ trợ phát triển chuyên ngành phát thanh truyền hình và khuyến khích hợp tác giữa các tổ chức thành viên, phục vụ cho hơn 4 tỉ khán thính giả trên toàn thế giới, ABU đã trở thành một Hiệp hội chuyên ngành có uy tín, có nhiều đề xuất, khởi xướng và thực hiện được nhiều khuyến nghị, nhiều dự án hợp tác có giá trị thực tiễn cao, giúp nâng cao năng lực hoạt động và tầm ảnh hưởng của các tổ chức phát thanh truyền hình thành viên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương năng động và phát triển. Tôi nhiệt liệt chúc mừng những thành tích, những kết quả có ý nghĩa rất quan trọng đó của Hiệp hội.

Thưa quý vị và các bạn,

Trong thời đại ngày nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ số và truyền thông hội tụ đang hình thành một kỷ nguyên truyền thông mới, thu hẹp những khoảng cách về không gian và thời gian. Nhờ dòng dữ liệu số, khán giả có thể xem các chương trình truyền hình ở bất cứ nơi đâu, trên đa dạng các loại hình thiết bị thu nhận.

Có thể nói rằng, tiến trình số hóa đang là xu hướng tất yếu để các đài phát thanh truyền hình trên thế giới hướng tới nhằm nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, nhiều chiều của khán thính giả. Đây thực sự là cơ hội thuận lợi cho sự phát triển, nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ, đòi hỏi các cơ quan truyền thông đại chúng, các tổ chức phát thanh truyền hình phải luôn năng động, sáng tạo và hợp tác hiệu quả hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán thính giả.

Nhận thức rõ xu hướng phát triển đó, Chính phủ Việt Nam đã luôn ưu tiên, dành sự quan tâm đầu tư và có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của ngành phát thanh truyền hình Việt Nam, theo hướng hiện đại hóa về công nghệ, chuyên nghiệp hóa về hoạt động sản xuất chương trình, đa dạng hóa về thể loại và loại hình dịch vụ.

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế nhằm không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả của phát thanh truyền hình trong công tác thông tin tuyên truyền, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc, và tăng cường hữu nghị, hợp tác với các quốc gia, các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt và triển khai đề án số hóa phát thanh truyền hình Việt Nam đến năm 2020, nhằm chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số.

Thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số truyền hình, từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân.

Phát triển hài hòa, hợp lý các loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình. Khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã ban hành và xu hướng phát triển trên thế giới.

Thưa quý vị và các bạn,

Tôi tin tưởng rằng Kỳ họp lần này, với chủ đề “Phục vụ khán giả trong kỷ nguyên số” sẽ là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các diễn giả và các nhà quản lý cấp cao đến từ các tổ chức thành viên, các đối tác liên kết của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương có thể trao đổi, thảo luận, chia sẻ nhận thức, xu thế, tầm nhìn và đề ra phương hướng mang tính chiến lược; cũng như các chương trình hành động cụ thể, thiết thực nhằm phát triển ngành phát thanh truyền hình, tăng cường hợp tác song phương, đa phương giữa các tổ chức thành viên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin nhanh, chính xác, đa dạng về mọi mặt của đời sống xã hội, của khán thính giả trên thế giới và đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác phát triển giữa các quốc gia, các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.

Với những ý nghĩa nêu trên, tôi trân trọng tuyên bố khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 50 Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương.

Chúc quý vị và các bạn sức khỏe, hạnh phúc,

Chúc Kỳ họp thành công tốt đẹp,

Xin trân trọng cám ơn.

 

Nguồn: chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.