Thứ Sáu, 25/04/2025, 07:47 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự
Quan hệ giữa Mỹ và các nước khu vực Mỹ la-tinh vừa có được "sự khởi đầu mới" sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tới khu vực này hồi tháng 5, nay lại đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng đối đầu. Nguyên nhân không chỉ bởi những thông tin động trời được cựu nhân viên an ninh Mỹ E.Xnâu-đơn tiết lộ, mà còn bởi cách thức Oa-sinh-tơn xử lý bê bối bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Gần một tuần qua, ở khu vực Mỹ la-tinh sôi sục "bầu không khí chống Mỹ". Hàng loạt những tuyên bố mạnh mẽ nhất của lãnh đạo nhiều nước lên án chương trình do thám toàn cầu của Oa-sinh-tơn, tạo thành một chiến dịch tập thể chống Mỹ ở khu vực. Cơn giận dữ của Mỹ la-tinh xuất phát từ những thông tin được đăng tải trên nhật báo O Globo hàng đầu của Bra-xin dẫn theo các tài liệu do cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) E.Xnâu-đơn tiết lộ. "Người thổi còi chính quyền Mỹ" cho hay, chương trình do thám toàn cầu của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) được thực hiện ở khu vực Mỹ la-tinh, với trọng tâm là các nước Bra-xin, Mê-hi-cô, Cô-lôm-bi-a và cấp độ thấp hơn ở các nước Vê-nê-xu-ê-la, Ác-hen-ti-na, Ê-cu-a-đo, Ni-ca-ra-goa, Pa-ra-goay, Pê-ru, Chi-lê...
NSA đã duy trì một căn cứ vệ tinh thu thập thông tin tình báo tại thủ đô Bra-xi-li-a của Bra-xin ít nhất đến năm 2002. Ðây là căn cứ chính tại Mỹ la-tinh và là một trong 16 căn cứ thuộc mạng lưới tình báo có tên "Hoạt động thu thập tin vệ tinh nước ngoài" được các nhân viên CIA sử dụng để thu thập một cách bất hợp pháp thông tin thông qua vệ tinh của nước khác. Ngoài "căn cứ do thám" tại Bra-xin, NSA còn triển khai các cơ sở tương tự tại thủ đô của các nước, như: Vê-nê-xu-ê-la, Cô-lôm-bi-a, Pa-na-ma và Mê-hi-cô. Tại các cơ sở này, NSA sử dụng mật vụ đội lốt các nhà ngoại giao. Ðáng chú ý, NSA không chỉ theo dõi thông tin ngoại giao, quân sự mà cả các bí mật thương mại. Báo O Globo nêu rõ, Vê-nê-xu-ê-la nằm trong tầm ngắm về giao dịch mua vũ khí và ngành công nghiệp dầu mỏ, còn Mê-hi-cô bị theo dõi buôn bán ma túy và lĩnh vực năng lượng.
Thông tin trên ngay lập tức dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ hoạt động do thám bất hợp pháp của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Mỹ la-tinh đòi Oa-sinh-tơn giải thích rõ ràng việc nước họ trở thành mục tiêu do thám của Mỹ. Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô thẳng thừng tuyên bố, thông tin được "người trong cuộc" tiết lộ đã giúp thế giới hiểu được "chân tướng" chương trình do thám toàn cầu của Mỹ, một hành động vi phạm nhân quyền và chủ quyền của các quốc gia, và với cả các nước đồng minh của Mỹ.
Tuy nhiên, đã không nỗ lực xoa dịu giận dữ của Mỹ la-tinh, Oa-sinh-tơn lại còn tìm cách gây sức ép buộc các nước ngăn chặn "con đường sống" của Xnâu-đơn, người mà Oa-sinh-tơn coi là "kẻ tội đồ". Cơn phẫn nộ lên cao sau khi một số nước châu Âu đóng cửa không phận đối với chuyên cơ của Tổng thống Bô-li-vi-a Ê.Mô-ra-lết trên đường trở về sau chuyến thăm Nga, chỉ vì nghi ngờ trên máy bay có mặt Xnâu-đơn. Vụ việc được cho là do Mỹ đứng sau giật dây, đến nay vẫn chưa được châu Âu giải thích rõ ràng và vẫn "nợ" Bô-li-vi-a một lời xin lỗi chính thức.
