Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 25/06/2014, 10:16 (GMT+7)
Kỳ họp của lòng yêu nước và tinh thần đổi mới

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Lòng yêu nước, tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm là những nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành công của kỳ họp quan trọng này”. Tinh thần ấy chính là điểm sáng xuyên suốt kỳ họp rất quan trọng, diễn ra trong thời điểm bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, phức tạp…

Kỷ lục lập pháp

Tại Cuộc họp báo về kỳ họp chiều 24-6, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng đánh giá: “Chưa bao giờ Quốc hội có một kỳ họp với nội dung lập pháp rộng lớn như vậy”. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 11 luật và 2 nghị quyết, trong đó gồm các luật: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Như vậy, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, ưu tiên các luật liên quan tới tổ chức bộ máy Nhà nước, kinh tế thị trường định hướng XHCN, quyền con người; góp phần đưa Hiến pháp nhanh đi vào cuộc sống.

Quốc hội đã cho ý kiến về 16 dự án luật, trong đó có Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Quốc hội cũng đã quyết định đưa dự án Luật Biểu tình bổ sung vào chương trình xây dựng pháp lệnh năm 2015.

Quang cảnh Phiên bế mạc (Ảnh: TTXVN)

 

 Hoàn thiện Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp sau

Kỳ họp thứ 7 đã thể hiện sự tiếp thu sâu sắc ý kiến của cử tri về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Quốc hội khẳng định, chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là đúng đắn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Tuy nhiên, qua thảo luận, nổi lên một số nội dung còn ý kiến rất khác nhau của các đại biểu, nhất là quy định về thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm và mức độ tín nhiệm. Xét đây là vấn đề hết sức hệ trọng, cần có sự đồng thuận cao trước khi quyết định, Quốc hội đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp tục lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND), lắng nghe ý kiến cử tri để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8. Đồng thời, Quốc hội cũng quyết định tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2014.

Bước tiến mới về giám sát tối cao

Theo báo cáo của UBTVQH sáng 24-6, thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới về nội dung và hình thức; giúp các cơ quan chịu sự giám sát có sự điều chỉnh phù hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, thực thi pháp luật. Cho ý kiến về giám sát chuyên đề năm 2015, đa số đại biểu Quốc hội tán thành trong năm 2015, Quốc hội tiến hành giám sát tại mỗi kỳ họp một chuyên đề; UBTVQH tiến hành giám sát hai chuyên đề; Hội đồng dân tộc giám sát một đến hai chuyên đề, các Ủy ban giám sát một chuyên đề; tăng cường hoạt động giải trình tại hội đồng, ủy ban. Với 5 chuyên đề được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp này, đã có hơn 260 đại biểu trong tổng số 306 đại biểu nhất trí tán thành chọn giám sát hai chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014; Tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Quốc hội đã quyết định chọn hai nội dung trên và thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015 vào sáng 24-6.

Chất vấn góp phần giải tỏa những vấn đề bức xúc của cử tri

Báo cáo về kết quả kỳ họp do Văn phòng Quốc hội công bố chiều 24-6 đã nêu vấn đề này. Tại kỳ họp thứ 7, có 189 văn bản chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, trưởng ngành. Sau 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trực tiếp các bộ trưởng: Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp và Tổng thanh tra Chính phủ. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và tiếp tục trả lời chất vấn. Đánh giá về phiên chất vấn, đa số cử tri đồng tình, ủng hộ và hài lòng. Nhìn chung, phiên chất vấn đã thể hiện bầu không khí dân chủ, cởi mở, góp phần giải tỏa được những vấn đề bức xúc của cử tri. Nhiều đại biểu đã nêu trực diện những vấn đề hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực khiến dư luận cử tri bất bình. Tuy nhiên, một số cử tri cho rằng, vẫn có hiện tượng né tránh trả lời khi gặp câu hỏi khó, vấn đề nhạy cảm hoặc nhận lỗi, nhận trách nhiệm cho xong để xoa dịu cử tri nhưng “nhận xong rồi thì để đấy”. Cử tri kiến nghị Quốc hội phải tăng cường công tác giám sát sau các phiên chất vấn hơn nữa.

Bài toán kinh tế trước những tác động bất lợi

Quốc hội thống nhất nhận định, trong những tháng đầu năm 2014, nền kinh tế có xu hướng phục hồi với nhiều điểm sáng tích cực, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ hai năm trước, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, lãi suất ổn định và có xu hướng giảm, xuất khẩu tăng khá và có nhập siêu, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém, tổng cầu chưa cải thiện, chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng suất lao động thấp; thiếu vốn nhưng giải ngân chậm, nông nghiệp, nông dân, nông thôn gặp nhiều khó khăn; tái cơ cấu kinh tế chưa mạnh mẽ, nợ đọng thuế lớn, nợ xây dựng cơ bản còn nhiều, cân đối ngân sách Nhà nước năm 2014 gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Tại Kỳ họp đã có nhiều đóng góp, hiến kế cho bài toán kinh tế nước nhà. Quốc hội cũng nhận thức sâu sắc trước các tác động bất lợi từ những diễn biến phức tạp, khó lường ở Biển Đông, hơn lúc nào hết, tháo gỡ khó khăn về kinh tế vẫn là giải pháp hàng đầu để vượt qua thách thức. Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Quốc hội đã có một quyết định kịp thời, hợp lòng dân là hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ và hỗ trợ các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư.

Quốc hội mạnh mẽ lên án hành động sai trái của Trung Quốc

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định như vậy. Hiếm có kỳ họp nào, chủ đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo được thảo luận nhiều và sâu sắc như tại kỳ họp này. Có đại biểu Quốc hội còn kiến nghị Quốc hội ra một nghị quyết riêng về tình hình Biển Đông. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Ngay phiên khai mạc, Quốc hội đã bổ sung chương trình kỳ họp so với ban đầu. Ngay ở ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo tình hình Biển Đông; thảo luận và bàn rất kỹ, rất sâu sắc về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã ra thông cáo số 2 bày tỏ quan điểm, tuyên bố rõ ràng với 4 điểm. Bản thông cáo số 2 được xem như tuyên bố của Quốc hội.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Hòa chung nhịp đập trái tim của đồng bào, chiến sĩ cả nước, các vị đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của phía Trung Quốc. Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không được tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.