Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Ba, 10/01/2017, 10:13 (GMT+7)
Khai mạc phiên họp thứ sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp

Sáng 09-1, phiên họp lần thứ sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); dự án Luật Quản lý ngoại thương; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quy hoạch; dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự án Luật Cảnh vệ. Đồng thời, xem xét, thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, công chức đã nghỉ hưu.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Lấy thí dụ về công tác bồi thường của Nhà nước thời gian qua, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực tế, qua hai thỏa thuận bồi thường án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn và ông Huỳnh Văn Nén cho thấy rất khó để định lượng mức bồi thường. Có những khoản bồi thường được vận dụng trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính thì dễ; ngược lại, những khoản bồi thường lớn hoàn toàn mang tính định tính như những tổn hại về tinh thần, sức khỏe, danh dự thì rất khó xác định được mức bồi thường. Hai thỏa thuận bồi thường nêu trên đã tạo tiền lệ trong thỏa thuận bồi thường. Sau này, người bị oan sai thường lấy vụ ông Chấn làm căn cứ để tính thiệt hại, dẫn tới mức đòi bồi thường quá cao. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, sai sót của quá trình tố tụng là xuyên suốt từ các khâu: điều tra, truy tố, xét xử. Khi xử lý trách nhiệm phải xử lý từ khâu đầu đến cuối mới công bằng, bảo đảm tính cộng đồng trách nhiệm. Nhưng cơ quan nào ra quyết định cuối cùng tạo nên bản án thì cơ quan đó phải xin lỗi và chịu trách nhiệm bồi thường. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý với việc phải lượng hóa thiệt hại để có căn cứ tính mức bồi thường. Với khoản bồi thường về tinh thần thì phải phân ra làm hai loại, loại án nặng làm tinh thần hoảng loạn và loại án ở mức nhẹ…

Về ý kiến đề nghị thành lập Quỹ bồi thường độc lập, đa số các ý kiến đề nghị không nên thành lập quỹ bởi tất cả các nguồn thu từ ngân sách nhà nước. Cơ quan nhà nước làm sai thì phải lấy ngân sách nhà nước bồi thường. Mặt khác, nếu thành lập quỹ sẽ phát sinh tổ chức bộ máy biên chế, không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế.

Thảo luận về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), nhiều ý kiến thống nhất việc cần rà soát, sắp xếp để tổ chức lại hệ thống chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Đồng thời, để bảo đảm việc thành lập chi nhánh một cách thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tế; cần quy định cụ thể thẩm quyền, cơ chế phối hợp nhằm hạn chế việc thành lập tràn lan các chi nhánh trợ giúp pháp lý.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý ngoại thương. Đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, ở thời điểm hiện tại chưa nên quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và một số đại biểu khác cho rằng, hiện nay nước ta đã có tham tán thương mại, được điều chỉnh bởi Luật Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài chính là các đại sứ đặc mệnh toàn quyền làm đại diện, ngoại giao cả kinh tế và văn hóa. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu thực tế, trước đây nước ta có tổ chức của tham tán thương mại tại các nước, một số nơi có văn phòng hoặc trung tâm xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng hoạt động có hiệu quả và cũng chưa có tổng kết về vấn đề này để có cơ sở đánh giá. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Nhà nước cần khuyến khích các hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tham gia tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.