Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 25/04/2012, 01:19 (GMT+7)
Hướng về cội nguồn, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào

Theo Báo QĐND – Ngay sau thành công của Hội nghị “Quan hệ Hợp tác Quốc hội Việt - Lào: Đoàn kết - hữu nghị”, sáng ngày 24-4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Pa-ni Ya-thô-tu (Pany Yathothu) đã dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội hai nước tới dự Lễ trao bằng và khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử Cách mạng Việt - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Buổi lễ còn có sự tham dự của bà Thoong-vin Phôm-vi-hản, Phu nhân cố Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản. 


Ch tch Quc hi Nguyn Sinh Hùng và Ch tch Quc hi Lào Pa-ni Ya-thô-tu ti l khánh thành bia tưởng nim ở Khu di tích. nh: TTXVN

Lao Khô là địa danh lịch sử thiêng liêng, ghi dấu ấn sâu sắc về thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Đội Xung phong Lào-Bắc giai đoạn 1948-1950. Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là di sản có giá trị cao về lịch sử; gắn kết chặt chẽ với các giá trị văn hóa truyền thống và tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc ViệtNam – Lào.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng xúc động khẳng định, việc khởi công xây dựng Khu di tích nơi cố Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản và nhiều đồng chí lãnh đạo Cách mạng Lào đã từng sinh sống và hoạt động là một sự kiện chính trị đặc biệt, thiết thực chào mừng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012”, góp phần tô đậm thêm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trân trọng cảm ơn bà con nhân dân bản Lao Khô cũng như đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La đã từng đồng lòng cùng nhân dân cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ đi theo Đảng, theo cách mạng, đánh đuổi thực dân, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Bà con Lao Khô cũng đã nêu cao tinh thần đoàn kết tương thân tương ái giữa nhân dân hai nước, có công trong việc nuôi dưỡng, che giấu các chiến sĩ cách mạng hai nước Việt Nam và Lào. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ, bảo đảm tính mỹ thuật, chất lượng trong xây dựng quần thể Khu di tích có ý nghĩa lịch sử to lớn này của hai nước.

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ni Ya-thô-tu nói rằng, việc xây dựng Khu di tích chính là thể hiện sự kính trọng, ghi nhớ công lao của các thế hệ lãnh đạo đi trước, đặc biệt là cố Lãnh tụ Cay-xỏn Phôm-vi-hản; ghi nhớ sự biết ơn lớn lao đối với các chiến sĩ Cách mạng Lào trong lịch sử đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trước kia và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày nay. Sự kiện này cũng thể hiện sinh động tình hữu nghị Việt – Lào xây đắp bởi biết bao mồ hôi, xương máu của các chiến sĩ cách mạng hai nước trong suốt những năm qua. Khu di tích này cũng sẽ trở thành biểu tượng của tình hữu nghị; trở thành địa danh quan trọng để giáo dục, tuyên truyền đến các thế hệ trẻ của hai nước ghi nhớ, gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào.

Không khí lễ hội tại thành phố Sơn La mấy hôm nay như thêm lan tỏa với cuộc giao lưu “Hướng về cội nguồn, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào”. Không chỉ là một đêm giao lưu tô đậm thêm tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó keo sơn Việt - Lào, mà người dân của hai nước, dù tham dự trực tiếp hay chỉ theo dõi qua sóng truyền hình, còn có thêm cơ hội để chứng kiến những câu chuyện cảm động về mối tình “sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long” giữa hai dân tộc.


Ch tch Quc hi Nguyn Sinh Hùng và Ch tch Quc hi Lào Pa-ni Ya-thô-tu bm nút khi công xây dng Khu di tích. nh: TTXVN

Ngày hội Việt - Lào

Cách thành phố Sơn La, nơi diễn ra đêm giao lưu hơn 70km, đêm qua còn có một lễ hội khác. Lễ công bố và động thổ Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Việt Nam – Lào đã mang đến cho nhân dân bản Lao Khô niềm vui hiếm có. Khu di tích chắc chắn rồi đây sẽ được biết đến nhiều hơn, nhưng ngay từ bây giờ, đã trở thành minh chứng giản dị mà bền vững và điển hình cho mối quan hệ Việt - Lào. Điều đặc biệt hơn, trong buổi liên hoan ăn mừng của bà con bản Lao Khô còn có sự tham dự của những người anh em Lào vùng giáp biên.

Các thế hệ dân bản Lao Khô kể rằng, trong những năm tháng sinh sống và hoạt động cách mạng ở nơi đây, nhà cách mạng Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã được nuôi giấu bởi gia đình cụ Lao Khô, vị trưởng bản được dân tin yêu và quý mến. Tên tuổi của cụ sau này đã được nhân dân nơi đây đặt thành tên bản của mình.

Cũng tại ngôi nhà ấy, ông Lao Lử - con trai của cụ Lao Khô hôm qua đã vinh dự được đón Phu nhân của cố Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản đến thăm. Những lời tâm sự đầy xúc động của bà Thoong-vin Phôm-vi-hản đã thể hiện đầy đủ tình cảm của bà với toàn thể dân bản Lao Khô. Đó cũng là lời cảm ơn chân thành của nhân dân Lào vì sự che chở của người dân Việt Nam đối với một thời gây dựng và phát triển của Cách mạng Lào. Câu chuyện đó chắc chắn sẽ còn được các thế hệ dân bản Lao Khô truyền lại cho nhau để tiếp tục khẳng định sự thủy chung, son sắt vì mục tiêu và lý tưởng chung luôn được lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ, vun đắp.

Ngày hội ở Lao Khô cũng chính là ngày hội của nhân dân Lào.

Không có giới hạn nào cho tình cảm Việt - Lào

Có đến những bản làng biên giới, mới thấu hiểu mối tình thâm sâu, gắn bó Việt - Lào luôn được thể hiện giản dị qua cách đối xử của nhân dân hai nước. Ở nơi biên giới, lãnh thổ của hai quốc gia được phân định rõ ràng bởi những cột mốc, những dãy núi cao vời vợi, nhưng tình cảm của nhân dân hai nước, đặc biệt là nhân dân vùng biên thì chưa bao giờ có giới hạn.

Trung tá Nguyễn Anh Trung, Quyền chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Yên Châu nói rằng, lãnh đạo, chính quyền và nhân dân ở khu vực biên giới Việt - Lào đã có tình cảm gắn bó từ lâu, đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau và tình cảm đó ngày càng được vun đắp. Hai bên biên giới thường xuyên có những hoạt động giao lưu văn hóa. Các bản thậm chí mời nhau đến các địa phương để trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất, cũng như ôn lại cho nhau về mối tình đoàn kết giữa họ. Hiện nay, từ những người cao tuổi tới các thế hệ thanh niên, học sinh đều hiểu biết vùng đất Yên Châu nói chung và bản Lao Khô nói riêng là căn cứ cách mạng chung của hai nước.

Từng có 5 năm học âm nhạc tại Việt Nam, rồi tiếp đó là những lần công tác tới Hà Nội, tới khu vực biên giới, chị Bua-phăn Li-cay-a, đại biểu của Ủy ban Văn hóa-Xã hội Quốc hội Lào nói rằng, Việt Nam chính là gia đình, là quê hương thứ hai của chị. Lần này đến Sơn La, thông qua rất nhiều các hoạt động của Quốc hội hai nước, chị lại càng cảm nhận rõ hơn tình cảm gần gũi, thân nhau như ruột thịt của nhân dân hai dân tộc. Cũng như bao cán bộ, học sinh, sinh viên Lào khác, con trai của chị đã quyết định chọn Việt Nam là nơi tu nghiệp, bởi theo chị, ở đó sẽ không còn cảm giác như đang học tập tại nước ngoài.

Không chỉ tại huyện Yên Châu mà ở tất cả những khu vực chia sẻ đường biên giới chung giữa Việt Nam và Lào, nhân dân hai dân tộc đã bao lâu nay luôn ở cạnh, chia sẻ, giúp đỡ nhau với tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” để góp phần giữ vững an ninh vùng biên, đoàn kết làm ăn, sinh sống. Họ thường xuyên tiếp xúc với nhau, hỏi han, kết nghĩa, thậm chí nhiều đôi trai gái từ đó mà nên duyên vợ chồng. Dân bản Lao Khô kể rằng, Tết của người Mông chưa bao giờ thiếu vắng tiếng cười của bộ đội, nhân dân biên giới Lào. Điều đó dường như đã trở thành một tập quán, làm cho nhân dân hai nước ngày càng gắn bó với nhau hơn.

Nguồn: qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.