Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Năm, 28/11/2013, 13:56 (GMT+7)
Ph. Ăng-ghen - Nhà tư tưởng giáo dục lỗi lạc

Ngày 28-11-1820 tại thành phố Barmen, tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ, trong một gia đình chủ xưởng dệt, Ph. Ăng-ghen được sinh ra, để rồi sau đó trở thành một trong những nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc nhất trong lịch sử xã hội loài người; là người bạn, người đồng chí gần gũi nhất của C. Mác, cùng với C. Mác sáng lập nên chủ nghĩa Mác, học thuyết khoa học và cách mạng, hệ tư tưởng cách mạng, vũ khí tư tưởng lý luận của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ tư bản, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. Với những công lao to lớn của mình, Ph. Ăng-ghen đã “khắc luôn cả tên mình những chữ không bao giờ phai mờ được” vào chủ nghĩa Mác. 

Từ ngày vận mệnh giữa C. Mác và Ph. Ăng-ghen gắn liền với nhau, thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn lớn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên, muốn hiểu Ph. Ăng-ghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của C. Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại; đồng thời, muốn hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày chủ nghĩa Mác một cách hoàn chỉnh thì phải hiểu những tác phẩm và hoạt động của Ph. Ăng-ghen. Ph. Ăng-ghen đã thể hiện phẩm chất tuyệt vời của một thiên tài cộng sản khi khiêm tốn cho rằng: Không có ông thì C. Mác vẫn có thể làm được những điều ông làm, nhưng điều mà C. Mác làm thì ông không thể làm được; C. Mác đã “đứng cao hơn, nhìn xa hơn, rộng hơn và nhanh hơn tất cả”. C. Mác là một thiên tài, nếu không có C. Mác thì lý luận khó mà được như ngày nay, vì vậy, lý luận đó mang tên C. Mác là “điều chính đáng"[1].

Ph. Ăng-ghen. Ảnh: Tư liệu

 
Với trí tuệ sáng suốt của một “bộ óc bách khoa”, với tầm hiểu biết sâu rộng và sự lăn lộn trong thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản, Ph. Ăng-ghen đã có những cống hiến đặc biệt to lớn trên các lĩnh vực triết học, lịch sử, khoa học quân sự, khoa học tự nhiên, chiến lược và sách lược đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản. Cùng với C. Mác, Ph. Ăng-ghen đã lao động không biết mệt mỏi, xây dựng cơ sở lý luận nền tảng cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản - chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản và chỉ ra con đường, phương hướng và những điều kiện, biện pháp để thực hiện sứ mệnh lịch sử ấy. Những cống hiến của Ph. Ăng-ghen là khoa học thực sự và cách mạng triệt để, có ý nghĩa thời đại rất to lớn. Sau C. Mác, Ph. Ăng-ghen là “nhà bác học và là người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”, ông là "cây vĩ cầm thứ hai" bên cạnh C. Mác.

Trong lĩnh vực giáo dục, Ph. Ăng-ghen cũng có những cống hiến đặc biệt nổi bật, cùng với C. Mác, đã đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng và phát triển nền giáo dục vô sản.

Ph. Ăng-ghen cho rằng, mỗi chế độ xã hội cần có một nền giáo dục tương ứng, mỗi trình độ phát triển của xã hội, của sản xuất thì cần có một chế độ giáo dục thích hợp. Bằng phương pháp duy vật lịch sử, Ph. Ăng-ghen đã phân tích một cách khoa học và rõ ràng mối quan hệ biện chứng thúc đẩy lẫn nhau và tạo điều kiện cho nhau giữa xã hội, giữa nền sản xuất và con người. Ông cho rằng, xã hội cần có và tạo điều kiện cho con người phát triển, đồng thời chính con người đến lượt mình, lại thúc đẩy xã hội phát triển. Giáo dục có trọng trách to lớn trong việc tạo nên những con người đó cho xã hội, cho sản xuất. Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh, sự phát triển mới của nền sản xuất xã hội sẽ phải “cần đến những con người hoàn toàn mới và sẽ tạo ra những con người mới đó”[2]. Đồng thời khẳng định: “Muốn thay đổi những điều kiện xã hội phải có một chế độ giáo dục thích hợp[3]; và “nền công nghiệp do toàn xã hội thực hiện một cách tập thể và có kế hoạch lại càng cần có những con người có năng lực phát triển toàn diện, đủ sức tinh thông toàn bộ hệ thống sản xuất[4].

Ph. Ăng-ghen đã luận giải một cách khoa học đầy thuyết phục về vai trò to lớn của giáo dục đối với sự phát triển của xã hội; chỉ rõ giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cá nhân, thông qua đó giáo dục góp phần quyết định sự vận động và phát triển của xã hội. Theo Ph. Ăng-ghen, giáo dục bao giờ cũng phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và các quan hệ sản xuất vốn có của hình thái kinh tế - xã hội nhất định; tính chất giáo dục được quy định bởi các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể. Công tác giáo dục cần phải làm cho con người “có khả năng nắm vững nhanh chóng toàn bộ hệ thống sản xuất trong thực tiễn, làm cho họ có thể lần lượt chuyển từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất nọ tùy theo nhu cầu của xã hội hoặc tùy theo sở thích của bản thân họ[5].

