Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Hai, 13/08/2018, 15:52 (GMT+7)
Khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30

Sáng 13-8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” đã khai mạc tại Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng tham dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các đại biểu là Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ chủ chốt các đơn vị của Bộ Ngoại giao, cán bộ làm công tác ngoại vụ tại các địa phương đã tham dự Hội nghị. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra vào thời điểm rất quan trọng. Đây là dịp kiểm điểm giữa kỳ việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, ngành Ngoại giao đã kiên trì về nguyên tắc; kiên định về mục tiêu; chủ động, linh hoạt trong triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, chúng ta đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng yếu về đối ngoại mà Đại hội Đảng XII đề ra, đặc biệt là hai nhóm nhiệm vụ lớn mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao 29, đó là tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, những thành tựu đối ngoại đạt được trong thời gian qua, trước hết là do chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng về đối ngoại, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của các ban, bộ, ngành, địa phương, sự quan tâm và đồng hành của người dân và doanh nghiệp đã tạo thành sức mạnh tổng hợp làm nên những thành tựu quan trọng trên mặt trận đối ngoại.

"Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các binh chủng, giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa ngoại giao - quốc phòng - an ninh, theo đúng phương châm “đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” là một nhân tố rất quan trọng dẫn đến thành công" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu
khai mạc hội nghị

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đọc báo cáo điểm lại tình hình thế giới và khu vực, kết quả công tác đối ngoại kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 đến nay. Lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã phát biểu tham luận, đánh giá tình hình thế giới, khu vực; nêu bật những thành tựu đạt được từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, công tác phối hợp giữa ngành Ngoại giao với các ngành trên mặt trận đối ngoại; đồng thời đề ra phương hướng, biện pháp thúc đẩy công tác đối ngoại trên tất cả các trụ cột, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại trong thời gian tới.

Đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng và cảm ơn những đóng góp to lớn, rất có ý nghĩa của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung, của ngành Ngoại giao nói riêng.

Tổng Bí thư chỉ rõ: Với sự cố gắng nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, công tác đối ngoại của chúng ta trong gần 3 năm qua, đặc biệt là trong năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước, đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại.

Từ năm 2016 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn đạt cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2011 – 2015; các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực, nhất là đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2017 đạt 35,88 tỉ USD, tăng 44,4% (cao nhất trong 10 năm qua), trong đó vốn giải ngân đạt 17,5 tỉ USD, tăng 10,8% so với năm 2016. Các đối tác đã cam kết viện trợ hơn 3 tỉ đô la ODA cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục 13 triệu lượt người.

Đến nay, đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 10 hiệp định có hiệu lực.Công tác đối ngoại tiếp tục góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia, đối tác toàn diện với 11 quốc gia và quan hệ chiến lược đặc biệt với Lào, Campuchia; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên mọi mặt, tiếp tục phát huy vai trò tích cực tại các thể chế khu vực và toàn cầu…

Những kết quả nêu trên đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đại hội XII và các chủ trương liên quan đến công tác đối ngoại của Đảng ta. Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; "kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược", bám sát yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kết hợp với yêu cầu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư đề nghị kiểm điểm thật kỹ, rút kinh nghiệm từ những thành tựu đã đạt được để có thể đạt kết quả nhiều hơn, tốt hơn. Trong quan hệ với các nước đối tác quan trọng, nhất là các nước lớn, có những "điểm nghẽn" nào cần tháo gỡ hoặc khâu "đột phá" nào cần mở ra; các khuôn khổ quan hệ đã ký kết có tạo được hiệu quả tương xứng với tên gọi hay còn mang nặng tính hình thức; xử lý một cách hiệu quả các vấn đề phát sinh, tăng cường xây dựng lòng tin…

Tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại

Tán thành với các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra và chủ đề của Hội nghị là "Chủ động, sáng tạo và hiệu quả", Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế; xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong xử lý quan hệ với các nước cả song phương và đa phương. “Các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực”; đồng thời phải đẩy mạnh tư duy đổi mới, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới. Đương nhiên, đổi mới phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 chụp ảnh chung

Tổng Bí thư yêu cầu, tiếp tục quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tượng, đối tác; tăng cường hợp tác tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa Việt Nam với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc. Mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và các lợi ích chính đáng của Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Một trong những yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt xử lý đúng đắn mọi vấn đề phức tạp trong đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Ngoại giao là những người đi đầu.

Để tranh thủ và tận dụng tối đa cơ hội, kiểm soát và hóa giải các thách thức, ứng phó tốt với những chuyển biến bên ngoài, phải luôn nhớ lời dạy của Hồ Chủ tịch là "mọi việc thành công bởi chữ đồng", theo đó phải luôn đề cao xây dựng sự đoàn kết và đồng thuận trong nước. Điểm đồng ở đây là bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; Đảng, Nhà nước và tất cả mọi người đều phải vì dân, vì nước. Trong triển khai công tác đối ngoại, "kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại", thực hiện phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến", nhất là giữ "trái tim nóng, cái đầu lạnh" và "kiên quyết, kiên trì" để xử lý các thách thức. Cố gắng tìm kiếm và tranh thủ điểm đồng về lợi ích để thúc đẩy hợp tác, phát triển trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tổng Bí thư lưu ý, cần phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, coi đó là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Theo đó, công việc trọng tâm thời gian tới là triển khai và phát huy các kết quả quan trọng của Năm APEC Việt Nam 2017, nhất là phối hợp với các đối tác thực hiện các sáng kiến của Việt Nam đã được APEC thông qua; cần thể hiện vai trò xứng đáng trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực, chuẩn bị các điều kiện để hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên hợp quốc, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đẩy mạnh vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và hoàn thành tốt trọng trách này.

Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà Việt Nam đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực.

Ngành ngoại giao cần tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nhất là Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Trung ương về việc "Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" và "Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, trọng tâm là các cam kết trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, CPTPP, Tổ chức Thương mại thế giới.

Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước; ưu tiên tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và lao động Việt Nam, thu hút nguồn vốn, nhất là FDI và ODA hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước; đẩy mạnh vận động các đối tác công nhận quy chế kinh tế thị trường theo lộ trình cam kết của WTO. Tích cực cùng các nước thúc đẩy đàm phán, phê chuẩn và thực hiện các thỏa thuận FTA đa phương; nghiên cứu khả năng tham gia các sáng kiến đa phương trong khu vực về kết nối kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng; tiến hành đàm phán các FTA song phương với các nước, nhất là với các đối tác thương mại lớn.

Hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược; nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương, nhất là giữa ngoại giao với quốc phòng - an ninh trong triển khai công tác đối ngoại và hội nhập của Đảng và Nhà nước.

Phía sau nhà ngoại giao là Đảng, đất nước, nhân dân

Để hoàn thành được những nhiệm vụ nêu trên, phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Ngành, tập trung vào hai nhiệm vụ chính là sắp xếp tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Ngành Đối ngoại, nhất là Bộ Ngoại giao, cần tích cực thực hiện các chủ trương và cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước ta, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Trong suốt chiều dài của cách mạng, Đảng ta luôn rất coi trọng công tác cán bộ của ngành Ngoại giao. Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của cách mạng, những nhà ngoại giao xuất sắc đã trở thành tấm gương của mọi thế hệ về lòng yêu nước, về tinh thần tự học hỏi, về bản lĩnh chính trị, về phong cách và nghệ thuật ngoại giao. Đó là những nhà ngoại giao, những chính khách được bạn bè quốc tế ghi nhận. Trước đòi hỏi của tình hình nhiệm vụ, cần tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cả về trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị, đặc biệt là bản lĩnh chính trị. Cán bộ ngoại giao phải không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, luôn trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vướng vào tham nhũng, tiêu cực. “Nhà ngoại giao luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là đất nước, là nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo”.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 tiếp tục làm việc đến ngày 17-8-2018.

Nguồn: TTXVN

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.