Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 19/06/2015, 09:45 (GMT+7)
Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2015)

Sáng 18-6, tại Trụ sở Báo Nhân Dân (Hà Nội), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo quốc gia "90 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm".

Các đại biểu tại buổi Hội thảo. Ảnh: DUY LINH

Tới dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo quốc gia. Cùng dự Hội thảo, có đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; các nhà báo lão thành, các đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân qua các thời kỳ; lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan thông tấn, báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam ở Trung ương và địa phương. Các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông; Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, chủ trì Hội thảo.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội thảo, đồng chí Thuận Hữu nêu rõ: Dưới sự chăm lo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, 90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân. Hệ thống báo chí ngày nay lớn mạnh với bốn loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử), kịp thời cung cấp luồng thông tin khổng lồ, về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu thông tin hằng ngày của nhân dân.

Đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh: Trong hoạt động, báo chí luôn có ý thức phát huy truyền thống vẻ vang, giữ vững bản lĩnh chính trị vững vàng của báo chí cách mạng Việt Nam, có những đóng góp to lớn trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, trong tư thế của người chiến sĩ. Đó là truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam và bản lĩnh, trách nhiệm của các nhà báo trong suốt 90 năm đồng hành, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, sự phát triển của công nghệ thông tin, báo chí vẫn còn mắc những sai phạm, khuyết điểm. Trách nhiệm của những người làm báo là phải sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém để giữ vững, phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ cha, anh đi trước...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng nêu rõ những vấn đề từ lý luận và thực tiễn cuộc sống đòi hỏi đội ngũ những người làm báo cần tiếp tục quan tâm làm tốt trong thời gian tới. Trong đó, báo chí cách mạng không được né tránh những vấn đề được coi là "nhạy cảm", nhất là về những yếu kém, tụt hậu nhiều mặt của nước ta bộc lộ sau gần 30 năm đổi mới; những vấn đề về phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm và nguy cơ chệch hướng sang "chủ nghĩa tư bản thân hữu". "Chỉ rõ, tìm ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém để xác định các giải pháp hữu hiệu thì báo chí cách mạng mới hoàn thành sứ mệnh đối với dân tộc và giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng" - đồng chí Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Bắc Son nêu rõ những yêu cầu phát huy truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó lưu ý, cùng với sự phát triển của báo chí và đội ngũ những người làm báo, cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí. Bảo đảm nguyên tắc báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phù hợp xu thế phát triển của xã hội. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí để điều chỉnh kịp thời những vướng mắc, phát sinh từ thực tiễn phát triển của báo chí trong xu thế truyền thông đa phương tiện; làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp hệ thống báo chí, tạo cơ chế và nguồn lực để báo chí phát triển. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo và làm công tác quản lý nhà nước về báo chí.

Hơn 30 tham luận tại Hội thảo đã phân tích sâu sắc về truyền thống 90 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam và làm sáng tỏ những bài học kinh nghiệm thực tiễn, đó là: Đường lối đổi mới đúng đắn là nhân tố đầu tiên tạo điều kiện cho báo chí phát triển mạnh mẽ và hoạt động đúng hướng. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí là yếu tố quyết định bảo đảm báo chí phát triển lành mạnh. Làm tốt công tác thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về báo chí thành chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo hành lang pháp lý để báo chí hoạt động thuận lợi.

Nhiều tham luận nêu rõ, trong điều kiện kinh tế thị trường, thương mại hóa báo chí vừa là vấn đề thực tiễn nhưng lại mang tính lý luận. Một mặt, báo chí phải bảo đảm nhiệm vụ chính trị, đồng thời phải cạnh tranh thông tin để phát triển. Thương mại hóa báo chí là hệ quả phát sinh từ tác động của mặt trái cơ chế thị trường đối với báo chí. Thực tiễn cho thấy, hoạt động báo chí là loại hình hoạt động vừa chịu sự tác động của các quy luật phát triển tư tưởng - văn hóa, vừa chịu sự tác động của các quy luật kinh tế. Nếu chỉ chú trọng lợi ích kinh tế sẽ dẫn tới thương mại hóa hoạt động báo chí, làm suy thoái đạo đức, trách nhiệm của một bộ phận người làm báo, gây hậu quả xấu đối với xã hội. Ngược lại, nếu chỉ đề cao vai trò báo chí ở phương diện tư tưởng - văn hóa, là công cụ công tác tư tưởng, sẽ dẫn đến khả năng không phát huy hết những giá trị đích thực của báo chí. Do vậy, trong công tác quản lý nhà nước về báo chí, cần chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí để tạo điều kiện cho báo chí phát triển, đồng thời ngăn ngừa các tác hại từ mặt trái kinh tế thị trường, làm ảnh hưởng đến định hướng tư tưởng - văn hóa. Làm tốt công tác quy hoạch phát triển và quản lý báo chí với quan điểm: Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng trong hoạt động. Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, Nhà nước có cơ chế, chính sách để phát triển báo chí một cách khoa học.

Nhấn mạnh đòi hỏi của Đảng và nhân dân hiện nay là báo chí cần nâng cao tính tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, nhiều ý kiến cho rằng, nơi nào đề cao sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí thì nơi đó báo chí phát triển đúng hướng và tích cực; việc đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo sẽ là nhân tố quyết định tính chính trị, tính thuyết phục, tính hiệu quả xã hội của mỗi sản phẩm báo chí. Đề cập đạo đức của người làm báo, các ý kiến đều nhấn mạnh tầm quan trọng việc tự giáo dục, học tập, rèn luyện bản lĩnh, trách nhiệm của mỗi nhà báo; đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam các cấp trong đoàn kết, tập hợp, giáo dục hội viên nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Tại Hội thảo, các tham luận đã đề cập nhiều nội dung như: nhà báo học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vai trò định hướng của báo chí, công tác đào tạo và bồi dưỡng người làm báo trong hội nhập, đào tạo nguồn nhân lực báo chí chất lượng cao, thách thức đối với báo chí trong tình hình hiện nay...

Phát biểu ý kiến tổng kết Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ trân trọng cảm ơn các nhà báo lão thành, lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã gửi đến Hội thảo những ý kiến góp ý sâu sắc, cụ thể, trách nhiệm. Từ kết quả Hội thảo, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ mở các đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa sâu rộng trong đội ngũ báo chí, qua đó, khắc phục những hạn chế, yếu kém và thiết thực phát huy truyền thống Báo chí Cách mạng Việt Nam, nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm, đạo đức của những người làm báo.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Sáng 18/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị.