Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Hai, 28/10/2013, 10:03 (GMT+7)
Những vấn đề quan trọng được đưa ra bàn thảo

Tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII đã diễn ra với nhiều nội dung quan trọng. Điểm nhấn quan trọng nhận được sự đóng góp ý rộng rãi, cụ thể của các đại biểu Quốc hội và thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước là nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và ba năm từ 2011 đến nay.

Hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thảo luận tại các tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hầu hết các ý kiến phát biểu  nhất trí cao với những  vấn đề chủ yếu trong dự thảo sau khi đã được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân và các đại biểu Quốc hội. Ðó là các vấn đề: Tên nước, vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội... Nhiều ý kiến đề nghị  tiếp tục hoàn thiện một số nội dung nhằm bảo đảm sự chuẩn xác trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Trao đổi ý kiến với phóng viên về Lời nói đầu của dự thảo, một số đại biểu cho rằng, Lời nói đầu sau khi được chỉnh lý đã bảo đảm cô đọng, ngắn gọn và súc tích hơn, nhưng cần nêu bật, rõ hơn nữa vai trò của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm nên những thắng lợi vĩ đại. Và cũng chính nhân dân với vai trò là chủ thể quan trọng dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên CNXH. 

 Mặc dù đã qua nhiều lần chỉnh, sửa, nhưng những quy định về chính quyền địa phương, các thành phần kinh tế và việc thu hồi đất vẫn được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến và đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn. Nhiều đại biểu Quốc hội Ðoàn thành phố  Hồ Chí Minh - nơi thực hiện thí điểm Ðề án xây dựng chính quyền đô thị tỏ ra băn khoăn và cho rằng, mô hình chính quyền địa phương tại dự thảo vẫn thể hiện sự lúng túng và chưa định hình rõ nét chính quyền địa phương là gì, nhiệm vụ của nó ra sao. Do vậy, sẽ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Ðại biểu Trần Du Lịch (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, Ban soạn thảo giải trình thêm và cần nói rõ trong tương lai, nơi nào tổ chức chính quyền địa phương, nơi nào chỉ cần tổ chức Ủy ban hành chính. Bên cạnh đó, một nguyên tắc của chính quyền địa phương là tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp, nhưng dự thảo chưa mạnh dạn thể hiện điều này.

Ðề cập quy định các thành phần kinh tế, nhiều đại biểu tán thành  quy định trong dự thảo, đồng thời cho rằng, trong nền kinh tế thị trường ở nước ta, vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng, vì vậy quy định "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo" là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể, rõ ràng vai trò của các thành phần kinh tế khác và có chính sách huy động tối đa mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất.

Góp ý kiến vào quy định về đất đai, nhiều đại biểu cho rằng, đây là vấn đề sát sườn đối với đời sống người dân và cũng rất phức tạp. Cần làm rõ khái niệm người có đất bị thu hồi phục vụ  lợi ích kinh tế - xã hội được đền bù theo giá thị trường? Vì thực tế thời gian qua, việc xác định sát giá thị trường là không đơn giản và đây cũng là rào cản khiến công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, làm nảy sinh nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến giá đền bù. Vấn đề "giá đất theo thị trường" đã được các đại biểu Quốc hội góp ý kiến nhiều lần tại các kỳ họp của Quốc hội, nhưng dự thảo lần này cũng chưa làm rõ và chưa mang tính thuyết phục.

Cùng với việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu cũng tán thành với Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Các ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết sẽ bảo đảm cho Hiến pháp được quán triệt và thi hành đầy đủ, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện Hiến pháp và tổ chức thi hành Hiến pháp, bảo đảm cho Hiến pháp được thực hiện nghiêm chỉnh trên tất cả các lĩnh vực.

 Lấy chất lượng cuộc sống làm thước đo tăng trưởng

 Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), cùng với việc ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế thời gian qua đem lại kết quả nhất định, với 11/15 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra cho năm 2013, nhiều đại biểu nêu rõ những hạn chế trong điều hành nền kinh tế, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan.

