Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Ba, 22/10/2013, 21:25 (GMT+7)
Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII
Nhiều ý kiến xác đáng góp phần hoàn thiện Dự thảo Hiến pháp

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sau khi triển khai lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đã nhận được sự tán thành và thống nhất cao về bố cục và nội dung, đồng thời tiếp thu được nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng để hoàn thiện bản Dự thảo.

Ông Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến về
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
.

Sáng 22-10, trong ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII,  thay mặt Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trải qua 2 kỳ họp Quốc hội, được triển khai lấy ý kiến nhân dân sâu rộng, nghiêm túc, thu hút được sự tham gia tích cực, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhận được sự tán thành và thống nhất cao về bố cục và nội dung, đồng thời tiếp thu được nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng để hoàn thiện bản Dự thảo.

Đa số ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội tán thành với những chế định cơ bản về chế độ chính trị của đất nước như: Giữ tên nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tên gọi đã thân quen với nhân dân, được bạn bè và các nước công nhận từ ngày thống nhất đất nước với bản chất của Nhà nước là "tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức".

Vị trí, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, với bản chất giai cấp là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc cũng được khẳng định trong tiếp thu của dự thảo Hiến pháp, phù hợp với các Cương lĩnh 1991, 2011.

Một trong những nội dung được người dân quan tâm là quy định quyền sử dụng đất trong Hiến pháp. Các ý kiến thống nhất cao việc Hiến pháp cần khẳng định đây là quyền quan trọng và quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi, từ đó tạo cơ sở để Luật đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế – xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật” cũng như “việc Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp đặc biệt do luật định”.

Trong nội dung tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo cũng đạt được thống nhất cao về các chế định về vị trí, tính chất, thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, gồm Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát NDTC. Đối với chính quyền địa phương, Dự thảo mới đã có nhiều chỉnh lý phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Theo đó, chính quyền địa phương tổ chức ở các đơn vị hành chính sẽ phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Việc thành lập HDND, UBND sẽ căn cứ trong phạm vi được phân cấp, phân quyền do luật định.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Quyết liệt đấu tranh với các hành vi tham nhũng

Cũng trong chương trình làm việc sáng nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2013.

Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (khóa XI), Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã có bước chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới, bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN có hiệu lực từ ngày 1/2/2013 là tiền đề chính trị, pháp lý quan trọng đối với công tác PCTN.

Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đề xuất, tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế – xã hội để phòng ngừa tham nhũng, trong đó chú trọng đến những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như đất đai, tín dụng ngân hàng, đầu tư công, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp… chỉ đạo, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.

Triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan chuyên trách đã tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Trong năm 2013, ngành Thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng; đã thu 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 04 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 34 đối tượng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Quốc phòng, TP. Hải Phòng, các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Phước, Bình Thuận là những ngành, địa phương phát hiện và xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Lực lượng Cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: khởi tố mới 233 vụ, 568 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 11 vụ và 97 bị can); gây thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC; đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỷ đồng; đã kết luận điều tra 255 vụ, 581 bị can; đình chỉ điều tra 7 vụ, 6 bị can; tạm đình chỉ 9 vụ, 23 bị can; hiện đang điều tra 96 vụ, 230 bị can. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 335 vụ, 803 bị can về tội tham nhũng (tăng 91 vụ, 202 bị can so với cùng kỳ năm 2012); đã đình chỉ điều tra trong giai đoạn tố tụng 19 vụ, 30 bị can.

Tòa  án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 44,1%); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 34,2%).

Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng: Cải cách hành chính, cải cách chế độ công chức, công vụ tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và việc xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; minh bạch tài sản, thu nhập, đổi mới phương thức thanh toán, xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.

Trước đó, trong báo cáo về tình hình KT- XH năm 2013 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2105 trình bày trong ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra con số về kết quả phòng chống tham nhũng trong 3 năm 2011-2013. Theo đó, qua thanh tra, phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng, kiến nghị thu hồi 485,5 tỷ đồng (đã thu được 139 tỷ đồng); chuyển cơ quan điều tra 111 vụ và 235 cá nhân; xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu./.

 

Nguồn: chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.