Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 06/09/2013, 21:31 (GMT+7)
"Nhật ký trong tù" - Tài sản vô giá trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam

Sáng 06-9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học "70 năm tác phẩm Nhật ký trong tù”. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự và phát biểu tại buổi Tọa đàm.

“Nhật ký trong tù” gồm 133 bài thơ viết bằng chữ Hán, theo thể tứ tuyệt (4 câu) được Bác sáng tác trong thời gian từ ngày 25-8-1942 đến 19-9-1943. Bản dịch tiếng Việt đầu tiên của Viện Văn học thực hiện năm 1960, gồm 114 bài. Đến năm 1990, toàn bộ 133 bài được dịch và giới thiệu trọn vẹn. 

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Đinh Thế Huynh  Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: "Nhật ký trong tù” không chỉ có ý nghĩa văn chương sâu sắc mà còn là tài sản vô giá trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm không chỉ được phổ biến trong nước mà còn được đánh giá cao và giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới: Anh, Ả Rập, Bồ Đào Nha, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha… Cuốn nhật ký bằng thơ này không chỉ là một văn kiện lịch sử vô giá về một giai đoạn hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc  Hồ Chí Minh, mà nó còn là một tác phẩm văn học lớn, là bức chân dung tự họa bằng thơ của Người chiến sĩ Cộng sản Hồ Chí Minh.

Tọa đàm khoa học "70 năm tác phẩm Nhật ký trong tù”.

Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: “Nhật ký trong tù” thể hiện lòng yêu nước cháy bỏng; yêu nhân dân, yêu đồng loại, thương cảm đến tận cùng những cảnh đời bất hạnh. Tác phẩm thể hiện tinh thần cách mạng, ý chí gang thép của Hồ Chí Minh; là nhân cách, phong thái, tinh thần, ý chí, nghị lực, sự tiên đoán, tính trào lộng, tính triết lý; là tinh thần tự do cao cả, thể hiện trong thái độ, khí phách, cách ứng xử, lối sống của một con người mà gông cùm, song sắt nhà tù không thể trói buộc, không khóa nổi lời thơ, không ngăn được những rung động tâm hồn tinh tế trước thiên nhiên, tạo vật; là lòng nhân ái bao la đối với con người. Và trên hết, “Nhật ký trong tù” thể hiện nhất quán tư tưởng đấu tranh cho tự do của con người; là niềm mong mỏi giải phóng đất nước, khát vọng thiết tha giành độc lập, tự do cho đất nước, cho nhân dân.

Đồng chí Đinh Thế Huynh mong muốn, buổi Toạ đàm sẽ đóng góp nhiều ý kiến để tiếp tục làm rõ thêm những giá trị lớn lao và sâu sắc của “Nhật ký trong tù”, góp phần thúc đẩy việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác; góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tọa đàm đã nhận được 30 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ. Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tiếp tục đi sâu làm rõ hơn một số vấn đề: Hoàn cảnh đặc biệt ra đời tập thơ “Nhật ký trong tù”; những giá trị lớn lao về tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm; ảnh hưởng lâu bền, sâu sắc của tập thơ “Nhật ký trong tù”; làm thế nào để tiếp tục kế thừa và phát huy các giá trị và ảnh hưởng to lớn của “Nhật ký trong tù” trong việc giáo dục, cổ vũ mọi người hăng hái thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng nền tảng đạo đức trong Đảng và trong toàn xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, góp phần đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh và xuyên tạc “Nhật ký trong tù”.

Tại buổi Tọa đàm, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu, dịch thuật tác phẩm “Nhật ký trong tù”; quảng bá các giá trị to lớn của tác phẩm tới đông đảo quần chúng nhân dân./.

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.