Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 30/07/2014, 08:55 (GMT+7)
Lên phương án bảo đảm an toàn cho lao động Việt Nam tại Li-bi

Chiều 29-7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có buổi làm việc với Vụ Tây Á - Châu Phi (Bộ Ngoại giao) và 14 doanh nghiệp xuất khẩu lao động về tình hình lao động Việt Nam ở Li-bi và các phương án bảo đảm an toàn cho người lao động.

Lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng trở về nước (Ảnh: TTXVN)

Ngay từ đầu tháng 7, sau khi tình hình Li-bi có chiều hướng diễn biến phức tạp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Vụ Tây Á - Châu Phi và Đại sứ quán Việt Nam tại Li-bi theo dõi và nắm tình hình. Tính đến tháng 7-2014, có 1.750 lao động Việt Nam đang làm việc tại Li-bi do 14 doanh nghiệp cung ứng. Trong đó, có 281 lao động Việt Nam tại hai khu vực có chiến sự là Tơ-ri-pô-li và Ben-ga-di, số còn lại làm việc ở những khu vực chưa có chiến sự.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Li-bi và báo cáo của các doanh nghiệp, hiện nay, nơi làm việc và chỗ ở của người lao động Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều. Ngay tại hai khu vực bất ổn, người lao động Việt Nam cũng được bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, hiện có 206 lao động của Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA) cung ứng cho Công ty TML (Thổ Nhĩ Kỳ) ở khu vực Mi-xra-ta, nơi chủ sử dụng lao động đã có kế hoạch rút khỏi Li-bi, mặc dù chưa có chiến sự. Các công ty Hàn Quốc đã lên kế hoạch cho các tình huống xấu có thể xảy ra; số lao động còn lại ở những nơi khác vẫn đi làm việc bình thường.

Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: Cục đã đề xuất các phương án bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam. Theo đó, trước mắt tạm dừng đưa lao động mới sang làm việc tại Li-bi. Với lao động đang làm việc, đánh giá và phân loại mức độ an toàn của từng khu vực để có phương án cụ thể. Đồng thời, Cục chỉ đạo các doanh nghiệp có kế hoạch chủ động phối hợp đối tác và các cơ quan chức năng trong từng phương án, như: di tản khỏi Li-bi, di chuyển đến vùng an toàn hoặc ở lại làm việc và theo dõi sát tình hình...

Đối với những trường hợp lao động phải đưa về nước, doanh nghiệp cần có các phương án tư vấn cụ thể cho người lao động theo hướng: Tạm thời chờ ổn định tình hình để quay trở lại Li-bi làm việc; đưa người lao động sang nước khác làm việc; thanh lý hợp đồng lao động và hỗ trợ người lao động theo quy định hiện hành nếu người lao động không có nhu cầu tiếp tục làm việc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ về các phương án bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam tại Li-bi.

ông Nguyễn Đức Nam, Phó Giám đốc Công ty SONA cho biết, hiện SONA có hơn 500 lao động Việt Nam làm việc tại Li-bi, số 206 lao động Việt Nam làm việc cho Công ty TML hiện đã di tản sang Thổ Nhĩ Kỳ an toàn, và có phương án đưa lao động Việt Nam về nước trong thời gian tới. Đồng thời, nhà thầu này cũng cam kết sẽ nhận lại số lao động này khi dự án tiếp tục hoạt động... Với các lao động Việt Nam còn lại, công ty sẽ phối hợp cùng chủ sử dụng lao động và các cơ quan chức năng lên phương án bảo đảm an toàn cho người lao động.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.