Những vấn đề cơ bản, chủ yếu của nền giáo dục trong xã hội mới như vấn đề mục đích, bản chất, tính chất, phương châm, nguyên tắc, nguyên lý giáo dục, vai trò của nhà nước, của xã hội đối với giáo dục… đều được Ph. Ăng-ghen trình bày và luận giải một cách sâu sắc, tạo nền tảng lý luận rất cơ bản cho sự hình thành và phát triển nền giáo dục vô sản tương lai. Theo Ph. Ăng-ghen, nền giáo dục XHCN là một nền giáo dục “thống nhất cho tất cả mọi người, tiến hành cho đến lứa tuổi mà người ta có thể trở thành một thành viên độc lập của xã hội”[6]; là nền giáo dục thực hiện “giáo dục phổ thông do nhà nước cấp kinh phí cho tất cả trẻ em, không trừ một ngoại lệ nào”[7]. Đó còn là nền giáo dục thực hiện “công bằng” trong giáo dục; tạo điều kiện để mọi người “phát triển toàn diện tài năng của mình”[8], đảm bảo “cung cấp một cách hậu hĩ học phí” cho những tài năng để “họ có thể hoàn thành việc học tập” và cất nhắc họ nhanh chóng về chức vụ"[9] tạo điều kiện cho họ cống hiến và phát triển.

Vấn đề mục đích của giáo dục là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với cả nền giáo dục, được Ph. Ăng-ghen đặc biệt quan tâm. Ph. Ăng-ghen đã đưa ra luận đề rất cơ bản về giáo dục toàn diện, về phát triển con người toàn diện không những về tri thức, chuyên môn mà còn cả về thể chất, sức khỏe, tư tưởng, đạo đức... những phẩm chất cơ bản cần thiết của con người mà xã hội XHCN cần xây dựng. Từ việc làm rõ cơ sở khách quan quy định sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân và không ngừng đấu tranh vì sứ mệnh lịch sử ấy, Ph. Ăng-ghen đã chỉ ra một cách rõ ràng mục đích của nền giáo dục mà giai cấp công nhân hướng tới và thực hiện trong xã hội mới là phải phát triển toàn diện con người. Ph. Ăng-ghen viết: Giáo dục phải “làm cho những thành viên trong xã hội đó có khả năng sử dụng một cách toàn diện năng lực phát triển toàn diện của mình”[10] phải “phát triển một cách tương xứng năng lực của con người sử dụng những phương tiện”[11].

Ph. Ăng-ghen cũng đã nêu lên những tư tưởng rất cơ bản về nguyên lý, phương châm, phương pháp, hình thức và nội dung giáo dục, khẳng định dạy học phải lấy người học làm trung tâm, dạy học phải phát huy tối đa tính sáng tạo và tích cực của người học; giáo dục phải kết hợp với tự giáo dục; giáo dục phải đảm bảo học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục gắn liền với lao động, sản xuất. Luận đề cơ bản mà Ph. Ăng-ghen nêu lên: “Kết hợp việc giáo dục với lao động trong công xưởng"[12].đã chỉ rõ phương châm, nguyên lý giáo dục gắn với thực tiễn, gắn với sản xuất, học đi đôi với hành; giáo dục phải phục vụ cho sản xuất và nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, của sản xuất; chỉ rõ yêu cầu của giáo dục và yêu cầu của sản xuất phải gắn bó chặt chẽ với nhau, quy định và đòi hỏi lẫn nhau, phải kết hợp với nhau.

Những di sản tư tưởng, lý luận giáo dục của Ph. Ăng-ghen là tài sản vô giá trong kho tàng lý luận khoa học của nhân loại, đến nay vẫn còn nguyên giá trị và nóng hổi tính thời sự đối với nước ta. Đó là cơ sở lý luận nền tảng quan trọng, là phương pháp luận căn bản cho Đảng ta đề ra đường lối, chính sách giáo dục, đào tạo và thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đó là đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh lịch sử mới.

Thấu triệt tư tưởng giáo dục của Ph. Ăng-ghen, trong tình hình mới chúng ta thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là nhằm mục tiêu tổng quát: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”. Giáo dục và đào tạo hướng vào phát triển “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Thực hiện chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Phát triển giáo dục và đào tạo gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp với quy luật khách quan.

PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG 

Viện Khoa học XHNV Quân sự-Bộ Quốc phòng

--------------

 1 - C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tr. 428.

2,4,5,10,11,12 - Sđd, tập 4, tr. 474, 475,471.

3 - Sđd, tập 16,  tr. 771.

6,7,8 - Sđd, tập 2, tr. 730.

9 - Sđd, tập 11,tr. 585.

 

Nguồn: qdnd.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Sáng 18/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị.