Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Ba, 05/11/2013, 13:14 (GMT+7)
Khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi

Ngày 04-11-2013, Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi đã khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn lần này có đại diện Chính phủ 15 nước Trung Đông - Bắc Phi; các vị đại sứ, đại biện, đại diện các nước, các tổ chức của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Việt Nam; các vị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam; lãnh đạo gần 250 doanh nghiệp của Việt Nam, Trung Đông - Bắc Phi cùng đông đảo phóng viên báo chí Việt Nam và quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, tăng cường hợp tác kinh tế vì phồn vinh và thịnh vượng chung, góp phần xóa đói nghèo, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), giảm khoảng cách về phát triển là nhân tố quan trọng để xây dựng và tăng cường lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, góp phần vào mục tiêu chung vì hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Thủ tướng khẳng định: Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi có những lợi thế và tiềm năng to lớn có thể bổ trợ cho nhau để hợp tác cùng phát triển. Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và mở cửa, Việt Nam đang là địa điểm đầu tư hấp dẫn với môi trường chính trị - xã hội ổn định, có thị trường tiềm năng và nguồn nhân công có kỹ năng dồi dào, lại nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động. Các nước Trung Đông - Bắc Phi có vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng, là nơi kết nối của ba châu lục Á - Âu - Phi, có nguồn vốn dồi dào, nguồn tài nguyên phong phú với trữ lượng về dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới. Đề xuất việc tổ chức Diễn đàn này, Chính phủ Việt Nam mong muốn Diễn đàn sẽ tạo động lực và những đột phá mới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - Bắc Phi phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, dầu khí và lao động.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn đề ra những định hướng, chương trình hợp tác thiết thực, hiệu quả với những giải pháp tạo đột phá, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, dầu khí và lao động. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thành công của các nhà đầu tư Trung Đông - Bắc Phi, vì đó cũng là thành công của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác
Trung Đông - Bắc Phi.

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, tuy cách xa nhau về địa lý, song từ lâu, nhân dân Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi đã gắn kết bởi sự tương đồng về lịch sử, tình đoàn kết, sự ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Trong suốt chặng đường lịch sử đã qua, mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đó đã không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam cũng như các nước Trung Đông - Bắc Phi quan tâm gìn giữ, vun đắp. Bộ trưởng nhấn mạnh: Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác hữu nghị vốn có với các nước Trung Đông - Bắc Phi và vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước trong khu vực thời gian qua, đặc biệt trên các lĩnh vực thương mại, năng lượng, đầu tư và lao động. Là một quốc gia nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển năng động, với một nền kinh tế đang kết nối mạnh mẽ với nhiều thị trường lớn trong khu vực và quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là cửa ngõ cho hàng hóa và dịch vụ của các nước Trung Đông - Bắc Phi tiếp cận thị trường các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, với dân số trên 520 triệu người và nhiều nền kinh tế lớn, lại đang đẩy mạnh chính sách hướng Đông, Trung Đông - Bắc Phi không chỉ là điểm đến quan trọng của hàng hóa, lao động và dịch vụ mà còn là thị trường đầy tiềm năng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Thay mặt Trưởng đoàn các nước tham dự Diễn đàn, Bộ trưởng đặc trách Thương mại Quốc tế Ma-rốc Mô-ha-mét Áp-bu cảm ơn sự chuẩn bị chu đáo và đón tiếp trọng thị mà nước chủ nhà Việt Nam đã dành cho đoàn đại biểu các nước tham dự Diễn đàn. Bộ trưởng đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước và khẳng định các nước Trung Đông - Bắc Phi mong muốn tăng cường phát triển quan hệ đối tác toàn diện, bền vững với Việt Nam. Bộ trưởng đánh giá cao việc Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi và ý nghĩa quan trọng của Diễn đàn; đồng thời, bày tỏ tin tưởng Diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi sang một giai đoạn phát triển mới, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của hai bên.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Sau một ngày làm việc tích cực và hiệu quả, với 03 phiên thảo luận chính: Tổng quan về môi trường kinh doanh và đầu tư; Hợp tác năng lượng, thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng; Hợp tác lao động, nông nghiệp và du lịch, các đại biểu đã trao đổi sôi nổi, đề xuất nhiều phương hướng, biện pháp cụ thể để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi. Các đề xuất tập trung khuyến nghị Chính phủ Việt Nam, Chính phủ các nước Trung Đông - Bắc Phi tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao; hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài của doanh nghiệp; một số giải pháp cụ thể để thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác trên những lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh bổ sung cho nhau, nhất là thương mại hàng hóa, năng lượng, khai khoáng, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng…; cải thiện hơn nữa hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, lao động, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, đã diễn ra các cuộc gặp song phương; gặp gỡ giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai bên; triển lãm, trưng bày sản phẩm quảng bá về đất nước, con người của Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi. Dự kiến một số thỏa thuận hợp tác cấp Chính phủ, doanh nghiệp sẽ được ký kết nhân dịp Diễn đàn: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ Nhà nước Pa-le-xtin; Bản ghi nhớ về Hợp tác Lao động và Xã hội; Bản ghi nhớ về Hợp tác Nông nghiệp giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Xu-đăng về hợp tác nông nghiệp….

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp các trưởng đoàn đại biểu các nước Trung Đông - Bắc Phi.

Theo chương trình của Diễn đàn, sáng ngày 05-11, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì các cuộc Tọa đàm về hợp tác lao động với một số đối tác trong khu vực.

Nguồn: chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Sáng 18/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị.