Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Hai, 06/03/2017, 07:52 (GMT+7)
Mở ra chương mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Nhật Bản

Nhân dịp Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tới Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phỏng vấn phóng viên báo Asahi Shimbun của Nhật Bản. Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung chính bài trả lời phỏng vấn.

Phóng viên: Xin Ngài cho biết chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản có tác động như thế nào đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Người Việt Nam biết tới Nhật Bản là một đất nước hiện đại, tươi đẹp, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Dưới sự trị vì của Nhà vua và Hoàng hậu và sự lãnh đạo của Chính phủ Nhật Bản, đất nước Nhật Bản đã vươn lên, phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu của thế giới, là hình mẫu cho sự thành công của tinh thần đổi mới và sáng tạo trong phát triển đất nước. Lắng sâu trong sự “thần kỳ Nhật Bản” chính là những người dân của đất nước mặt trời mọc, đó là những con người có tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, đứng vững trước mọi thử thách của thiên nhiên, có sức sáng tạo, đổi mới và tinh thần làm việc kỷ luật, chăm chỉ.

Vượt qua những thăng trầm của lịch sử, với nhiều nét tương đồng về văn hóa, giá trị nhân văn, hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản đã gắn bó và tạo dựng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Nhân đây, tôi muốn đề cập đến một địa danh gắn liền với mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản từ xa xưa, đó là Phố cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam, nơi từng là một thương cảng hết sức sầm uất ngay từ thế kỷ 17 và thế kỷ 18, tấp nập các đoàn thuyền buôn của người Nhật Bản đến giao thương. Nói một cách hình ảnh, Chùa Cầu ở Phố cổ Hội An với dấu ấn văn hóa Nhật Bản đậm nét có thể được xem như là một trong những biểu trưng cho sự kết nối giữa hai dân tộc. Về những thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm qua, không thể không nhắc đến những đóng góp và hỗ trợ quý báu của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản.

Chính vì lẽ đó, đất nước và nhân dân Việt Nam hết sức vui mừng được đón Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đến thăm Việt Nam lần đầu. Chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng Hậu đặt một dấu mốc lịch sử, là một biểu tượng hết sức có ý nghĩa về tình hữu nghị giữa hai dân tộc, mở ra một chương mới trong quan hệ hữu nghị, đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.

Phóng viên: Xin Thủ tướng đánh giá về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong những năm qua, thời điểm hiện nay và trong tương lai? Thủ tướng có đề xuất gì nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Có thể nói, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Việc hai nước thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á tháng 3-2014 và đạt được Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tháng 9-2015 là những dấu mốc quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển quan hệ toàn diện và thực chất giữa hai nước trên mọi lĩnh vực. Trong những năm qua, hai nước đã tạo dựng và tăng cường sự tin cậy chính trị, thường xuyên có các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, thiết lập và triển khai hiệu quả nhiều cơ chế đối thoại, hợp tác.

Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, thể hiện ở việc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam với kim ngạch thương mại năm 2016 đạt 30 tỷ USD và đang tăng nhanh, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai với hơn 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động có số vốn tới 42 tỷ USD, trong đó có nhiều tập đoàn lớn, đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Nhật Bản là nước cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Việt Nam và hai nước đang cùng triển khai nhiều dự án quy mô lớn tại Việt Nam, nhất là về cơ sở hạ tầng, năng lượng.

Bên cạnh đó, quan hệ hai nước tiếp tục đạt nhiều tiến triển trên các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, nông nghiệp, lao động, ứng phó biến đổi khí hậu... Hoạt động giao lưu nhân dân và du lịch diễn ra rất sôi nổi. Đã có gần 30 cặp địa phương hai nước thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị. Số người Nhật Bản du lịch Việt Nam nhiều thứ ba trong tổng số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam năm 2016. Hai nước cũng rất chú trọng hợp tác giáo dục. Đại học Việt - Nhật được thành lập và hoạt động từ tháng 9-2016 với sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực, có trách nhiệm của Chính phủ hai nước. Việt Nam cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực giáo dục đại học, thông qua việc cho phép thành lập Đại học Y khoa Tô-ki-ô Việt Nam tại tỉnh Hưng Yên năm 2015.

Trong thời gian tới, tôi cho rằng hai nước còn có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 01-2017 của Thủ tướng S.A-bê, tôi và ngài Thủ tướng mong muốn đưa hợp tác giữa hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, toàn diện, nhất là về kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, nhân dân, tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc. Với ưu thế về vốn, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý của Nhật Bản và nguồn tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng của Việt Nam, hai nước có thể phát huy tối đa lợi thế bổ sung lẫn nhau, tăng cường tính kết nối giữa hai nền kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác có nhiều tiềm năng.

Phóng viên: Số lượng người Việt Nam sống tại Nhật Bản đang tăng một cách nhanh chóng, Thủ tướng nhận xét gì về điều này và liệu có những thách thức gì với Chính phủ của hai nước trong vấn đề này?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi rất vui mừng nhận thấy khi quan hệ hai nước ngày càng phát triển, giao lưu giữa nhân dân hai nước ngày càng mật thiết. Việt Nam và Nhật Bản đều là hai dân tộc giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Người Việt Nam và người Nhật Bản đều có truyền thống hiếu học, ý chí tự lực, tự cường, cần cù chăm chỉ.

Đất nước Nhật Bản tươi đẹp, hiện đại với nền giáo dục tiên tiến đang là điểm đến hấp dẫn của du khách Việt Nam và được nhiều thanh niên Việt Nam lựa chọn để du học và học nghề. Các tu nghiệp sinh, các lao động trẻ của Việt Nam đang hằng ngày đóng góp thiết thực cho nguồn nhân lực tại Nhật Bản. Việt Nam với nền kinh tế phát triển năng động, nhiều danh lam, thắng cảnh và nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên cũng đã và đang thu hút ngày càng nhiều người Nhật Bản đến du lịch, tham quan, làm ăn và sinh sống. Năm 2016, có hơn 740 nghìn lượt người Nhật Bản sang Việt Nam và hơn 200 nghìn lượt người Việt Nam sang Nhật Bản. Hiện có hơn 170 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại Nhật Bản, trong đó có khoảng 60 nghìn du học sinh, 72 nghìn thực tập sinh. Những người Việt Nam ở Nhật Bản và những người Nhật Bản tại Việt Nam thật sự là những nhịp cầu của tình hữu nghị, đưa hai dân tộc chúng ta gần nhau hơn.

Tôi mong Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục cùng nhau hỗ trợ công dân hai nước vượt qua những khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa, tập tục, luật pháp để có thể hòa nhập, ổn định cuộc sống, học tập, làm việc và đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế - xã hội của mỗi nước…

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.