Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 21/02/2014, 10:05 (GMT+7)
Khai mạc Phiên họp lần thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu
khai mạc Phiên họp.

Ngày 20-02, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng và sự điều khiển của các Phó Chủ tịch QH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 25.

Buổi sáng, các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đây là dự thảo Luật đã được QH xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII.

Về đánh giá tác động môi trường hai bước, cơ quan thẩm tra cho rằng, thực tiễn trong thời gian qua, có một số dự án phải lập báo cáo đầu tư, xin chủ trương đầu tư nhưng sau khi lập đánh giá tác động môi trường thấy xuất hiện những tác động xấu buộc phải đình chỉ dự án, gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. Vì vậy, việc quy định hai bước lập đánh giá tác động môi trường đối với một số dự án lớn, có tác động xấu đến môi trường là cần thiết. Nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban TVQH cho rằng, dự thảo Luật quy định nhiều vấn đề liên quan các luật chuyên ngành khác, vì thế đề nghị cơ quan thẩm tra tiến hành rà soát tổng thể dự án luật để tránh chồng chéo, trùng lắp đối với hệ thống luật pháp.

Về quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chi tiết để giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhập phế liệu, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Các đại biểu cũng đã cho ý kiến chung quanh quy định bổ sung cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường ở cấp xã, theo đó đề nghị cần có ý kiến của Bộ Nội vụ để phù hợp với quy hoạch số lượng cán bộ, công chức chung của cả nước.

Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH trình bày báo cáo; các Ủy viên Ủy ban TVQH đã thảo luận chung quanh những nội dung cụ thể về phạm vi công chứng; các quy định về công chứng viên; về việc chuyển đổi, chuyển nhượng tổ chức hành nghề công chứng; về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên... Về cơ bản, ý kiến của các đại biểu QH tán thành với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Nhà nước vẫn cần phải duy trì một số lượng nhất định các phòng công chứng, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, nơi không có hoặc có rất ít Văn phòng công chứng để đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận dịch vụ công của người dân.

Ủy ban TVQH đã nghe Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao về việc cử Thẩm phán TAND tối cao làm thành viên Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Ủy ban Tư pháp cho rằng: Qua thảo luận, đa số Thường trực Ủy ban Tư pháp và các đại biểu tham dự Phiên họp nhận thấy, Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực từ ngày 01-01-2014; trong đó, có nhiều quy định mới về Thẩm phán TAND tối cao, về quyền hạn của QH và của Ủy ban TVQH. Do đó, việc xem xét Tờ trình của TAND tối cao phải căn cứ vào Hiến pháp sửa đổi và các Nghị quyết của QH, Ủy ban TVQH về triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Tại Phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, do còn có ý kiến khác nhau, nội dung xem xét, quyết định cử Thẩm phán TAND tối cao làm thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cần tiếp tục được bàn bạc, xem xét quyết định trong cuộc họp tới.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Sáng 18/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị.