Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 19/03/2014, 09:43 (GMT+7)
Nga tuyên bố tiếp nhận Crưm

Ngày 18-3, tại Điện Crem-li, Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin) đã đọc bản Thông điệp đặc biệt  liên quan tới việc nước Cộng hòa Crưm sáp nhập vào Nga, trước đông đủ thành viên hai viện của Quốc hội Nga và đại diện các chủ thể của Liên bang Nga, giới báo chí.

Trong Bài phát biểu này, Tổng thống V. Pu-tin nói cuộc trưng cầu dân ý cuối tuần qua ở Crưm về việc hợp nhất với Nga là "hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc dân chủ và có tầm quan trọng lịch sử”. Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết, từ nay trên bán đảo này sẽ lưu hành song song ba ngôn ngữ: Nga, U-crai-na và Tarta.

Tổng thống V. Pu-tin cùng các lãnh đạo của Crưm và Xê-vát-xtô-pôn.
Ảnh: Roi-tơ.

Về nguồn gốc các diễn biến tại Crưm dẫn đến việc bán đảo này tuyên bố độc lập và tách khỏi U-crai-na, Tổng thống V. Pu-tin nói rằng trong lịch sử, Crưm đã là lãnh thổ lịch sử của Nga và việc Crưm được vào thành phần U-crai-na do một quyết định sai lầm cá nhân. "Trong trái tim và tâm trí của mọi người, Crưm vẫn luôn là một phần không thể tách rời của Nga. Cam kết này, dựa trên sự thật và công lý, đã được khẳng định, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác", ông V. Pu-tin phát biểu. Tổng thống V. Pu-tin tuyên bố Nga không thể làm ngơ trước những nguy cơ đe dọa với người dân Crưm, không thể phản bội lại đồng bào. Nga cho rằng, cần phải tạo điều kiện để người Crưm được thực hiện quyền tự quyết của mình. Và quyết định trưng cầu dân ý trong bối cảnh đó là quyết định duy nhất để tránh căng thẳng leo thang tại khu vực Bán đảo này.

Tổng thống V. Pu-tin  khẳng định, Nga không can thiệp quân sự vào Crưm, không vi phạm các thỏa thuận về số lượng binh sĩ tại Bán đảo, và trong suốt quá trình trưng cầu dân ý đã không xảy ra một tiếng súng, không có một nạn nhân nào. Người dân Crưm đã được tự do lựa chọn và họ đã lựa chọn gắn số phận với Liên bang Nga với tỷ lệ rất cao (gần 97%). Nga tôn trọng quyết định đó và trên cơ sở luật pháp quốc tế về quyền tự lựa chọn của các dân tộc, Nga tuyên bố tiếp nhận vào Liên bang hai chủ thể mới là Cộng hòa Crưm và thành phố Xê-vát-xtô-pôn.

Về cuộc khủng hoảng tại U-crai-na, Tổng thống V. Pu-tin đã lên án các phần tử cực đoan thân phương Tây đã lợi dụng sự bất bình của người dân đối với chính quyền và gây ra bất ổn xã hội, trong bối cảnh hiện nay chỉ có nhân dân U-crai-na mới có quyền lập lại trật tự tại đất nước mình.

Trước các tuyên bố trừng phạt Nga từ Mỹ và phương Tây, Tổng thống V. Pu-tin tuyên bố Nga luôn sẵn sàng và đã "quen" đối đầu với các thái độ thiếu thân thiện. Nga sẽ luôn bảo vệ hàng triệu công dân của mình nói riêng và người dân nói tiếng Nga nói chung bằng mọi biện pháp ngoại giao, chính trị. Nga tin tưởng vào tính chất pháp lý trong quyết định của mình, hy vọng vào sự thông thái của các đối tác và sẽ đáp trả thích đáng.

Cùng ngày, Tổng thống V. Pu-tin cùng với Thị trưởng thành phố Xê-vát-xtô-pôn A-lếch-xây Tra-lưi (Aleksey Chalyi); đại diện Crưm Thủ tướng Xéc-gây Ác-xi-ô-nốp (Sergey Aksenov) và Chủ tịch Nghị viện Vla-đi-mia Côn-xtan-ti-nốp (Vladimir Konstantinov) đã đặt bút ký vào Hiệp ước tiếp nhận và thành lập hai chủ thể Liên bang mới của Liên bang Nga.

Phản ứng trước sự kiện này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao U-crai-na Y. Pê-rê-bi-nít (Y. Perebyinis) tuyên bố nước này sẽ không bao giờ công nhận việc Crưm sáp nhập vào Nga. Trong khi đó, Phó tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn (Joe Biden) ngày 18-3 gọi việc Mát-xcơ-va can thiệp vào Crưm là "hành động chiếm đoạt đất đai"; đồng thời nhấn mạnh, Oa-sinh-tơn cam kết bảo vệ an ninh cho các đồng minh NATO trên các đường biên giới với Nga. Còn phía Anh cho biết, nước này đã ngừng toàn bộ hợp tác quân sự với Nga sau khi Mát-xcơ-va ký hiệp ước đưa Crưm sáp nhập vào Nga. Những nhà lãnh đạo của các nước thuộc tổ chức G-8 cũng đã ra quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong tổ chức này. Quyết định đình chỉ đã được Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Lo-ren Pha-bi-út (Laurent Fabius) xác nhận vào ngày 18-3.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore
Phát biểu chính sách trước đông đảo giáo sư, giảng viên và sinh viên nhà trường, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh hai nước đang sống giữa những biến đổi nhanh chóng chưa từng có của kỷ nguyên số, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, Internet vạn vật… Tất cả những điều này đang định hình lại cách sống, làm việc và kết nối.