Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 11/09/2013, 09:15 (GMT+7)
Xã luận
Nâng tầm quan hệ Việt Nam - Xin-ga-po thành đối tác chiến lược

Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long và Phu nhân đã tới Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam. Ðây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của Thủ tướng Lý Hiển Long sau chuyến thăm lần đầu năm 2010, diễn ra trong bối cảnh hai nước thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ song phương. Chuyến thăm khẳng định chính sách của cả hai nước coi trọng và dành ưu tiên cao tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực; đồng thời, nâng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp và hợp tác toàn diện giữa hai nước thành đối tác chiến lược theo lộ trình đã được lãnh đạo hai nước đề ra.

Xin-ga-po nằm ở cực nam bán đảo Mã Lai, diện tích 692,7 km2, dân số 5,312 triệu người. Tình hình chính trị - xã hội Xin-ga-po ổn định. Từ một đất nước hầu như không có tài nguyên, Xin-ga-po đã trở thành một quốc gia phát triển ở khu vực và thế giới, với cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới. Xin-ga-po đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, đang thực hiện kế hoạch đến năm 2018 đưa Quốc đảo này thành một thành phố hàng đầu thế giới, một đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế toàn cầu. Do chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tăng trưởng GDP của Xin-ga-po những năm gần đây thấp hơn mức tăng trưởng bình quân giai đoạn phát triển mạnh 2004 - 2007.

Từ đầu năm 2013, sức bật của ngành dịch vụ đã giúp nền kinh tế "quốc đảo sư tử" dần lấy lại đà phục hồi. Chính phủ Xin-ga-po dự báo, nước này có thể đạt mức tăng trưởng GDP trung bình 2,5% đến 3,5% trong năm nay.

Về đối ngoại, Xin-ga-po coi trọng và cân bằng quan hệ với các nước lớn, trong đó chú trọng hợp tác an ninh quốc phòng và đầu tư với Mỹ, tăng cường quan hệ đầu tư, thương mại với Trung Quốc và Nhật Bản; đồng thời, ưu tiên quan hệ với các nước ASEAN. Xin-ga-po nỗ lực tăng cường vai trò và vị thế trên trường quốc tế, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực, đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN (năm 1995), quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Xin-ga-po coi trọng quan hệ với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về thương mại, đầu tư của Xin-ga-po ở Ðông - Nam Á. Quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Xin-ga-po những năm qua phát triển toàn diện, hiệu quả và thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Lãnh đạo hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao. Hai bên đã ký "Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21" năm 2004, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Xin-ga-po (tháng 9-2011), hai bên nhất trí về nguyên tắc đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm đối tác chiến lược. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Xin-ga-po (tháng 9-2012), hai bên ra Thông cáo chung khẳng định nâng cấp quan hệ hai nước phát triển thành đối tác chiến lược trong năm 2013. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý Hiển Long là một dấu mốc lịch sử nhằm hiện thực hóa kế hoạch đã được lãnh đạo hai nước đề ra.

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương là một trọng điểm trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Xin-ga-po duy trì là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam, các dự án đầu tư được đánh giá có hiệu quả, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam. Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po (VSIP) là một biểu tượng về đầu tư của Xin-ga-po tại Việt Nam. Ngoài bốn khu VSIP tại Bình Dương, Bắc Ninh và Hải Phòng, hai bên xúc tiến thành lập khu VSIP thứ năm tại Quảng Ngãi. Kim ngạch thương mại song phương không ngừng tăng trong những năm gần đây, năm 2011, đạt 8,7 tỷ USD; năm 2012, tăng lên 9,6 tỷ USD. Ðầu tư trực tiếp nước ngoài từ Xin-ga-po vào Việt Nam liên tục tăng. Ðến tháng 7-2013, Xin-ga-po có gần 1.200 dự án đầu tư tại nước ta, với tổng vốn đầu tư hơn 28 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hai nước triển khai hiệu quả Hiệp định khung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Xin-ga-po ký tháng 12-2005 trên sáu lĩnh vực hợp tác, gồm: tài chính, đầu tư, thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông - công nghệ thông tin và giáo dục - đào tạo; nhất trí xem xét khả năng mở rộng sang các lĩnh vực khác. Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục - đào tạo, tư pháp, du lịch... đều được tăng cường.

Hai nước hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN và Liên hợp quốc. Là những thành viên có trách nhiệm của ngôi nhà chung ASEAN, Việt Nam và Xin-ga-po sẵn sàng cùng các nước thành viên Hiệp hội quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, gắn kết, vững mạnh vì một khu vực Ðông - Nam Á hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tổng Bí thư nhấn mạnh 2 nội dung cần báo cáo và xin ý kiến Trung ương để sớm triển khai thực hiện là: Chủ trương tổng kết sớm và toàn diện Nghị quyết số 18-NQ/TW, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là cấp Trung ương. Chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.