Chất lượng của sự tăng trưởng trở thành vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm. Mặc dù GDP năm 2013 dự báo tăng 5,4% và chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 7%, nhưng hiện nay sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, chất lượng sống của người dân vẫn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Ðại biểu Trần Hoàng Ngân (thành phố Hồ Chí Minh) nêu, mặc dù GDP tăng cao nhưng tình trạng doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động vẫn diễn ra nhiều nơi. Nhiều tổng công ty lớn của Nhà nước vẫn tiếp tục làm ăn thua lỗ, kéo theo một lượng lớn người lao động không có việc làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Chúng ta thực hiện ba bước đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng kết quả mang lại không cao do thiếu giải pháp thiết thực và hiệu quả. Một số ý kiến chỉ rõ những bất cập trong việc tái cấu  trúc nền kinh tế và doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Ðại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, chúng ta nêu quyết tâm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa tổng kết mô hình thí điểm thành lập các Tập đoàn nhà nước để xem hiệu quả đến đâu và bất cập ở điểm nào. Nhiều đại biểu đề nghị, đã đến lúc lập ra một Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu nền kinh tế với sự tham gia của Chính phủ, Quốc hội và các chuyên gia, các định chế tư vấn độc lập. Bên cạnh đó, phải có "bàn tay" đủ mạnh và độc lập để xây dựng đề án tái cơ cấu tại các doanh nghiệp nhà nước. Vì thực tế, tái cơ cấu sẽ đụng chạm đến vấn đề lợi ích, trong đó có các nhóm lợi ích nên không thể để các doanh nghiệp tự xây dựng đề án.

Trong điều hành và quản lý xã hội hiện nay, điều đáng lo là, đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp đang có chiều hướng sa sút. Ðiển hình là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua xảy ra trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục. Mặc dù vấn nạn tham nhũng được đánh giá là vẫn đang có chiều hướng gia tăng, nhưng công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra.

Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp. Nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù tình hình phát triển kinh tế - xã hội được đánh giá là có kết quả khả quan, nhưng cần phải lấy chất lượng cuộc sống để đo kết quả phát triển kinh tế - xã hội cũng như chất lượng của sự tăng trưởng.

Vấn đề bội chi ngân sách và dư nợ công năm 2013  thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo Nghị quyết của Quốc hội được thông qua cuối năm 2012, bội chi ngân sách năm 2013 không vượt quá 4,8%. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này, mức bội chi năm 2013 là 5,3%.  Ðại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) băn khoăn khi đặt câu hỏi, trong khi thu ngân sách năm 2013 giảm thì mức bội chi lại tăng cao. Vậy, tiền được lấy từ nguồn nào để chi và ai là người quyết định phê duyệt những khoản chi ấy? và trong việc chi tiêu có bảo đảm đúng các kỷ luật ngân sách.

Nhiều đại biểu có chung nhận xét, qua theo dõi chi tiết về ngân sách cho thấy các khoản chi thường xuyên quá cao, đặc biệt là chi cho bộ máy. Trong ba năm qua, chi thường xuyên tăng từ 53,9% lên 63%. Tại sao chúng ta càng cải cách thì bộ máy ăn lương Nhà nước càng phình ra. Theo đại biểu Nguyễn Ðình Quyền (Hà Nội), khi  kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, chúng ta càng phải thắt chặt kỷ cương về tài chính và thực tế cho thấy Chính phủ chỉ đạo không khởi công các công trình mới, nhưng nhiều địa phương vẫn cho khởi công nhiều công trình chưa thật sự cấp bách. 

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng, hiện nay có hai thách thức lớn đối với ngân sách nhà nước là khó khăn trong việc bố trí vốn phát triển và nợ công có nguy cơ tiệm cận giới hạn an toàn. Ðề cập đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay dư nợ công chiếm 56,2% GDP và trong giới hạn an toàn. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, an toàn hay không vấn đề không chỉ là tỷ lệ dư nợ công chiếm bao nhiêu phần trăm GDP mà vấn đề là chúng ta có trả được những khoản nợ ấy đúng thời hạn hay không.

Nguồn: nhandan.com.vn 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Sáng 18/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị.