Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Chủ Nhật, 04/08/2013, 11:55 (GMT+7)
Một dự luật thiếu khách quan

Vào thời điểm quan hệ Việt - Mỹ đang phát triển tốt đẹp thì ngày 01-8, Hạ viện Mỹ lại thông qua Dự luật nhân quyền Việt Nam 2013 (H.R. 1897) với những đánh giá, nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam và không phù hợp với sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ.

Dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình thực thi quyền con người và tự do tôn giáo tại Việt Nam, dự luật H.R. 1897 - do Hạ nghị sĩ C.Xmít, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, khởi xướng, yêu cầu Chính phủ Mỹ không cung cấp viện trợ phi nhân đạo cho Việt Nam và kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì những vi phạm trong lĩnh vực tự do tôn giáo.

Không thể phủ nhận rằng, những gì mà Nhà nước Việt Nam thực hiện kể từ sau ngày kết thúc cuộc chiến tranh đến nay đều hướng tới một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; từng bước thực hiện xóa đói, giảm nghèo; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào có đạo và không có đạo được tự do tín ngưỡng.

Đứng dậy từ đống đổ nát của chiến tranh, Việt Nam đang ngày càng hội nhập với thế giới bằng những thành tựu phát triển đáng kinh ngạc cả về kinh tế lẫn chính trị. Sau hơn 20 năm đổi mới, đời sống người dân cả nước được nâng lên từng ngày. Những nhu cầu của người dân về chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội đều được đáp ứng theo chuẩn của thế giới. Tỷ lệ nghèo đói giảm đi rõ rệt và Việt Nam đã đạt mức nước có thu nhập trung bình. Và có lẽ cũng chưa có một nước nào có tốc độ phát triển in-tơ-nét nhanh và rộng khắp như ở Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã liên tục đứng trong top 20 quốc gia có số người dùng in-tơ-nét lớn nhất thế giới với tỷ lệ hơn 30% dân số. Đó chẳng phải là quyền cơ bản nhất của con người hay sao?

Điều đáng nói là những thành công đó không phải do Việt Nam tự “biên” ra, mà nó đã được cả thế giới thừa nhận. Liên hợp quốc, tổ chức chính trị lớn nhất hành tinh, đã rất nhiều lần “xướng tên” Việt Nam như một trong những nước đạt được thành quả hàng đầu về công cuộc xóa đói giảm nghèo và thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ. Mới đây, Hạ nghị sĩ Ê-ni Pha-lê-ô-ma-vê-ga, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã khẳng định: “Việt Nam đang cải thiện tình hình nhân quyền bằng việc củng cố hệ thống luật pháp, các quyền về văn hóa xã hội, kinh tế. Việt Nam như tôi biết chào đón sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong việc thực thi các chính sách nhân quyền”.

Cũng không thể nói rằng, ở Việt Nam không có tự do tôn giáo khi hơn 80% dân số có tín ngưỡng và quan trọng hơn, người dân được tự do hành đạo theo đức tin của mình. Có thể dẫn ra rất nhiều bằng chứng, những con số thống kê cho thấy, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc đem lại quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng cho người dân.

Các số liệu được đưa ra tại cuộc tọa đàm về tự do tôn giáo được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức ngày 20-6-2013 ở Oa-sinh-tơn cho thấy, nhận thức và hoạt động tôn giáo tại Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn trong vòng 20 năm qua. Đời sống tôn giáo ở Việt Nam chưa bao giờ sôi động như hiện nay và đang phát triển theo chiều hướng tích cực, tạo ra sự ổn định trong xã hội. Số người theo tôn giáo đã tăng từ 22 triệu lên 25 triệu người trong vòng 2 năm, trong khi số tôn giáo được công nhận đã tăng từ 06 lên 13 trong vòng 8 năm. Rất nhiều tôn giáo có đại diện trong Mặt trận Tổ quốc và Quốc hội, góp phần củng cố chính sách đại đoàn kết dân tộc.

Cũng tại cuộc tọa  đàm này, Tiến sĩ C.Xây-pơn, Chủ tịch Viện Can dự toàn cầu (IGE), một tổ chức phi chính phủ  Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam đã đánh giá cao những tiến triển về tự do tôn giáo tại Việt Nam: “Lần đầu tiên kể từ năm 1975, Chính phủ Việt Nam sẽ tài trợ 150.000USD cho công tác nghiên cứu về vấn đề tôn giáo và pháp quyền. Chúng tôi đồng hành với những gì Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang thực hiện. Nếu không có những quyết định tích cực của Việt Nam thì chúng tôi sẽ không thể hoạt động tại đây”.

Hay như Luật sư L.Hôm-mơ, người từng đến Việt Nam 18 năm trước, cũng tại cuộc tọa đàm ở Oa-sinh-tơn, đã nói rằng nhìn lại thời điểm đó, mới thấy Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong mọi lĩnh vực. Ông Hôm-mơ nói rằng: “Người ngoài cuộc khó có thể hình dung được Việt Nam thiếu thốn các nguồn lực như thế nào để có thể giải quyết biết bao vấn đề như vậy. Chính vì thế mà tôi muốn được chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo”.

Tiếng nói của những người có uy tín trên cho thấy, các vấn đề mà Dự luật H.R. 1897 nêu ra đã phản ánh một cách phiến diện, sai trái, không khách quan về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam. Hơn thế nữa, việc các Dự luật này gắn vấn đề nhân quyền Việt Nam với các khoản viện trợ cho Việt Nam rõ ràng là những việc làm đi ngược lại lợi ích của nhân dân Việt Nam, những người đang phải nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Nhân đây phải nói thêm rằng, các hành vi vi phạm pháp luật của mọi công dân, dù theo đạo hay không theo đạo cũng đều phải bị xử lý đúng theo luật định. Đây là điều bình thường ở một quốc gia tôn trọng pháp quyền. Không thể dẫn ra một vài vụ, khi mà một số phần tử quá khích, lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do ngôn luận để tập hợp và kích động một nhóm người thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, buộc các cơ quan chức năng phải can thiệp và xử lý, để nói rằng Việt Nam vi phạm quyền con người, vi phạm tự do tôn giáo. Đã là vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý, ở Mỹ hay ở đâu cũng thế, chứ không riêng Việt Nam. Nếu không thì các nhà chức trách Mỹ việc gì phải truy nã gắt gao nhà sáng lập WikiLeaks hay “kẻ lộ mật” E. Xnâu-đơn với cáo buộc những người này đã tiết lộ những thông tin được cho là “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”?

Hy vọng Thượng viện Mỹ sẽ tiếp tục không thông qua H.R. 1897 như đã từng bác bỏ những dự luật tương tự trước đó. Nước Mỹ từng tiếc nuối nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, nay hai nước đã bình thường hóa quan hệ và có đủ cơ chế để đối thoại trên tất cả các lĩnh vực, nhất là khi Việt Nam và Mỹ vừa xác lập quan hệ Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm Mỹ vừa rồi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Việc Thượng viện Mỹ bác bỏ Dự luật H.R. 1897 sẽ không chỉ phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân Mỹ mà chắc chắn còn mở ra trường đối thoại cởi mở hơn giữa hai quốc gia từng một thời chia rẽ.

Quan hệ Việt - Mỹ đã và đang có những bước phát triển vượt bậc. Trong bối cảnh như thế, việc đối thoại thẳng thắn, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau về các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề quyền con người, quyền tự do tôn giáo sẽ giúp thu hẹp khác biệt, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển vì lợi ích của cả hai nước.

SONG ANH
Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.