Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Ba, 15/04/2014, 11:27 (GMT+7)
Khai mạc Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thảo luận đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 và Luật Dạy nghề (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu ý kiến
khai mạc Phiên họp. Ảnh: NHAN SÁNG (TTXVN)

Sáng 14-4, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khai mạc Phiên họp thứ 27, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Ðầu buổi sáng, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Ðề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Vinh Hiển, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành. Thời gian qua, một số nội dung của các môn học chưa bảo đảm tính hiện đại, cơ bản và thiết thực; chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng và thời lượng dạy học, nặng "dạy chữ" nhẹ "dạy người". Một số chủ đề còn nặng, khó, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh vùng khó khăn...

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm mới của Ðảng về giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (khóa XI). Nghị quyết mới của Quốc hội nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giáo dục hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển giáo dục hiện nay của đất nước, phù hợp với Hiến pháp mới ban hành.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cơ bản tán thành với Dự thảo Nghị quyết xác định mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông là tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Tại Phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, dự kiến đề án sẽ cần khoảng 34.725 tỷ đồng và chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được sử dụng ổn định đến năm 2030. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng và một số đại biểu cho rằng, nguồn kinh phí này nếu chỉ do ngân sách nhà nước thì lớn, nhưng nếu được xã hội hóa thì không lớn. Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần phải làm rõ việc sử dụng kinh phí này như thế nào trong Đề án.

Về tính khả thi của Ðề án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn từ nay đến năm 2016 chỉ còn 1,5 năm nữa, phải dồn sức cho việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới, liệu việc nâng cao năng lực, chất lượng, trình độ đáp ứng của đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật để triển khai có khả thi? Vì thế, để nêu bật được sự cần thiết phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội về vấn đề này, phải có báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Ðồng chí yêu cầu việc đổi mới phải có kế thừa, Nghị quyết mới của Quốc hội phải nêu rõ mục đích, nội dung đổi mới. Ðể đổi mới được chương trình giáo dục phổ thông như Đề án, cần chú trọng khâu tổ chức thực hiện, quá trình nghiên cứu thật kỹ càng, cụ thể, tránh tình trạng khi triển khai Nghị quyết, cơ quan thi hành lại nêu nguyên nhân do đội ngũ, cơ sở vật chất, điều kiện không đáp ứng nên chất lượng sách và điều kiện thực hiện kém...

Trước đó, các Ủy viên Ủy ban TVQH cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Tại Phiên họp, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Qua 05 năm thi hành, bên cạnh những đóng góp quan trọng, do tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, giáo dục, đào tạo nói riêng đã có những thay đổi, nên một số quy định trong Luật Dạy nghề không còn phù hợp với thực tiễn.

Các Ủy viên Ủy ban TVQH đã đóng góp nhiều ý kiến, cơ bản đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề là cần thiết, cấp bách để đáp ứng yêu cầu đổi mới, tạo tiền đề, động lực cho dạy nghề phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước và tham gia thị trường lao động quốc tế.

Theo chương trình, phiên họp lần thứ 27 của Ủy ban TVQH diễn ra đến ngày 24-4.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.