Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Hai, 23/09/2013, 09:34 (GMT+7)
Lấp lánh những tấm gương vì sự nghiệp bảo vệ biên giới, biển đảo

Ngày 22-9, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức Hội nghị biểu dương người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong sự nghiệp bảo vệ biên giới, biển đảo Tổ quốc năm 2013. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Trung tướng Bùi Quang Bền, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Đào Duy Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Phó Tổng tham mưu trưởng, cùng 246 đại biểu là người có công tiêu biểu đại diện cho những người có công và thân nhân liệt sĩ trong cả nước.

Một dịp tri ân thiết thực

7 giờ 30 phút, trước giờ diễn ra hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu đại diện các đoàn đã đến dâng hoa và thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung (thành phố Nha Trang - Khánh Hòa).

Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, đây là dịp để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tưởng nhớ, tri ân những anh hùng đã hy sinh xương máu, tuổi xuân cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ biên giới, biển đảo nói riêng, là thể hiện của đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, biểu dương những gương tiêu biểu đã và đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo Tổ quốc, nay tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên trong các lĩnh vực lao động sản xuất, học tập và công tác, đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, biển đảo.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung.

Hiện nay, cả nước có khoảng 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm gần 10% dân số. Trong đó, có hơn 01 triệu liệt sĩ, gần 800 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh;  185 nghìn thương binh; 1.253 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; hơn 100 nghìn người có công giúp đỡ cách mạng, hơn 300 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 200 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày... 

Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã có hàng vạn người con ưu tú đã anh dũng hy sinh bảo vệ biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Để ghi nhớ công lao những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh xương máu vì dân, vì nước, hơn nửa thế kỷ qua, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng, Nhà nước đã không ngừng chăm lo các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng. Bằng những việc làm thiết thực trong 05 năm qua, cả nước đã xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền gần 800 tỷ đồng, xây mới gần 11 nghìn nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 16 nghìn nhà tình nghĩa trị giá hàng ngàn tỷ đồng; nhiều phong trào toàn dân tri ân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ được tổ chức thường xuyên, liên tục và rộng khắp đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc như phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thân nhân liệt sĩ, đỡ đầu con liệt sĩ... Đặc biệt là công tác tri ân đối với những người có công trong sự nghiệp bảo vệ biên giới, biển đảo hôm nay và ngày mai đã và đang lan tỏa sâu rộng trong triệu trái tim người Việt Nam bởi đất nước ta có hàng nghìn km biên giới, bờ biển với thềm lục địa, biển đảo rộng lớn. Việc giữ gìn biên giới, biển đảo là trách nhiệm thiêng liêng đối với Tổ quốc.

Ngời sáng những tấm gương người có công

Hội nghị đã được nghe những báo cáo thành tích của các đại biểu người có công tiêu biểu đã vượt lên thương tật, bệnh tật, vượt qua muôn vàn khó khăn giữ vững biên cương và biển đảo Tổ quốc. Những tấm gương sáng về lòng yêu nước, về ý chí kiên cường ấy đã góp phần giáo dục thế hệ trẻ noi theo, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng góp phần xây dựng và phát triển đất nước. 

Đó là ông Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1966, thương binh hạng 2/4, hiện đang sống tại tổ 14 Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Tháng 02-1987, ông Dũng lên đường nhập ngũ và sau hơn 6 năm đi phục vụ chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa và bị thương ngày 03-5-1989 tại đảo Nam Yết. Sau khi phục viên về địa phương, ông Dũng bắt đầu nghề kinh doanh, đã thành lập doanh nghiệp tư nhân, hằng năm thu nhập gần 1,5 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước hơn 150 triệu đồng. Đó là ông Nguyễn Văn Vinh, sinh năm 1963, thương binh 1/4 hiện đang sống tại ấp Hưng Long, xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày (Bến Tre). Năm 1986, ông tham gia Mặt trận 979, biên giới Tây Nam. Ngày 01-4-1986, trong một trận chiến đấu oanh liệt, ông bị thương nặng. Sau khi trở về địa phương, vượt lên thương tật, ông tiếp tục phấn đấu, có nhiều đóng góp, được các bộ, ngành khen thưởng.

Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền trao Bằng khen cho các đại biểu LLVT.

Đại diện đại biểu quân đội, Đại tá Lê Văn Chín, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, thương 4/4 phát biểu: “Tôi luôn nhận thức rằng cần phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với bao đồng đội đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, nhân dân. Bản thân tuy bị thương tật nhưng còn may quá may mắn so với nhiều đồng đội khác, do đó càng phải cố gắng hơn nữa trong công tác cũng như trong tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước có những chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công, các gia đình thương binh, liệt sĩ”.

Cả hội nghị lặng đi trong niềm xúc động khi nghe tâm sự của Đại úy Trần Thị Thu Hà, Công an tỉnh Hà Nam, là con của liệt sĩ Trần Đức Thông hy sinh trên quần đảo Trường Sa năm 1988. Chị Nga đã không kìm nổi nước mắt khi nói về người cha của mình luôn mẫu mực là tấm gương sáng để giúp chị vượt qua mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Còn ý kiến phát biểu của Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên DK1, Tiểu đoàn 2, Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã cho mọi người hiểu rõ hơn những khó khăn, vất vả hy sinh và tinh thần vượt khó của cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm thầm lặng làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Thay mặt Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính Phủ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, yêu cầu các cơ quan của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, thời gian tới phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành, các địa phương làm tốt công tác chính sách đối với người có công và thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Đồng thời, giải quyết, khắc phục dứt điểm những vướng mắc, thiếu sót trong công tác chính sách đối với người có công.

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Đào Duy Minh nhấn mạnh, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biên giới, biển đảo Việt Nam có vai trò quan trọng, cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách hiện hành của Đảng, Nhà nước đối với chính sách quân đội và quan tâm chăm sóc đối với người có công, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân đang làm nhiệm vụ ở biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Đây là trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng và mệnh lệnh từ trái tim của mọi cán bộ, chiến sĩ quân đội bằng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Trong thời gian tới, các đơn vị toàn quân tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; tiếp tục, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành liên quan trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, biển đảo phải gắn chặt với bảo đảm quốc phòng - an ninh, sẵn sàng đối phó với các tình huống phức tạp xảy ra trên vùng biên giới, biển đảo. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với quân đội và hậu phương quân đội, quan tâm hơn nữa đến cán bộ, chiến sĩ và gia đình cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới, biển đảo; tích cực tham gia có hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; làm nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách, chú trọng đối tượng người có công, thân nhân liệt sĩ trong sự nghiệp bảo vệ biên giới, biển đảo có hoàn cảnh khó khăn; tạo công ăn việc làm cho con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, góp phần cổ vũ động viên cán bộ, chiến sĩ trong quân đội yên tâm công tác, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ vùng trời, biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.