Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 17/01/2014, 22:01 (GMT+7)
Hội nghị Nhóm chuyên gia ADMM+
Khuôn khổ để chia sẻ, hỗ trợ đối phó với thảm họa

Sáng 17-01, tại Nha Trang đã diễn ra Hội nghị Nhóm chuyên gia ADMM+ (Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng) về Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ (ADMM+ EWG về HADR) lần thứ ba, do Việt Nam và Trung Quốc làm Đồng chủ tịch.

Trung tướng Võ Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị

 

Tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của quân đội

“Việt Nam là quốc gia chịu tác động lớn của thiên tai. Tham gia phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của quân đội. Chính phủ và quân đội luôn quan tâm ủng hộ thúc đẩy hợp tác khu vực trong đối phó với thảm họa. Chúng tôi đánh giá cao khuôn khổ hợp tác ADMM+ và tin tưởng rằng, đây là khuôn khổ mà việt Nam và các nước có thể chia sẻ, học tập, hỗ trợ lẫn nhau” ‒ Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam đã phát biểu như thế trong phiên khai mạc Hội nghị Nhóm chuyên gia ADMM+ (Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng) về Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ (ADMM+ EWG về HADR) lần thứ ba, do Việt Nam và Trung Quốc làm Đồng chủ tịch.

Hội nghị được tổ chức ở Việt Nam lần này nhằm tiếp tục thúc đẩy và duy trì động lực hợp tác của các Nhóm chuyên gia trong khuôn khổ ADMM+, khẳng định và nâng cao vị thế của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác của khu vực.

 Bàn giao cương vị Đồng chủ tịch Nhóm chuyên gia cho Nhật Bản và Lào

Tham dự Hội nghị có gần 60 đại biểu từ 17 nước thành viên ADMM+, thành viên Ban thư ký ASEAN và một số tổ chức khu vực, quốc tế. Đại tá Đỗ Mai Khanh, Phó viện trưởng Viện quan hệ quốc tế về quốc phòng của Việt Nam và Đại tá Triệu Bảo, Phó Cục trưởng Kế hoạch tổng hợp, Văn phòng ngoại sự, Bộ quốc phòng Trung Quốc, đồng chủ trì hội nghị.

Không quốc gia đơn lẻ nào có thể đối phó được với những thách thức xuyên quốc gia

Trung tướng Võ Văn Tuấn nhận định hợp tác, hội nhập và liên kết khu vực đang là dòng chảy chính trong đời sống chính trị và quan hệ quốc tế hiện nay. Các quốc gia ngày càng nhận thấy sự tùy thuộc lẫn nhau nhiều hơn, nhu cầu chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích chung. Bên cạnh đó, các nước cũng phải đối mặt với các thách thức an ninh phức tạp, xuyên quốc gia, đan xen và tác động nhiều chiều mà một quốc gia dù lớn hay nhỏ cũng khó có thể tự mình đối phó một cách hiệu quả. Cơn bão Hải Yến cuối năm 2013 cho thấy sức tàn phá ghê gớm, vượt ra ngoài khả năng đối phó của một quốc gia đơn lẻ.

Trong bối cảnh đó, hợp tác quốc phòng giữa các nước ASEAN với nhau và với các nước đối tác đã và đang có những tiến triển đáng khích lệ với nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể. Sự ra đời và phát triển của cơ cấu ADMM+ cho thấy quyết tâm của Hiệp hội ASEAN và các nước đối tác nhằm tăng cường hợp tác để đối phó với các thách thức đó và hoạt động tích cực của 5 nhóm chuyên gia cho thấy nỗ lực hiện thực hóa quyết tâm đó.    

 Hai đồng chủ trì Hội nghị

Trong khuôn khổ ADMM+, hoạt động của Nhóm chuyên gia về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa mà Việt Nam và Trung Quốc là đồng chủ trì trong 3 năm qua đã có những bước phát triển và đóng góp tích cực, hoàn thành kế hoạch hoạt động 3 năm đầu tiên để bước sang một giai đoạn hợp tác mới.

Trung tướng VõVăn Tuấn cho rằng, những gì mà Nhóm chuyên gia về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa đã làm trong thời gian qua đã cho thấy sự phát triển từng bước vững chắc của quá trình hợp tác trong khuôn khổ ADMM+. Từ sự chia sẻ, tăng cường hiểu biết tại Hội nghị lần đầu tiên tổ chức năm 2011 ở Trung Quốc, đến hội thảo trao đổi chuyên môn, đề xuất sáng kiến hợp tác tại hội nghị lần thứ hai tổ chức ở Việt Nam năm 2012.

Đến năm 2013, cùng với Nhóm chuyên gia về quân y, Nhóm chuyên gia về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa đã phối hợp tổ chức rất thành công Diễn tập về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa kết hợp quân y trong khuôn khổ ADMM+ tại Brunei. Hội nghị lần này là điều kiện thuận lợi để nhìn lại, đánh giá, rút ra bài học để tiếp tục định hướng cho các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.  

Vai trò ngày càng tăng của hợp tác giữa dân sự với quốc phòng

Sau phiên khai mạc, các đại biểu Việt Nam và Trung Quốc đã thay phiên chủ trì các phiên thảo luận tại Hội nghị Nhóm chuyên gia ADMM+ về Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ lần thứ ba. Trước đó, bà Mala Selvaraju, Trưởng phòng hợp tác về an ninh thuộc Ban thư ký ASEAN đã đọc báo cáo điểm lại những bước phát triển về hợp tác ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR). Ban thư ký ASEAN đánh giá cao việc tổ chức thành công Diễn tập về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa kết hợp quân y trong khuôn khổ ADMM+ vào tháng 6-2013 tại Brunei, các hoạt động hợp tác của ASEAN trong việc đối phó và hỗ trợ Philippines sau cơn bão Hải Yến tàn phá thành phố Tacloban và nhiều khu vực khác của nước này tháng 11 năm 2013.

Trong các phiên thảo luận, đại biểu các nước tham dự Hội nghị đã nêu lên nhiều bài học trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ trợ thảm họa. Trung tá Benedict Arevalo, trưởng đoàn Philippines đã nêu lên những kinh nghiệm của nước này trong việc đối phó với siêu bão Hải Yến (tên Philippines là siêu bão Yolanda). Philippines đã hêu gọi, phối hợp với 57 quốc gia, 29 tổ chức quốc phòng để tiến hành các hoạt động đối phó và cứu trợ sau bão. Chính nhờ có những nỗ lực quốc tế về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ trợ thảm họa này mà những thiệt hại do siêu bão Hải Yến gây ra ở Philippines đã được hạn chế đến mức tối đa.

Hội nghị Nhóm chuyên gia ADMM+ (Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng) về Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ (ADMM+ EWG về HADR) lần thứ ba

Trung tá Mohammad Shannonnizam Sulaiman, trưởng đoàn Brunei đã tham luận, nêu những kinh nghiệm của Brunei trong việc tổ chức Diễn tập về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa kết hợp quân y trong khuôn khổ ADMM+ tháng 6-2013. Đây là một hoạt động diễn tập trên quy mô lớn với sự tham gia của 986 thành viên người Brunei, 3230 nhân viên quốc tế, đòi hỏi có sự chuẩn bị, phối hợp kỹ càng của các nước tham gia mà Brunei giữ vai trò điều phối, thu được kết quả rất tích cực.

Trong tham luận của mình, Đại tá Tommy Tan Ah Han, trưởng đoàn Singapore đã nhấn mạnh yếu tố hợp tác giữa khu vực dân sự với quốc phòng ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ trợ thảm họa. Đại tá Triệu Bảo, trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đã điểm lại các hoạt động của Nhóm chuyên gia về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa trong nhiệm kỳ 3 năm qua, vạch ra những hướng hoạt động của Nhóm trong nhiệm kỳ tới…

Tham luận của Đại tá Phạm Văn Tỵ, Trưởng đoàn Việt Nam, đã điểm lại những kinh nghiệm và bài học rút ra trong việc tổ chức đợt Diễn tập thực binh ứng phó với thảm họa khẩn cấp khu vực ASEAN tại Việt Nam (ARDEX-2013), tháng 10-2013. Đây là đợt diễn tập lớn có sự tham gia của lực lượng 6 nước là:Brunei, Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, các quan sát viên từ 7 nước, với tổng quân số lên đến 2246 người. Tham luận đã rút ra 6 bài học quý báu, từ việc chỉ đạo trực tiếp  của Chính phủ, thành lập các nhóm hỗ trợ, xây dựng kịch bản diễn tập cho đến việc nước chủ nhà tạo điều kiện thuận lợi tối đa về cơ sở vật chất kỹ thuật cho các nước tham gia diễn tập, tiến hành các hoạt động sát thực tế, tổ chức Trung tâm đa chức năng để chỉ huy diễn tập…Những kinh nghiệm đó đã góp phần quan trọng để Việt Nam tổ chức thành công ARDEX-2013. 

Kết thúc Hội nghị, đại biểu Việt Nam và Trung Quốc đã bàn giao cương vị Đồng chủ tịch nhiệm kỳ tới (2014 ‒ 2016) cho Đồng chủ tịch mới của Nhóm chuyên gia ADMM+ là Nhật Bản và Lào.

 

VĂN YÊN /qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.