Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Ba, 16/10/2018, 08:43 (GMT+7)
Khai mạc phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp

Ngày 15-10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 28, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Phiên họp này nhằm rà soát lại các công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến đối với các báo cáo về: kinh tế - xã hội; ngân sách nhà nước; cơ cấu lại nền kinh tế; chương trình mục tiêu quốc gia; điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018; kế hoạch đầu tư công trung hạn; nguồn kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2017; kế hoạch tài chính quốc gia; chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, cho ý kiến về các báo cáo: tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018 và công tác nhân sự…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên họp có thời gian hạn chế (từ ngày 15 đến 17-10), cho nên các cơ quan cần trình bày báo cáo ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề chủ yếu, các đại biểu tập trung nghiên cứu tài liệu, đóng góp ý kiến sâu sắc, bảo đảm chất lượng các văn bản khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các báo cáo đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016 - 2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Kết quả ba năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các ý kiến cho rằng, năm 2018, dù phải đối mặt nhiều khó khăn, nhưng với định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đã thực hiện thành công mục tiêu kép là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo. Trong 12 chỉ tiêu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến có bốn chỉ tiêu đạt và tám chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục cẩn trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành bởi áp lực lạm phát những tháng cuối năm tiềm ẩn một số yếu tố bất lợi, đồng thời, có đánh giá sâu về tác động của những bất ổn kinh tế của khu vực và thế giới thời gian gần đây đối với tình hình đất nước. Hơn nữa, trong nước đang nổi lên những diễn biến không thuận lợi cần được quan tâm, như: tình trạng cháy, nổ gia tăng; xảy ra một số vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng với tần suất cao trong thời gian ngắn; công tác tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia xảy ra những vụ việc vi phạm nghiêm trọng tại một số tỉnh; việc sách giáo khoa xuất bản độc quyền, lãng phí, gây bức xúc trong xã hội; việc chậm xử lý sai phạm trong sản xuất hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, thực phẩm chức năng gây tâm lý lo ngại, bất bình trong dư luận...

Các ý kiến đánh giá, những năm qua, chất lượng tăng trưởng kinh tế vẫn thấp so với yêu cầu, hệ số ICOR còn ở mức cao. Nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước còn lớn, xuất khẩu vẫn phụ thuộc khu vực FDI. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, nhưng cần xem xét mức độ thực thi của các cấp, các ngành và hiệu quả thực chất. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm ở nông thôn còn hạn chế; các chính sách, chương trình, dự án đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn những nội dung chồng chéo, phân tán nguồn lực, khó khăn trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Khiếu kiện về đất đai tuy có giảm dần, nhưng vẫn còn phức tạp tại nhiều địa phương; ở một số nơi, các cấp chính quyền chưa quan tâm nhiều công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, khiến nhiều vụ việc càng phức tạp hơn, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

Nhiều đại biểu đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, lựa chọn thời điểm tăng giá và mức độ tăng giá phù hợp cho các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý. Tập trung cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, chi đầu tư và giảm tỷ trọng chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ thu, chi, giảm bội chi. Công khai, minh bạch trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát huy vai trò và tính hiệu quả của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số nội dung được các đại biểu nêu.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các báo cáo về: Điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giữa các bộ, địa phương năm 2018; Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Nguồn kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2017; Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước ba năm 2019 - 2021; Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.