Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 26/06/2013, 09:04 (GMT+7)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Dinh-lắc Xin-vắt
Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược

Sáng 25-6, chuyên cơ chở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Thái Lan đã hạ cánh xuống sân bay Đôn Mường tại Thủ đô Băng Cốc. Đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại sân bay có Phó Thủ tướng Thái Lan Y-ô-con Li-lem-thông; Bộ trưởng tháp tùng Cha-ru-pông Ru-ang-xu-văn và nhiều quan chức khác trong Chính phủ Thái Lan.

Chiều 25-6, lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Thủ tướng dưới sự chủ trì của Thủ tướng Thái Lan Dinh-lắc Xin-vắt.

Ngay sau lễ đón chính thức, hai bên đã bước vào hội đàm. Thủ tướng Dinh-lắc Xin-vắt đánh giá cao chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sau 20 năm kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười và diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước Thái Lan-Việt Nam được nâng lên tầm cao mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vị thế và vai trò của Thái Lan trong khu vực và trên thế giới; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Thái Lan. Qua Thủ tướng Dinh-lắc Xin-vắt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chuyển lời thăm hỏi và lời chúc sức khỏe tới Đức vua Phu-mi-phôn A-đu-da-đệt đang trị bệnh tại bệnh viện.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển của quan hệ hai nước trong gần 40 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976, đặc biệt kể từ sau chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào năm 1993. Quan hệ chính trị giữa hai nước được tăng cường với việc thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; quan hệ kinh tế - thương mại phát triển nhanh chóng. Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt trên 8,6 tỷ USD. Tính đến tháng 2-2013, Thái Lan có 300 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,12 tỷ USD, đứng thứ 10/99 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong việc góp phần mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duyệt Đội danh dự Quân đội Hoàng gia Thái Lan.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Dinh-lắc Xin-vắt nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan, Thái Lan - Việt Nam với 5 trụ cột chính, bao gồm: i) quan hệ chính trị, ii) hợp tác quốc phòng và an ninh, iii) hợp tác kinh tế, iv) hợp tác xã hội văn hóa, v) hợp tác khu vực và quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhất trí giao cho các cơ quan hữu quan của hai nước phối hợp xây dựng chương trình hành động và lộ trình thực hiện cụ thể để hai Thủ tướng hai nước có thể ký kết tại cuộc họp Nội các chung tháng 10-2013 và hướng dẫn các cấp, các ngành của hai nước thực hiện.

Hai nhà lãnh đạo thống nhất tiến hành thường xuyên hơn nữa trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trong thời gian tới, nhằm tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý đất nước. Trong đó, thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai đảng cầm quyền, Quốc hội hai nước là cơ sở chính trị quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển. Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết mở rộng và tăng cường giao lưu nhân dân một cách phong phú, thiết thực, hiệu quả, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước.

Hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác kinh tế, gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều mỗi năm lên 20% để đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020; thúc đẩy sớm ký và triển khai Thỏa thuận hợp tác về lao động. Theo đó, Thái Lan sẽ nhận lao động Việt Nam sang làm việc ở Thái Lan, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Tăng cường kết nối giao thông theo trục hành lang Đông - Tây, trong đó có tuyến đường số 8 và số 12. Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Thái Lan, khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hóa dầu, thăm dò và khai thác dầu khí.

Về các vấn đề khu vực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Thái Lan Dinh-lắc Xin-vắt nhất trí cho rằng, Việt Nam, Thái Lan và các nước thành viên ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết và hợp tác, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh vào năm 2015, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông; mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế; trong đó, có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN; nhất trí sớm xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông.

* Sau khi hội đàm kết thúc, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành họp báo chung. Thủ tướng Dinh-lắc Xin-vắt tuyên bố, từ nay, quan hệ Thái Lan - Việt Nam chính thức trở thành đối tác chiến lược, là cơ hội lớn của mỗi nước để tăng cường các khả năng hợp tác, vì sự phát triển của mỗi nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, quan hệ ViệtNam - Thái Lan nhất định sẽ bước lên tầm cao mới vì lợi ích dân tộc và nhân dân hai nước.

* Tối 25-6, Thủ tướng Thái Lan Dinh-lắc Xin-vắt đã tổ chức chiêu đãi trọng thể, chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Thái Lan.

* Trước đó, Chủ tịch Đảng Pheu Thai cầm quyền Da-ru-pông Ru-ang-xu-văn đã đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai bên nhất trí chủ trương thiết lập quan hệ giao lưu, trao đổi đoàn ở tất cả các cấp giữa hai Đảng để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý đất nước.

* Chiều 25-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện Việt kiều, cán bộ, lưu học sinh Việt Nam đang sinh sống, công tác và học tập tại Thái Lan.

* Trước đó, cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Ngài Su-ra-kiệt, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Hòa giải Châu Á tại khách sạn Plaza Athenee. Ngài Su-ra-kiệt cho biết, Hội đồng là tổ chức phi chính phủ chủ trương tăng cường đối thoại, hòa giải các mối quan hệ của các nước châu Á theo đặc điểm tâm lý Phương Đông. Ngài Su-ra-kiệt bày tỏ sự quan tâm đến tình hình phức tạp ở Biển Đông hiện nay và cho biết, Hội đồng của Ngài sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với Việt Nam trong giải quyết các vấn đề tồn tại. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự trân trọng trước sự quan tâm của Ngài Su-ra-kiệt dành cho Việt Nam và khẳng định, Việt Nam hoan nghênh các tổ chức quốc tế tham gia tích cực vào quá trình xây dựng hòa bình, phát triển trên Biển Đông trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý sẽ tiến cử nhà ngoại giao - chính trị có uy tín của Việt Nam tham gia Hội đồng Hòa bình Hòa giải Châu Á.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tổng Bí thư nhấn mạnh 2 nội dung cần báo cáo và xin ý kiến Trung ương để sớm triển khai thực hiện là: Chủ trương tổng kết sớm và toàn diện Nghị quyết số 18-NQ/TW, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là cấp Trung ương. Chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.