Chưa rõ độ chính xác thông tin Xnâu-đơn tiết lộ, nhưng chỉ riêng hành động ngăn cản chuyến bay của một nguyên thủ quốc gia cũng đủ để đẩy quan hệ giữa Mỹ la-tinh với Mỹ và Tây Âu tới nguy cơ đối đầu. Bô-li-vi-a và các nước Mỹ la-tinh coi đây là hành động "tiến công khủng bố nhà nước" đầu tiên trên thế giới. Chỉ 24 giờ sau khi ông Mô-ra-lết về đến Bô-li-vi-a, nguyên thủ nhiều nước thành viên Liên minh các nước Nam Mỹ (Unasur) đã nhóm họp khẩn cấp ra tuyên bố chung lên án hành động của các nước Tây Âu, coi đây là tiền lệ nguy hiểm vi phạm luật pháp quốc tế. Sự việc này, cùng với những động thái gây sức ép của Mỹ nhằm cản trở một số nước trong khu vực cấp quy chế tị nạn chính trị cho Xnâu-đơn, càng làm tăng sự phẫn nộ, đẩy nhiều nước tới gần hơn với quyết định hỗ trợ cựu nhân viên an ninh Mỹ bị chính quyền Mỹ truy lùng ráo riết. Ðến nay, Ni-ca-ra-goa và Vê-nê-xu-ê-la đã nhận được đơn xin tị nạn của Xnâu-đơn và tuyên bố sẵn sàng "đón tiếp" nhân vật này.
Bất chấp sức ép của Mỹ, lãnh đạo Ê-cu-a-đo tuyên bố sẵn sàng từ bỏ ưu đãi thương mại song phương với Mỹ, vì không thể chấp nhận việc Oa-sinh-tơn dùng kinh tế làm đòn gây sức ép. Các nghị sĩ Bra-xin yêu cầu Tổng thống Ð.Rút-xép hủy kế hoạch thăm Mỹ tháng 10 tới và cho phép Xnâu-đơn tị nạn. Lãnh đạo Ác-hen-ti-na chỉ trích hoạt động gián điệp của Mỹ chỉ nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên của Mỹ la-tinh. Những tuyên bố cứng rắn của ba quốc gia theo đường lối cánh tả ở Mỹ la-tinh, có quan hệ kinh tế sâu rộng với Mỹ là thách thức lớn nhất với Oa-sinh-tơn.
Với nguồn tài nguyên phong phú và các cơ hội thương mại dồi dào, khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê ngày càng có vị thế quan trọng trên thế giới. Các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và Phó Tổng thống G.Bai-đơn tới một loạt nước ở khu vực này hồi tháng 5 vừa qua cho thấy, Oa-sinh tơn không xem nhẹ quan hệ với khu vực họ từng coi là "sân sau" của mình. Tuy nhiên, cơn phẫn nộ của Mỹ la-tinh từ bê bối do thám của NSA đang phủ bóng đen lên hy vọng vừa nhen nhóm của Oa-sinh-tơn trong việc cải thiện quan hệ với khu vực giàu tiềm năng này.
LONG QUÂN
Nguồn: nhandan.com.vn
đấu tranh lý luận,
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì họp Ban Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam 24/04/2025
Dấu mốc quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam-Lào 24/04/2025
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện sắp xếp tổ chức quân sự địa phương 23/04/2025
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với Binh chủng Tăng thiết giáp 23/04/2025
Chủ tịch nước: Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để tạo sự đồng thuận 22/04/2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 5 kết quả đồng thuận mà Hội nghị P4G đã đạt được 18/04/2025
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV 17/04/2025
Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone 17/04/2025
Bộ trưởng Phan Văn Giang hội đàm với Bộ trưởng Đổng Quân 17/04/2025
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội 16/04/2025
Chủ tịch nước Lương Cường dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ Việt Nam
Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi các đồng chí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar
Đẩy mạnh hợp tác giữa hai đảng cầm quyền ở Việt Nam và Singapore
Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị với Burundi
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
Đại tướng Phan Văn Giang dự Lễ tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu, Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2024
Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV