Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Bảy, 05/04/2014, 22:34 (GMT+7)
Khai mạc Hội nghị cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế

Quang cảnh Hội nghị cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế. (ảnh: qdnd.vn)

Sáng 05-4, Hội nghị cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) khai mạc tại TP Hồ Chí Minh với sự tham dự của các Ðoàn đại biểu cấp cao bốn nước thành viên của Ủy hội: Cam-pu-chia, Lào, Thái-lan, Việt Nam và hai nước đối tác đối thoại là Trung Quốc, Mi-an-ma cùng đại diện các đối tác phát triển, quan sát viên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Thủ tướng Lào Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông; Thủ tướng Cam-pu-chia Xăm-đéc Hun Xen; Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao, Ðặc phái viên của Thủ tướng Thái-lan; Bộ trưởng Tài nguyên Trung Quốc; Bộ trưởng Ngoại giao Mi-an-ma dẫn đầu các Ðoàn đại biểu dự Hội nghị. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh dự sự kiện này.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Hội nghị cấp cao lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các quốc gia thành viên Ủy hội và tiến trình hợp tác Mê Công. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi các quốc gia thành viên chuẩn bị kỷ niệm 20 năm Ngày ký Hiệp định hợp tác Mê Công và thành lập Ủy hội sông Mê Công quốc tế năm 1995.

Các nước thành viên, các đối tác đối thoại, đối tác phát triển đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị cấp cao; đề cao vai trò của Ủy hội sông Mê Công quốc tế và mong muốn Ủy hội tiếp tục được củng cố, hoàn thiện các cơ chế hợp tác khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác, đối thoại giữa các nước ở hạ lưu vì mục tiêu phát triển bền vững sông Mê Công. Là nước đối tác đối thoại của Ủy hội, Trung Quốc và Mi-an-ma khẳng định ủng hộ và đánh giá cao hợp tác với Ủy hội sông Mê Công và mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như giao thông thủy, chia sẻ thông tin.

Với chủ đề "An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của lưu vực sông Mê Công", Hội nghị đã thảo luận về những vấn để nổi bật hiện nay trong hợp tác Mê Công, trong đó có việc bảo đảm an ninh nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên khác của sông Mê Công trước áp lực phát triển kinh tế - xã hội cũng như các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Hội nghị cũng đã rà soát, đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn năm 2010 và đề ra các biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy việc quản lý, sử dụng và phát triển bền vững sông Mê Công, trong đó có việc chuẩn bị xây dựng và thực hiện Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2016 - 2020 của Ủy hội.

Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết giữa các thành viên và cam kết thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực Mê Công năm 1995 và các quy định, thủ tục của Ủy hội.

* Cùng ngày, bên lề Hội nghị cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Cam-pu-chia Xăm-đéc Hun Xen, Thủ tướng Lào Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông, Bộ trưởng Ngoại giao Mi-an-ma Vun-na Mông Lin và Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao, Ðặc phái viên Thủ tướng Thái-lan Xi-ha-sặc Phuông-kệt-keo.

Trong các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng các Ðoàn đại biểu, đánh giá cao những đóng góp của các nước đối với thành công của Hội nghị đồng thời khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các nước trong lưu vực sông Mê Công. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với các thành viên và các nước đối tác nhằm triển khai một cách hiệu quả các định hướng, chiến lược và dự án của Ủy hội, trong đó có việc thúc đẩy dự án nghiên cứu của Ủy hội về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công, gồm những tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính; thúc đẩy việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiệp định Mê Công năm 1995 và thủ tục của Ủy hội, trong đó có thủ tục Thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA). Thủ tướng cũng thông báo, Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục để gia nhập Công ước LHQ năm 1997 về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy và bày tỏ hy vọng các nước khác trong lưu vực Mê Công xem xét gia nhập để Công ước sớm có hiệu lực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của Lào, khẳng định Việt Nam mong muốn và ủng hộ Lào phát triển, đề nghị các bộ, ngành liên quan triển khai tốt các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Hoan nghênh việc hai nước thường xuyên trao đổi các Ðoàn cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm kết nối hai nước và tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực, quốc tế. Thủ tướng cũng bày tỏ chia sẻ và hy vọng Chính phủ, nhân dân Thái-lan sớm vượt qua các khó khăn hiện nay; khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi, ký chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước khi điều kiện thích hợp; mong muốn Thái-lan tiếp tục phát huy vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối thoại về các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Ðông. Ðánh giá cao vai trò và vị thế Mi-an-ma trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2014, Thủ tướng khẳng định, sẽ dẫn đầu Ðoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị cấp cao ASEAN sẽ diễn ra vào tháng 5-2014 tại Mi-an-ma.

Lãnh đạo các nước đều đánh giá cao việc Việt Nam chủ trì thành công Hội nghị cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế, trong đó có việc thông qua Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều nội dung quan trọng. Thủ tướng Lào Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông vui mừng thông báo các thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những kết quả tích cực trong việc thu ngân sách, tin tưởng hai bên triển khai tốt các định hướng nhằm không ngừng củng cố và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Thủ tướng Cam-pu-chia Xăm-đéc Hun Xen cảm ơn sự quan tâm, đón tiếp của Việt Nam với tư cách chủ nhà của Hội nghị, nhất trí với đề xuất các bộ, ngành của hai nước tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận, dự án mà lãnh đạo hai nước đã nhất trí trong các chuyến thăm song phương. Chuyển lời của Tổng thống Mi-an-ma Thên Xên, Bộ trưởng Ngoại giao Mi-an-ma Vun-na Mông Lin hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Ðoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới tại Mi-an-ma, đồng thời đánh giá cao sự phối hợp và hợp tác tốt giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có Hội đồng Nhân quyền LHQ mà Việt Nam đang là thành viên. Thay mặt Thủ tướng Thái-lan, ông Xi-ha-sặc Phuông-kệt-keo khẳng định, Chính phủ Thái-lan luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và thực hiện đầy đủ các cam kết, chương trình, dự án của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

* Ngay sau khi Hội nghị cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế kết thúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp báo quốc tế về kết quả Hội nghị. Hơn 50 nhà báo của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam và nước ngoài đã dự.

* Trước đó, ngày 02 và 03-4, là nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Việt Nam đã phối hợp Ban Thư ký Ủy hội tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Hợp tác an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng và an ninh lương thực tại lưu vực xuyên biên giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu". Khoảng 300 đại biểu đến từ các nước ven sông Mê Công, lãnh đạo và đại diện cấp cao của 20 tổ chức lưu vực sông xuyên biên giới ở châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ đã tham dự hội thảo.

 

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.